Lào lại xây đập mới trên dòng Mê Kông

ThienNhien.Net – Việc Lào chỉ thông báo mà không tham vấn các nước láng giềng về việc xây dựng con đập Don Sahong đang dấy lên những quan ngại sâu sắc, nhất là khi con đập này được cho là sẽ có tác động nghiêm trọng đến ngành thủy sản trong khu vực.

Dòng chính hay dòng nhánh?

Ngày 30/09/2013, Chính phủ Lào đã gửi thư thông báo tới Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về kế hoạch xây dựng con đập thứ hai trong số 11 dự án đập trên dòng chính sông Mê Kông. Động thái này thể hiện một phần nghĩa vụ của Lào trong việc tuân thủ quy trình PNPCA (Thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước) theo Hiệp định Mê Kông năm 1995.

Tuy nhiên, với việc chỉ thông báo về kế họach xây dựng con đập mà không thông qua tham vấn các nước láng giềng hạ nguồn, Lào đã mặc nhiên cho rằng Don Sahong chỉ là đập dòng nhánh và “quá nhỏ để có thể gây ra bất cứ tác động môi trường nghiêm trọng nào lên dòng Mê Kông”, như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Lào, ông Viraphonh Viravong trong cuộc phỏng vấn của tờ The Nation (Thái Lan).

Theo quy định trong Quy chế Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Ủy hội Sông Mê Công, quy trình Thông  báo là một trong ba điều kiện tiên quyết riêng biệt đối với việc phát triển các loại hình dự án sử dụng nước khác nhau ở Hạ lưu Sông Mê Công. Quy trình thông báo là yêu cầu bắt buộc đối với các dự án sử dụng nước quanh năm bên trong hạ lưu và với các dự án chuyển dòng giữa các lưu vực trên các phụ lưu của Sông Mê Công, cũng như đối với việc sử dụng nước vào mùa mưa trên dòng chính. Các thông tin từ quy trình này giúp các nước thành viên lên kế hoạch cho các dự án sử dụng nước khác.Hai quy trình khác là Tham vấn trước và Thỏa thuận. Quy trình Tham vấn trước áp dụng đối với các dự án đề xuất sử dụng nước trên dòng chính vào mùa khô, chuyển dòng nước từ dòng chính sang các lưu vực khác trong mùa mưa và chuyển dòng nước dư thừa sang các lưu vực khác vào mùa khô. Quy trình Thỏa thuận cụ thể là yêu cầu bắt buộc đối với các dự án chuyển dòng nước từ dòng chính sang các lưu vực khác vào mùa khô (Theo MRC).

Trong khi đó, tại Biên bản thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) của dự án Don Sahong năm 2007, MRC đã khẳng định: “Thông tin trong Báo cáo EIA cho thấy dự án thủy điện Don Sahong nằm trên dòng chính của sông Mê Kông bởi vì nguồn nước dành cho dự án không chảy từ một dòng chảy vào sông Mê Kông mà từ dòng chính trên thượng nguồn thông qua một hệ thống nối liền các dòng nhánh bị phân dòng được tạo thành bởi rất nhiều các hòn đảo tại đường đứt gãy của thác Khone. Theo Báo cáo, việc sản xuất điện dự kiến sẽ diễn ra quanh năm. Như vậy, theo cơ chế được mô tả trong Hiệp định 1995 và quy trình PNPCA, dự án phải được tham vấn trước”.

Tuy nhiên, điều đáng đặt câu hỏi là tại thông cáo mới nhất của MRC sau thông báo của Lào, MRC đã không hề đề cập đến câu chuyện dòng chính – dòng nhánh, đến thủ tục Tham vấn trước lẽ ra phải có đối với dự án thủy điện này.

Trái lại, cách diễn giải mập mờ, bóng gió của MRC rất dễ dẫn người ta đến kết luận rằng dường như MRC cũng đã đồng tình với quan điểm của Lào khi cho rằng Don Sahong chỉ là một dự án nằm trên phụ lưu. Bởi lẽ, theo thông cáo thì “Cho đến nay, ngoài thông báo về dự án Don Sahong, còn có 41 dự án trên các phụ lưu của Sông Mê Kông đã được trình để tiến hành quy trình Thông báo” và “Cho đến nay thủy điện Xayaburi là dự án duy nhất đã được đề xuất nằm trên dòng chính”. Về vị trí của con đập, tại thông cáo, MRC cũng chỉ lưu ý rằng dự án “nằm trên lòng chảy Hou Sahong dài 5 Km, là một trong những dòng chảy bị phân dòng của sông Mê Kông”.

