Nhật báo Phnompenhpost ngày 3/4 đăng tải bài viết của tân Giám đốc điều hành của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) An Pich Hatda, người Campuchia đầu tiên và là Giám đốc điều hành thứ hai của Ban thư ký MRC là người thuộc các quốc gia ven sông, trong đó ông nhấn mạnh việc tăng cường và thúc đẩy hợp tác lưu vực có thể giải quyết được những thách thức và rủi ro mà Mê Công đang phải đối mặt.
Ngày nay, chúng ta – những người sống ở lưu vực sông Mê Công – phải đối mặt với những rủi ro và thách thức chưa từng có.
Thời tiết khắc nghiệt hơn – lũ lụt, bão tố và hạn hán – đã thay đổi lưu vực dòng sông chúng ta từng biết.
Khu vực của chúng ta được coi là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu.
Và chúng ta vẫn chưa biết quy mô ảnh hưởng đến lưu vực và hệ thống sông Mê Công ra sao.
Đồng thời, chúng ta phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn giữa sự phát triển nhanh trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp cùng những tác động bất lợi đến môi trường và sinh kế địa phương.
Sản lượng đánh bắt cá đang thay đổi và dự kiến sẽ giảm, vận chuyển trầm tích xuống hạ nguồn cũng giảm, đe dọa đến sản lượng nông nghiệp, và đa dạng sinh học đang hứng chịu áp lực lớn.
Năm ngoái, khu vực sông Mê Công cũng phải đối mặt với một thảm kịch chưa từng có: vụ vỡ một con đập lớn ở Lào.
Chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với những tình huống phức tạp, bất định đến vậy và chưa bao giờ cần phải cùng nhau tìm cách giảm thiểu rủi ro, chia sẻ lợi ích và tăng khả năng phục hồi như bây giờ.
Đó là lý do tại sao trong nhiệm kỳ tại MRC, tôi sẽ nỗ lực củng cố nền tảng của tổ chức, tiếp tục cung cấp kịp thời kiến thức khoa học và đề xuất các giải pháp bền vững vốn nhạy cảm với các quan điểm và giá trị đa dạng.
Theo cách này, MRC sẽ tiếp tục đóng vai trò là diễn đàn và nền tảng ngoại giao nước của lưu vực sông Mê Công để thảo luận và thúc đẩy các giải pháp cho những thách thức cấp khu vực.
Tăng cường kiến thức
Chỉ bằng cách thấu hiểu tình trạng hiện tại của lưu vực sông Mê Công đã thay đổi như thế nào và động lực của những thay đổi này, chúng ta mới có thể quản lý các thách thức hiệu quả hơn.
Báo cáo sắp tới của MRC về Tình trạng lưu vực sông, dự kiến công bố vào cuối năm nay, sẽ cung cấp cho chúng ta cái nhìn mới nhất và toàn diện nhất về xu hướng kinh tế, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu và hợp tác trong lưu vực.
Báo cáo này tiếp nối Nghiên cứu của Hội đồng đã hoàn thành gần đây, trong đó phác thảo các tác động tiềm năng của sự phát triển liên quan đến nước và các ngành liên quan cũng như cơ hội để đầu tư thông minh hơn cho lưu vực sông Mê Công hiện tại và trong những năm tới.
Để đảm bảo giám sát và chia sẻ thông tin về các rủi ro và thay đổi mới nổi, MRC cũng thực hiện các bước đi để củng cố mạng lưới giám sát và hệ thống dự báo về lũ lụt và hạn hán trên toàn lưu vực.
Trong vài năm tới, tôi hy vọng sẽ cải thiện cách thức Hiệp định Mê Công 1995 và 5 Thủ tục hỗ trợ các quốc gia thành viên quản lý tài nguyên nước của lưu vực.
