Mỗi ngày có tới 3 con tê giác bị giết hại lấy sừng

ThienNhien.Net – Số tê giác bị giết hại trái phép trong năm 2013 tại Nam Phi là 1.004 cá thể, trung bình 3 cá thể bị giết/ngày. Con số này khiến 2013 trở thành năm tồi tệ nhất được ghi nhận về nạn săn trộm tê giác tại quốc gia này.

Ngày 17-1, Bộ Môi trường Nam Phi đã công bố số liệu chính thức về số tê giác bị giết hại trái phép trong năm 2013 tại Nam Phi là 1004 cá thể.

Con số này gấp hơn 1,5 lần số liệu chính thức của năm 2012 khi 668 con tê giác bị giết hại để lấy sừng và đã đẩy quần thể tê giác trắng ở Nam Phi tiến gần hơn đến điểm báo động, khi tỷ lệ tử vong vượt quá tỷ lệ sinh sản khiến quần thể loài này sẽ suy giảm nghiêm trọng.

Sừng tê giác được các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia buôn lậu nhiều thị trường tiêu thụ. Tại những nơi này, sừng tê giác được sử dụng chủ yếu nhằm thể hiện đẳng cấp hay như một loại thần dược. Đã có bằng chứng về sự liên kết giữa các băng nhóm tội phạm chủ mưu trong việc buôn lậu sừng tê giác với những loại hình tội phạm có tổ chức khác, bao gồm cả buôn người, ma túy và vũ khí.

Quốc gia láng giềng của Nam Phi là Mô-zăm-bích được biết đến rộng rãi với vai trò là điểm trung chuyển cho các hoạt động buôn lậu sừng tê giác, đồng thời là căn cứ hoạt động cho những kẻ thường vượt qua biên giới nhằm săn trộm tê giác.

Số liệu tê giác bị săn trộm tại Nam Phi từ 1990-2013
Số liệu tê giác bị săn trộm tại Nam Phi từ 1990-2013

Tháng 3/2013, các quốc gia thành viên của Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã chỉ ra một số nước có liên quan chặt chẽ đến tội phạm buôn bán tê giác cần có những hành động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Cuối tháng 1/2014, Chính phủ Việt Nam gửi CITES bản báo cáo về tiến độ các vụ bắt giữ, truy tố và kết án đối với các hành vi buôn lậu và sử dụng bất hợp pháp sừng tê giác, cũng như việc thực hiện một hệ thống theo dõi sát sao nhằm ngăn chặn những chiến lợi phẩm sừng tê giác được nhập khẩu khỏi bị buôn bán bất hợp pháp. Việt Nam đã được hướng dẫn xây dựng và thực hiện những biện pháp nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác.

Trong một diễn biến tương tự, Mô-zăm-bích, một điểm trung chuyển sừng tê giác ra khỏi châu Phi, đã ban bố và thi hành luật pháp cùng với những hình phạt mang tính răn đe nhằm đấu tranh với tội phạm động vật hoang dã, chấm dứt việc giết hại tê giác và buôn lậu sừng tê giác một cách hiệu quả. Tại thời điểm này, tội phạm liên quan đến tê giác tại Mô-zăm-bích vẫn chỉ là một tội nhẹ.

Cuối tháng 12/2012, Nam Phi đã ký một Biên bản ghi nhớ với Việt Nam về việc xử lý buôn lậu các loài hoang dã giữa hai quốc gia và sau đó đã xây dựng một Kế hoạch hành động chung vì tê giác. Nam Phi cũng đã ký một Biên bản ghi nhớ tương tự với Trung Quốc năm 2013 và sẽ tiếp tục với Mô-zăm-bích, Thái Lan, Lào, Campuchia và Hồng Kông (TQ).

Hội nghị London về Buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng 2 năm 2014 tới đây, những cam kết từ Chính phủ các nước được ưu tiên hàng đầu là đấu tranh với mối đe doạ toàn cầu ngày càng lớn mạnh của nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã. Theo dự đoán, sẽ có các nguyên thủ quốc gia và Bộ trưởng ngoại giao từ khoảng 50 nước, bao gồm các nước trọng điểm của những cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác và voi, tham dự Hội nghị thượng đỉnh cấp cao được triệu tập bởi Thái tử Charles và Thủ tướng Anh David Cameron này.

Hội nghị sẽ đi đến một tuyên bố chung nhằm đảm bảo sự hưởng ứng mang tính hợp tác toàn cầu cũng như những nguồn lực cần thiết nhằm xoay chuyển tình trạng buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã thông qua cải thiện việc thực thi pháp luật và vai trò của hệ thống tư pháp hình sự; giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm bất hợp pháp từ các loài hoang dã, và hỗ trợ quá trình phát triển sinh kế thay thế bền vững.