Người phát ngôn của Ban Thư ký Ủy hội MRC tại Vientiance – ông Federico Rodriguez – sau đó đã phát biểu: “Ở trường hợp dự án thủy điện Don Sahong, bằng cách đệ trình lên MRC, Lào đã hành xử phù hợp với quy định của Hiệp định Mê Kông”, theo tờ Phnom Penh Post.

Động thái của Lào và phản ứng của MRC sau đó đã bị nhiều tổ chức môi trường trên thế giới chỉ trích. Đơn cử, trong bức thư mới nhất gửi tới Thủ tướng bốn nước thành viên MRC ngày 01/11 vừa qua, Liên minh Cứu sông Mê Kông (StM) khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ tuyên bố của Lào bởi vì hoàn toàn không nghi ngờ gì rằng Don Sahong là đập dòng chính và sẽ tác động đến dòng chảy, luồng di cư của cá và có tác động lớn xuyên biên giới.”

Liên minh cũng đồng thời bày tỏ việc “có rất ít niềm tin vào MRC hay Hiệp định Mê Kông 1995 để giải quyết thỏa đáng mối đe dọa từ dự án đập Don Sahong và các dự án khác trên dòng chính sông Mê Kông.”

Về điều này, bà Ame Trandem, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế bình luận: “Trong bản đánh giá dự án năm 2007 rõ ràng là MRC đã khẳng định rằng dự án Don Sahong là dự án thủy điện dòng chính. Trước phạm vi tác động của con đập Don Sahong lên dòng chính của sông MK và hệ sinh thái cũng như nguồn thủy sản, chắc chắn dự án sẽ phải thông qua quy trình tham vấn trước. Thay vì lẩn tránh nhiệm, chính phủ Lào nên hợp tác với các chính phủ trong khu vực để tìm ra tiếng nói chung. ”

Sông Mê Kông - dòng sông nuôi sống hàng chục triệu người
Sông Mê Kông – dòng sông nuôi sống hàng chục triệu người

Tác động không thể phủ nhận

Trong khi vẫn tồn tại những tranh cãi về việc định danh dự án dòng chính hay dòng nhánh cho công trình thủy điện Don Sahong thì điều đã được rất nhiều nghiên cứu khẳng định là tầm quan trọng có một không hai của khu vực xây dựng con đập này đối với các loài cá di cư trên dòng sông Mê Kông, đồng nghĩa với tác động vô cùng nghiêm trọng tới ngành thủy sản nội địa lớn nhất thế giới.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Thủy sản Thế giới (Word Fish Center-WFC) từ năm 2007, khu vực xây đập – nhánh Hoo Sahong tại thác Khone – là địa điểm vô cùng quan trọng đối với ít nhất 201 loài cá, bao gồm cả các loài đặc hữu và nguy cấp như cá đá sông (Mekonggina erythrospilla) và cá trà sóc (Probarbus Jullieni). Khu vực này cũng là một trong những khu vực sinh sống ít ỏi còn lại của loài cá heo nước ngọt (Orcaella brevirostris) trên dòng Mê Kông.

Nghiên cứu cho biết, từ lâu Hoo Sahong đã được biết đến là một nhánh quan trọng nhất để cá di cư trong tất cả các mùa vì ở các nhánh sông khác đều có những con thác rộng mà cá không thể vượt qua. Kênh Hoo Sahong trái lại không có các trở ngại tự nhiên suốt chiều của nó, lại là nhánh sâu duy nhất mà cá có thể di cư ngay trong cả mùa khô, giai đoạn quan trọng cho cá di cư lên thượng nguồn.

