Số phận đập thủy điện Don Sahong chưa ngã ngũ

ThienNhien.Net – Hợp tác khu vực đã rơi vào khoảng lặng khi các thành viên Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) không thể đưa ra tiếng nói chung đối với số phận con đập Don Sahong mà Lào đề xuất xây trong phiên họp đặc biệt ngày 16/01 vừa qua.

“Bế tắc hiện tại cho thấy dấu hiệu bất ổn của việc hợp tác tương lai trong khu vực Mê Kông” – bà Ame Trandem, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) bình luận. “Hiệp định Mê Kông năm 1995 yêu cầu các nước phải giữ vững cam kết, nỗ lực đạt được sự đồng thuận nhằm quản lý bền vững sông Mê Kông. Thế nhưng, tinh thần của Hiệp định lại bị vi phạm hết lần này đến lần khác khi Chính phủ Lào đơn phương tuyên bố xây đập Xayaburi và gần đây nhất là Don Sahong, bất chấp những quan ngại của các nước láng giềng về tác động tiêu cực của chuỗi đập trên dòng chính” – bà nói thêm.

Tháng 9 năm ngoái, Lào đã thông báo kế hoạch xây đập Don Sahong tới MRC và các nước láng giềng phía hạ nguồn. Việc chỉ thông báo ý định này mà không thực hiện thủ tục thông báo, tham vấn và đồng thuận trước (PNPCA) chứng tỏ rằng Lào đang phớt lờ trách nhiệm đối với Hiệp định Mê Kông năm 1995. Để bày tỏ quan ngại sâu sắc của mình, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã gửi thư đề nghị Chính phủ Lào phải hoàn tất tiến trình tham vấn trước trước khi có bất cứ động thái triển khai dự án nào.

“Tuy nhiên, chỉ e những bất đồng chưa được hóa giải trong phiên họp đặc biệt ngày 16/01 sẽ đẩy Don Sahong cùng chung một số phận với Xayaburi” – bà Pianporn Deetes, Điều phối viên Chiến dịch của IR tại Thái Lan, chia sẻ.

Vị trí Lào dự định xây đập Don Sahong (Ảnh: International Rivers)
Vị trí Lào dự định xây đập Don Sahong (Ảnh: International Rivers)

Trong phiên họp đặc biệt ngày 16/01, các đại diện của Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã không ngừng nêu lên những quan ngại về tác động xuyên biên giới của đập Don Sahong tới ngành thủy sản trong khu vực và về các giải pháp giảm thiểu tác động vốn chưa chứng minh được tính hiệu quả. TS Lê Đức Trung, đại diện đoàn Việt Nam chỉ rõ rằng tác động của dự án lên nghề cá sông Mê Kông là hết sức đáng kể. Ông Te Navuth, đại diện đoàn Campuchia cũng đặt giả thiết nếu các cầu thang cá không hoạt động hiệu quả thì con đập sẽ gây tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực và nguồn dinh dưỡng của đất nước ông…

Theo đó, bà Trandem khuyến nghị: “Lào phải ngừng việc lờ đi trách nhiệm của mình đối với Hiệp định Mê Kông năm 1995 và quay lại hợp tác với một thái độ thiện chí hơn. Còn bản thân MRC và các nhà tài trợ, thay vì tiếp tục đánh bạc với ngành thủy sản của khu vực, cần yêu cầu tạm dừng ngay mọi hoạt động triển khai xây đập Don Sahong cũng như các dự án đập khác trên dòng chính Mê Kông”. Bởi lẽ, sông Mê Kông không phải chỉ thuộc về một quốc gia mà là tài sản chung có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đến an ninh lương thực của hàng triệu con người. Một khi MRC chưa thể vượt qua những thách thức về quản trị hoặc lập ra được một cơ chế đối thoại và thảo luận mới về những dự án thủy điện này thì tương lai của dòng sông chung vẫn còn bị đe dọa.

Vì cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp của MRC ngày 16/1 chưa đạt được quyết định về việc dự án Don Sahong có phải thực hiện PNPCA hay không, vấn đề này sẽ được tiếp tục bàn thảo tại cuộc họp cấp cao hơn – cấp Hội đồng MRC.

Tháng 4 tới, MRC sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh MRC lần thứ hai với sự tham gia của 4 nước thành viên nhằm tái khẳng định cam kết chính trị và giải quyết những thách thức trong hợp tác khu vực cũng như trong hoạt động quản lý bền vững lưu vực Mê Kông. Trong trường hợp các bộ trưởng của MRC không thể xử lý thỏa đáng những vấn đề khúc mắc xoay quanh hai con đập Don Sahong và Xayaburi, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này cũng sẽ khó đạt được mục tiêu ban đầu.