Xử lý việc doanh nghiệp nhận đất rừng rồi bỏ hoang

Với kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, từ năm 2005 đến nay, tỉnh Bắc Cạn đã “trải thảm đỏ” thu hút 15 dự án trồng rừng của doanh nghiệp, có tổng diện tích đã phê duyệt hơn 43.954 ha. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn “không được triển khai”, trong khi người dân thiếu đất để trồng rừng.

Khu đất được giao để trồng rừng của Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico.

Doanh nghiệp “vẽ” dự án

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đến nay tất cả các dự án trồng rừng của doanh nghiệp đều chậm tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư. Trong số các dự án được tỉnh Bắc Cạn phê duyệt chỉ có ba dự án triển khai trên thực tế, nhưng tiến độ thực hiện cũng “ì ạch”. Công ty TNHH Phúc Lộc thực hiện dự án trồng hơn 651 ha rừng tại huyện Chợ Mới, hiện mới trồng được hơn 10% diện tích. Công ty cổ phần Điện và Gỗ Bình Minh có dự án trồng hơn 11.000 ha rừng tại các huyện Pác Nặm, Ngân Sơn và TP Bắc Cạn, nay mới trồng được khoảng 300 ha. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Cạn được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trồng 7.500 ha rừng, đến nay mới trồng được hơn 50% diện tích nhưng việc quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ dẫn tới chồng chéo, khiếu kiện kéo dài.

Năm 2014 và 2016, UBND tỉnh Bắc Cạn giao Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Đa Phương (Công ty Đa Phương) thuê, quản lý hơn 3.222 ha đất rừng sản xuất và phòng hộ tại xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới. Đây là khu đất rất thuận lợi cho trồng rừng, vì đất đồi không quá cao, lại sát quốc lộ 3 và gần Khu công nghiệp Thanh Bình, nơi tập trung các nhà máy chế biến gỗ. Thế nhưng, đến nay Công ty Đa Phương không triển khai trồng rừng, cũng không thanh toán tiền thuê đất, để đất bỏ hoang.

Trước đó, năm 2009, tỉnh Bắc Cạn cũng “cắt” hơn 2.300 ha rừng sản xuất và đất lâm nghiệp của Lâm trường Chợ Mới, đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Cạn (doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh) giao Công ty cổ phần Sahabak, được thành lập trên cơ sở góp vốn của ba doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Cạn quản lý, sử dụng. Trong số này, có hàng nghìn héc-ta rừng do Lâm trường Chợ Mới liên kết với người dân địa phương trồng, sắp đến kỳ cho khai thác. Đến nay, Công ty cổ phần Sahabak đã phá sản. Đáng nói là sau khi khai thác hết rừng trồng đã được giao, công ty bỏ hoang đất lâm nghiệp gây lãng phí.

Tương tự, Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico được giao thuê 20 ha đất trồng rừng, xây dựng vườn ươm để bảo vệ môi trường tại khu vực nhà máy chế biến bột đá các-bo-nát, nhà máy chế biến chì kẽm ở Thượng Quan (huyện Ngân Sơn) nhưng cũng chưa trồng một cây nào.

Các dự án trồng rừng “không được triển khai” có phần trách nhiệm không nhỏ của một số cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Bắc Cạn khi đánh giá, thẩm định còn chủ quan, không sát thực tế. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư còn sai sót khi sử dụng hồ sơ, số liệu khảo sát cũ; thiếu đôn đốc, chậm xử lý các dự án chậm tiến độ. Các cơ quan quản lý chưa ban hành quy chế về giao đất trồng rừng cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vì vậy, không phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các đơn vị liên quan. Dẫn đến, nhiều doanh nghiệp không nắm được quy trình, thủ tục; hiểu chưa đúng chỉ đạo của UBND tỉnh cho nên tự thỏa thuận với các xã để trồng rừng mà không làm thủ tục thuê đất. Một số diện tích đất là đất rừng tái sinh không đủ điều kiện để trồng rừng mới nhưng vẫn giao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có năng lực, thiếu ý thức chấp hành pháp luật dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Kiên quyết thu hồi đất

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Pác Nặm Phạm Minh Tuân cho biết, khi triển khai dự án trồng rừng tại địa phương, Công ty TNHH D&G Việt Nam đề nghị vừa trồng rừng vừa làm thủ tục dự án, công ty trồng được khoảng 40 ha rừng. Khi công ty không còn triển khai dự án, từ nguồn vốn dự án 3PAD, huyện đã giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các diện tích còn lại cho người dân. Tuy nhiên, việc trồng rừng khá khó khăn, do những vị trí đẹp thì công ty đã trồng rừng xong.

Ngoài ra, có hiện tượng doanh nghiệp không trồng rừng nhưng vẫn đòi giữ đất. Điển hình là Công ty Đa Phương, sau khi bị UBND tỉnh thông báo thu hồi diện tích đất đã lập tức có báo cáo, xin tiếp tục triển khai dự án. Trong đó, công ty nêu, đã trồng được 20 ha cây mỡ từ năm 2016, nhưng đã chết hết do hạn hán, không có nước tưới. Thực tế trong trồng rừng không ai tưới nước, chưa kể, tại khu vực này, người dân trồng, rừng vẫn sống. Qua kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Cạn khẳng định công ty này chưa trồng một cây nào.

Có thể khẳng định, chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng rừng của tỉnh Bắc Cạn là đúng đắn. Với hai loại cây trồng chủ lực là keo và mỡ, sau chu kỳ 10 năm bắt đầu cho khai thác, mỗi héc-ta có thể cho thu nhập 30 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, việc thiếu trách nhiệm, chủ quan trong thẩm định dự án, lựa chọn nhà đầu tư đã dẫn tới phần lớn các dự án không hiệu quả, gây lãng phí đất. Do đó, bên cạnh việc đôn đốc các doanh nghiệp đang triển khai tập trung trồng rừng, Bắc Cạn cần kiên quyết thu hồi các dự án không hoạt động, giao đất cho các tổ chức, cá nhân có năng lực, tâm huyết với nghề rừng để phát huy hiệu quả tiềm năng đất lâm nghiệp của địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mỹ Hải, khi lập dự án doanh nghiệp “vẽ” phương án trồng rừng thì rất đẹp nhưng thực tế không có nguồn lực đầu tư, lãng phí đất đã giao, cho thuê. Vì vậy, ngành nông nghiệp kiến nghị UBND tỉnh cần thẩm định kỹ nguồn vốn của các dự án trồng rừng, đối với những dự án không triển khai thì kiên quyết thu hồi.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Thanh Oai khẳng định: Đối với những dự án đã được giao đất nhưng đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì kiên quyết thu hồi để bàn giao cho địa phương quản lý, đưa vào sử dụng, trồng rừng, tạo thêm cơ hội cải thiện kinh tế cho người dân.

Đến nay, tỉnh Bắc Cạn đã thu hồi chứng nhận đầu tư năm dự án với diện tích đất đã giao cho thuê hơn 14.897 ha của các doanh nghiệp: Công ty TNHH D&G Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển lâm nghiệp Hưng Lâm, Công ty TNHH MTV quốc tế Bạch Thông, Công ty cổ phần Sahabak, Công ty cổ phần Hoàng Long Bắc Cạn. Tỉnh đang xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án trồng 2.459 ha của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp miền núi. Ngày 25-12-2018, UBND tỉnh đã thông báo thu hồi diện tích đất đã giao cho Công ty Đa Phương do không sử dụng đất liên tục 36 tháng, vi phạm điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2014.