Điều này cũng sẽ được củng cố thông qua Chương trình Giám sát Môi trường chung đã được lên kế hoạch, hỗ trợ các quốc gia thành viên MRC giám sát và báo cáo tác động môi trường xuyên biên giới của các dự án thủy điện dòng chính Mê Công.
Chương trình sẽ được thí điểm dựa trên các dự án phát triển đập hiện tại, Xayaburi và Don Sahong để cho phép các quốc gia ứng đối khi xác định được những tác động bất lợi.
Theo khuyến nghị của MRC trong quá trình tham vấn trước, các dự án Xayaburi và Don Sahong đã cải thiện đáng kể thiết kế để giải quyết những mối lo ngại của các bên liên quan về vấn đề thủy sản và trầm tích.
Phối hợp để phục hồi
Việc nắm chắc các yếu tố bất định xung quanh hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu, giám sát chung và quản lý thích ứng sẽ rất quan trọng.
Tuy nhiên, có được kiến thức về những thách thức hiện tại và tương lai là chưa đủ, tất cả các bên liên quan trong lưu vực sông Mê Công cần phải hợp tác và đưa ra các lựa chọn đầy đủ thông tin để tối ưu hóa thành công lợi ích và quản lý rủi ro từ phát triển.
Bước đầu tiên, MRC tiếp tục tăng cường quản lý dữ liệu và thông tin để xác minh và chia sẻ thông tin cũng như kiến thức một cách rộng rãi và nhanh chóng.
Chúng tôi cũng đang nỗ lực để không ngừng tập hợp các đại diện chính phủ, chủ thể khu vực tư nhân, đối tác phát triển, các nhà nghiên cứu, NGO và các tổ chức xã hội dân sự để đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng về phát triển bền vững.
Như ở Diễn đàn khu vực các bên liên quan gần đây nhất về dự án thủy điện Pak Lay được đề xuất ở Lào, vấn đề đầu vào của các bên liên quan đã được đưa vào quá trình tham vấn và ra quyết định.
Cuối cùng, để đối ứng hiệu quả với những thay đổi và rủi ro trên toàn lưu vực đòi hỏi sự hợp tác rộng rãi hơn giữa các quốc gia thành viên MRC và nhất là với nước láng giềng Trung Quốc ở thượng nguồn.
Tôi có kế hoạch đến Trung Quốc vào tháng 6 này để tăng cường hợp tác. Tôi dự định sẽ thảo luận về các cơ hội hợp tác với Cơ chế Hợp tác Lan Thương – Mê Công, các chuyến thăm cấp cao của Hội đồng Bộ trưởng MRC và kế hoạch chia sẻ thông tin nâng cao.
Chuẩn bị cho ngày mai bất định
Mặc dù MRC được thiết lập và công nhận là tổ chức lưu vực sông dựa trên hiệp ước quốc tế và nền tảng ngoại giao nước chính trong lưu vực sông Mê Công, chúng tôi vẫn có cơ hội cải thiện hợp tác toàn lưu vực.
Ưu tiên của tôi là trang bị thêm cho Ban thư ký MRC các kỹ năng thúc đẩy và kết nối cần thiết để tìm giải pháp cho các quốc gia, các ngành và các nhóm có thể có quan điểm và lợi ích trái ngược.
Tôi phải xin lỗi Giáo sư toán học người Mỹ John Allen Paulos, nếu sự bất định là điều chắc chắn duy nhất thì an ninh của chúng ta nằm ở việc chuẩn bị tốt để thích nghi.
MRC cam kết đạt được sinh kế kiên cường, công bằng cho người dân lưu vực sông trong khi vẫn thúc đẩy và bảo tồn lợi ích phát triển.
Tôi cam kết tối đa áp dụng phương châm Chương trình “Đáp ứng nhu cầu, Giữ gìn cân bằng” của MRC cho công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Để làm được điều này, tôi mong muốn tiếp tục có đầu vào và sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan – chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể đảm bảo một tương lai kiên cường cho lưu vực và người dân sông Mê Công.