“Ngay cả chính phủ Lào từ lâu cũng đã thừa nhận nhánh sông này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các loài cá di cư. Trong những năm 1960, 1970 và 1980 rất nhiều lần chính phủ Lào đã ban lệnh cấm đánh bắt cá ở Hoo Sahong cũng vì lẽ đó. Các cộng đồng sống trên thượng nguồn của Hoo Sahong thường cho rằng nếu cá không thể lên nhánh sông đó, tất cả người dân sống từ  huyện Khong đến phía bắc Vientiane sẽ không có đủ cá để ăn bởi vì cá di cư không thể vượt qua những nhánh sông khác tại khu vực thác Khone với số lượng lớn. Việc chặn Hoo Sahong có thể phá hủy trầm trọng ngành thủy sản quan trọng của Lào.” (WFC, 2007)

Trên lưu vực Mê Kông, 87% các loài cá là loài di cư bao gồm cả những loài có giá trị thương mại nhất. Cá thường di cư giữa khu vực kiếm ăn ở hạ nguồn (Tonle Sap) và khu vực đẻ trứng ở thượng nguồn (Phía Bắc Campuchia, Lào, Thái Lan). Hoạt động đánh bắt cá tập trung ở cuối mùa khô chiếm khoảng 11 đến 73% tổng lượng cá đánh bắt được ở thác Khone càng cho thấy tầm quan trọng của khu vực này đối với các loài cá di cư vào những tháng có mực nước thấp nhất trong năm. Chính vì vậy việc cản trở luồng di cư của cá ở thác Khone sẽ có những tác động tới xã hội, sinh thái và kinh tế trên cả lưu vực – Nghiên cứu của WFC khẳng định.

Về tác động của dự án, Báo cáo Môi trường chiến lược do MRC ủy thác thực hiện năm 2011 cũng đã khẳng định:“Điều lo ngại đối với Don Sahong là mặc dù đây là đập chắn một phần, nó vẫn đe dọa tính kết nối quanh năm của dòng chính để cá đi qua và sẽ đưa một phần lớn dòng chảy ra khỏi Thác Khone”.

Với những tác động nghiêm trọng đã được dự báo, trong bức thư mới nhất gửi Thủ tướng các nước MRC, StM đề xuất dừng xây dựng các dự án thủy điện dòng chính và giải quyết các vấn đề liên quan thông qua quyết định ở cấp khu vực trên nguyên tắc minh bạch với sự tham gia của đầy đủ của các bên liên quan. StM cũng cho rằng việc xây dựng các dự án thủy điện quy mô lớn trong lưu vực chỉ là hình thức nhân danh phát triển để đổi lại là sự hy sinh dòng sông và đời sống của hàng chục triệu con người. Chính vì thế, chính phủ các nước Mê Kông không thể có toàn quyền quyết định thay cho người dân sống trên lưu vực, những con người mà cuộc sống và sinh kế của họ bao đời gắn liền với dòng sông này.

“Dòng Hou Sahong là dòng duy nhất mà cá có thể đi qua trong mùa kiệt, vì vậy việc chặn dòng Hou Sahong như chặn nút cổ chai sẽ là một thảm họa đối với nguồn thủy sản Mê Kông và ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng quan trọng của người dân ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Một đặc điểm quan trọng của cá Mê Kông là rất nhiều loài dựa vào “tín hiệu dòng sông” tức là sự thay đổi mực nước hàng năm để di cư, sinh sản, tìm mồi.  Đập thủy điện ngoài việc cản trở cá di chuyển còn làm cho nhiều loài cá bị “rối mù” do tín hiệu dòng sông bị đảo lộn. Đập Don Sahong sẽ ảnh hưởng đặc biệt với người dân Campuchia vì nhiều nhóm cá ở hồ Tonle Sap rất nhạy cảm với tín hiệu dòng sông. Tác động cụ thể của riêng đập Don Sahong đối với Việt Nam thì hiện nay chưa thể định lượng được nhưng nếu cá ở Tonle Sap bị ảnh hưởng thì chắc chắn là nguồn thủy sản ở ĐBSCL cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.”(Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – Trưởng nhóm tư vấn Quốc gia về Đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thủy điện dòng chính Mê Kông)

 

Bạch Dương/Diễn đàn Đầu tư