Khoa học xã hội phải theo sát sự thay đổi của môi trường

ThienNhien.Net – Khoa học xã hội nên nghiên cứu cụ thể hơn về những biến đổi môi trường do con người gây ra, tính dễ bị tổn thương của môi trường và tác động mà những thay đổi này có thể mang tới cho sinh kế cũng như cuộc sống con người. Đây là khuyến nghị từ Báo cáo “World Social Science Report 2013: Changing Global Environments” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hội đồng Khoa học Xã hội Quốc tế (ISSC) phối hợp thực hiện.

Theo TS Olive Shisana, Chủ tịch ISSC, con người chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính không thể tách rời việc điều chỉnh hành vi của con người và thay đổi mô hình phát triển mà con người lựa chọn.

Ảnh minh họa: UCLA
Ảnh minh họa: UCLA

Xét về lý thì đúng là như vậy, song thực tế, các môn khoa học xã hội vẫn chỉ đang đứng bên lề hoạt động nghiên cứu về những thay đổi môi trường. Thế nhưng, thời điểm hiện tại không phải là lúc khoa học tiếp tục đứng bên lề nữa mà phải nhanh chóng bước vào trung tâm của cuộc chiến hướng tới một tương lai an toàn và bền vững hơn – Báo cáo khẳng định.

Thêm một điểm cần nhấn mạnh là sự cần thiết phải có những nghiên cứu liên ngành, bởi không đơn giản chỉ cần đo được các mức gia tăng nhiệt độ, dự báo được động đất hay theo dõi được đường đi của một cơn bão… là đã có thể xây dựng được những hệ thống bền vững; không đơn giản chỉ cần nắm bắt được điều kiện khí hậu, số lượng loài hay sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên… của một khu vực là đã có thể lý giải được những khác biệt về kinh tế của nó trong tương quan với các khu vực khác.

Theo đó, các nhà khoa học thuộc đủ mọi lĩnh vực từ nhân chủng học, kinh tế học, nghiên cứu phát triển, địa lý học, khoa học chính trị tới tâm lý học và xã hội học cần hợp tác hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn với nhau và với các đồng nghiệp đến từ các bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học con người.

Báo cáo cũng kêu gọi sự ra đời của một loại hình khoa học xã hội mới gọi là khoa học bền vững hay khoa học biến đổi nhằm thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu theo hướng tập trung vào những thay đổi của cả môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, để có thể bắt tay vào nghiên cứu thì cần phải có đủ nguồn lực tài chính hỗ trợ, trong khi thực tế, tài chính ở nhiều nơi còn đang thiếu và phân bổ không đồng đều.

“Hầu hết các quốc gia mới nổi và các nước thuộc khu vực bán cầu Nam đều không có quỹ dành riêng cho những nghiên cứu khoa học xã hội về các vấn đề liên quan tới thay đổi môi trường toàn cầu, ngay cả việc hỗ trợ cũng vô cùng hạn chế” – bà Françoise Caillods, cố vấn cao cấp của ISSC, chia sẻ.

Như ở châu Phi hiện nay, các nghiên cứu khoa học tự nhiên vẫn đóng vai trò chủ đạo dẫn đến việc người ta hay hiểu về những thách thức môi trường một cách kỹ thuật. Còn ở châu Á – Thái Bình Dương, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi nhưng còn lẻ tẻ và chậm chạp…

Vì thế, Báo cáo khuyến nghị các nước nên tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu khoa học xã hội liên quan tới môi trường. Song trước khi đầu tư cần phải tạo dựng được những nền tảng cơ bản mà ở đó, các nhà khoa học tự nhiên cũng như xã hội có thể trao đổi, thảo luận, lập kế hoạch và hợp tác cùng nghiên cứu về các thách thức môi trường chung của nhân loại.