Bắt vắt tìm… Sao la

ThienNhien.Net – Cùng tuần rừng với cán bộ bảo vệ rừng (BVR) của Khu Bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) để đi tìm dấu tích sao la thông qua việc thu mẫu máu vắt, phân tích ADN, gắn bẫy ảnh, gỡ bẫy thú rừng mới thấy hết những gian nan vất vả của những người làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây…

Gian nan, hiểm nguy

Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Khu Bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế quản lý bảo vệ 12.153 ha rừng đặc dụng, thuộc 11 tiểu khu rừng tự nhiên nằm trên địa bàn của hai huyện A Lưới và Nam Đông, nối liền với Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu Bảo tồn Sao La Quảng Nam.

Khu Bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế là nơi được bao phủ bởi các sinh cảnh rừng đa dạng, với tính đặc hữu điển hình ở mức độ đa dạng cao, được xem là nơi nuôi dưỡng, là vùng sinh cảnh lớn cho sao la và các loài thú lớn khác sinh sống. Ba loài thú lớn, đặc hữu mà các nhà khoa học đã phát hiện ở khu vực này là sao la, mang lớn, mang Trường Sơn…

Một chuyến tuần rừng của đội BVR phát hiện được nhiều loài gỗ quý, kích thước lớn (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)
Một chuyến tuần rừng của đội BVR phát hiện được nhiều loài gỗ quý, kích thước lớn (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam) 

Anh Trần Mạnh Thành, Đội trưởng Đội BVR Khu Bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế, cho biết, mô hình tuần tra BVR của Khu Bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế được thành lập vào đầu năm 2011 là cách tiếp cận mới trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học rừng do Dự án Dự trữ Các Bon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng tài trợ bởi Ngân hàng Tái thiết Đức, thực hiện trong từ năm 2011 đến 2014 thông qua WWF tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Hợp phần các khu bảo vệ có mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lí Khu Bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế, phát triển quần thể sao la và các loài thú móng guốc hiện diện trong khu bảo tồn.

Anh Viêm Xuân Liêm, cán bộ BVR WWF, chia sẻ: “Với thời gian trong vòng 1 tháng thì lực lượng BVR lại có mặt và tuần tra ròng rã trong rừng từ 16 – 22 ngày. Đường đi gian nan, vất vả, địa bàn rộng lớn nhưng anh em vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Lấy mẫu vắt, truy tìm dấu tích sao la (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)
Lấy mẫu vắt, truy tìm dấu tích sao la (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)

Mùa giáp Tết, núi rừng dày sương, ven tuyến đường tuần rừng, tầm nhìn chỉ được 4 – 5 m. Các cán bộ BVR phải đi chậm, bám vào nhau, hỗ trợ để vượt qua triền đồi đầy khó nhọc. Chuyện những cán bộ nơi đây không chỉ ăn ngủ với núi rừng mà tai nạn, sa sẩy chân không phải là hiếm.

Phén sà cạp (công cụ bảo vệ chân cho người đi rừng), chỉ vào vết chân còn chưa liền sẹo, anh Liêm tâm sự: “Mỗi chuyến đi sớm thì về trong ngày, có những chuyến tuần rừng đi phải 2 – 3 ngày, trèo lên các thác lớn là ớn nhất. Hôm rồi, mình bị sẩy chân, cây rừng đâm tứa cả máu. May nhờ anh em hỗ trợ nhau, làm cáng đưa về trạm cứu chữa”.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế, cho hay, dù địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp hiểm trở nên rất khó khăn trong việc tiếp cận thường xuyên các khu vực rừng sâu nhưng với sự nỗ lực quyết tâm của mình, BQL Khu Bảo tồn Sao La, Đội BVR thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho công đồng người dân. Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng trong vùng lõm khu bảo tồn như cấm săn bắn động vật, khai thác gỗ, khai thác khoáng sản…

Bắt vắt tìm thú quý

Sự xuất hiện của loài thú móng guốc sao la đã từng tồn tại qua các thời kỳ lịch sử phát triển của địa phương Thừa Thiên Huế, với tên gọi theo tiếng Tà Ôi là Xin xor. Lần đầu tiên sao la được ghi nhận dấu vết và hình ảnh thực ở Thừa Thiên Huế vào tháng 1/1998 trong trường hợp 1 con sao la đực trưởng thành, với trọng lượng 58 kg bị mắc nạn ở thôn Hộ (xã Dương Hòa, TX Hương Thủy). Trường hợp khác, cũng vào năm 1998, một số em học sinh xã A Roàng, huyện A Lưới trên đường đi thăm rẫy thì thấy đàn chó phát hiện và bao vây 1 con sao la.

