Nhăm nhe “miếng mồi ngon”

ThienNhien.Net – Những cánh rừng ở Tây Nguyên vẫn bị tàn phá nhưng các cơ quan chức năng chưa có cách xử lý triệt để.

Bài 1: Dửng dưng với lệnh đóng cửa rừng

Ngày 28-6, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức cuộc họp báo thông tin về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên đã không được ban tổ chức cuộc họp báo trả lời.

5 năm, mất 50.000 ha rừng!

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum, chỉ đưa ra những giải pháp chung chung nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, như: tăng cường tuyên truyền; củng cố, tổ chức lại ngành lâm nghiệp; gắn trách nhiệm của chủ rừng đối với việc mất rừng; rà soát tất cả cơ sở chế biến gỗ nhằm ngăn chặn đầu ra của gỗ lậu…

Ông Bùi Thanh Bình, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum, cho biết đến năm 2015, tỉnh này chỉ còn hơn 603.000 ha rừng, gồm cả hơn 546.000 ha rừng tự nhiên. Trong khi đó, năm 2011, diện tích rừng của Kon Tum là 650.300 ha. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, gần 50.000 ha rừng ở Kon Tum đã biến mất!

Theo ông Bình, chỉ tính từ đầu năm 2016 tới nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 264 vụ vi phạm, xử lý hình sự 8 vụ. “Một số địa phương, đơn vị thiếu sâu sát, lơ là nhiệm vụ, để xảy ra nhiều vụ việc xâm hại đến tài nguyên rừng, gây bức xúc trong nhân dân” – ông Bình nhận xét. Nhiều vụ phá rừng nổi cộm đã xảy ra tại Tiểu khu 474, xã Măng Cành, huyện Kon Plong; rừng đặc dụng Đắk Uy, huyện Đắk Hà; Lâm trường Măng La (Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Kon Plong)…

Gỗ bị chặt hạ ở Lâm trường Măng La, tỉnh Kon Tum Ảnh: HOÀNG THANH
Gỗ bị chặt hạ ở Lâm trường Măng La, tỉnh Kon Tum Ảnh: HOÀNG THANH

Mới đây, qua thông tin báo chí phản ánh về việc phá rừng ở lâm phần của Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đắk Glei, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra, làm rõ. Nếu đúng, phải có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời phải đề ra các giải pháp ngăn chặn, chống tái diễn.

Ông Bình cho biết Tỉnh ủy – UBND tỉnh Kon Tum từng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương và cả hệ thống chính trị của tỉnh triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng. Thế nhưng, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn nhăm nhe “miếng mồi ngon” rừng tự nhiên và đại ngàn Tây Nguyên vẫn không thôi chảy máu.

Coi chừng “ông”thủy điện

Trong những năm qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cũng là “miếng mồi ngon” cho các công ty thủy điện nhăm nhe xâu xé.

Sau khi Công ty TNHH 30-4 Gia Lai dừng dự án thủy điện Suối Say 1, 2 (diện tích rừng bị xâm hại khoảng 25 ha), mới đây, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết không đồng ý triển khai dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2. Theo UBND tỉnh Gia Lai, nếu được tiển khai, thủy điện này sẽ lấy đi khoảng 265 ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Việc làm thủy điện này còn ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội vùng hạ du.

Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã phản đối hai dự án thủy điện Sơn Lang 2, 3. Dự án thủy điện Sơn Lang 2, theo tính toán của UBND tỉnh Gia Lai, sẽ lấy đi khoảng 287 ha và thủy điện Sơn Lang 3 lấy đi khoảng 3,9 ha.

Ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết sắp tới, chi cục sẽ xây dựng báo cáo dự thảo, sau đó Tỉnh ủy Gia Lai sẽ triển khai thành nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý bảo vệ rừng. “Báo cáo này sẽ đánh giá thực trạng quản lý bảo vệ rừng, nêu rõ các tồn tại và giải pháp để quản lý bảo vệ rừng” – ông Nhĩ nói.

Trách nhiệm không chỉ của chủ rừng

Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Yók Đôn (tỉnh Đắk Lắk), trách nhiệm chính trong việc quản lý bảo vệ rừng là chủ rừng. Tuy nhiên, trong thực tế, các chủ rừng không đủ năng lực, thẩm quyền để bảo vệ tuyệt đối rừng mà cần có sự vào cuộc của các lực lượng khác.

Ông Tùng đặt vấn đề: “Không chỉ trong báo cáo, đề xuất mà pháp luật cũng đã quy định phải tăng cường sự phối hợp, vào cuộc của chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị nhưng thực tế “vào” được tới đâu? Việc vận chuyển, chế biến, tiêu thụ ở ngoài rừng; bao nhiêu xưởng cưa quanh rừng hoạt động công khai, toàn gỗ tự nhiên thì sao họ vẫn làm được?. Gỗ chứ có phải cây kim đâu mà đưa ra tận đô thị chế biến, tiêu thụ công khai như vậy? Để mất rừng, xưa nay có lãnh đạo tỉnh, huyện nào bị cách chức đâu?”.

TS Võ Hùng, Trưởng Bộ môn Lâm sinh Khoa Nông Lâm Nghiệp – Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết trước đây, Chính phủ cũng đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên nhưng chỉ dừng lại ở việc cấm khai thác gỗ. Lần này, việc đóng cửa rừng tự nhiên được yêu cầu một cách toàn diện: Không chỉ cấm khai thác gỗ mà còn không chuyển đổi bất kỳ diện tích rừng nào làm các dự án, trừ các dự án an ninh quốc phòng.

“Chủ trương, chính sách đã có, vấn đề là thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả. Thực tế, trong thời gian có chủ trương cấm khai thác gỗ thì gỗ rừng vẫn bị xẻ thịt, xe chở gỗ vẫn chạy ầm ầm trên đường. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lâm luật, bảo đảm đời sống cho những người liên quan đến rừng thì chắc chắn sẽ bảo vệ được rừng” – TS Hùng nhìn nhận.

Giám sát công tác bảo vệ rừng

Trong 2 ngày 26 và 27-6, đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và UBND tỉnh Đắk Lắk về công tác quản lý bảo vệ rừng.

Đoàn giám sát đã nghe báo cáo thực trạng, đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ rừng. Dự kiến trong những ngày tới, đoàn giám sát sẽ làm việc với một số tỉnh Tây Nguyên về vấn đề này.