Gắn bẫy ảnh, ghi nhận những hình ảnh hiếm hoi về loài sao la (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)
Gắn bẫy ảnh, ghi nhận những hình ảnh hiếm hoi về loài sao la (Ảnh: Duy Phiên/Nông nghiệp Việt Nam)

Ngay sau khi nhận được tín báo, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường để nghiên cứu và giải thoát. Mặc dù với quần thể rất nhỏ, việc săn bắt bừa bãi trong phạm vi sống hẹp đã đẩy loài thú này đến bờ tuyệt chủng. Hiện sao la được xem là loài “cực kỳ nguy cấp” trong “Sách đỏ” của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), và phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong tự nhiên.

Ông Lê Ngọc Tuấn cho biết, trước sự cấp thiết trên, một chương trình hành động và kế hoạch xây dựng khu bảo tồn sao la và bảo vệ chúng trước nguy cơ bị tuyệt chủng do săn bẫy đã được Dự án Carbi và BQL Khu Bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế phối hợp với các địa phương có vùng sinh cảnh sao la sinh sống được triển khai mạnh mẽ và bước đầu đang mang lại những thành công nhất định.

Anh Đoàn Tuấn, Đội trưởng Đội BVR WWF cho biết, thu mẫu vắt và phân tích AND là phương pháp hiện đại đã được áp dụng để phát hiện về sự tồn tại của nhiều loại động vật quý hiếm phân bố tại các khu rừng dọc biên giới Việt – Lào đi qua địa bàn hai tỉnh TT- Huế và Quảng Nam. Theo đó, công tác chuẩn bị các vật dụng gồm 50 ống nghiệm sẽ được sử dụng để lưu giữ các mẫu vắt.

Một thành viên của mỗi nhóm sẽ tuần tra thu thập các mẫu vắt khi tuần tra theo tuyến. Việc thu thập sẽ được thực hiện trong suốt quá trình điều tra của nhóm. Việc thu mẫu vắt và phân tích AND sẽ giúp xác định được sự xuất hiện của các loài thú, đặc biệt là sao la trong khu vực thu vắt. Phương pháp này sẽ tập trung ở vùng có phân bố của thú quý và dọc tuyến của nhóm tuần tra BVR.

Cá thế sao la được giải cứu tại xã Dương Hòa (Thừa Thiên Huế) năm 1998 (Ảnh: Khu bảo tồn Thừa Thiên Huế)
Cá thế sao la được giải cứu tại xã Dương Hòa (Thừa Thiên Huế) năm 1998 (Ảnh: Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế)

Anh Tuấn chia sẻ, không phải cứ vào rừng lấy mẫu vắt là được, mà phải di chuyển nhiều nơi, đi qua những vùng tiềm năng mới tìm được dấu tích sao la. Cùng với việc lấy mẫu vắt, công tác gắn, đặt bẫy ảnh để truy tìm dấu vết hiếm hoi của loài thú quý này cũng được cán bộ BVR chú trọng.

Ông Lê Ngọc Tuấn đánh giá, sao la là một loài thú hiếm, được xem là linh vật của Trường Sơn, với số lượng quần thể rất nhỏ. Sao la càng trở nên bí ẩn khi thông tin về loài thú này ngày càng ít dần, thậm chí khi các nhà khoa học sử dụng đến bẫy ảnh hiện đại vẫn rất hiếm khi tìm thấy ghi nhận được dấu vết của chúng.

Các sọc màu trắng nổi bật trên mặt và cặp sừng thon dài tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cùng môi trường sống kín đáo ở những khu rừng ẩm ướt trong dãy Trường Sơn càng gợi nên vẻ bí ẩn của loài thú này. Vì vậy, chung tay bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học chính là bảo vệ môi trường sinh cảnh cho sao la, bảo vệ sự sống cho muôn loài và cả chúng ta.