Làng 10 năm sống nhờ… vũng nước trâu đằm

ThienNhien.Net – 10 năm trôi qua kể từ khi nhường đất ở xã Xuân Tân và Trùng Khánh để xây dựng dự án thuỷ điện Tuyên Quang, những hộ dân đến tái định cư ở 9 thôn thuộc xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, vẫn thấp thỏm trong cơn khát nước. Cả thôn 2 Minh Quang sống nhờ vũng nước trâu đằm.

Buổi sáng ở thôn 2 Minh Quang

Vượt qua quãng đường hơn 200 km, phóng viên PLVN tìm về thôn 2 Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Thời điểm phóng viên đặt chân lên đất thôn 2 Minh Quang là buổi sáng, theo lẽ thường tình làng quê miền sơn cước vào buổi sáng rất bình yên và thơ mộng. Tuy nhiên, buổi sáng ở thôn 2 Minh Quang trái ngược hoàn toàn, nếu so sánh với mức độ nhộn nhịp nơi đô thị thì không thể bằng nhưng so với các miền quê khác hẳn thôn 2 Minh Quang đang diễn ra lễ hội.

Theo quan sát của phóng viên tại thôn 2 Minh Quang, buổi sáng nơi đây vô cùng nhộn nhịp và sôi động, người dân đổ xô ra trục đường chính của làng, ai nấy đều bận bịu với những vật dụng đựng nước từ xô, chậu cho đến những chiếc can, chiếc bình di chuyển nhanh thoăn thoắt về phía cuối làng. Thấy lạ, chúng tôi đi theo, đi khoảng 500 m, chúng tôi thấy một đám đông vừa nói chuyện vừa cúi xuống nhìn mương nước bên đường.

Người dân nơi đây mang xô, chậu để lấy nước sinh hoạt. Từ vệ đường từng người trượt xuống con dốc dẫn xuống mương nước, múc nước xong lại đi lên theo hướng khác, nhường chỗ cho người tiếp theo. Người này múc xong, người kia lại phải đợi chừng 5 phút cho bùn lắng lắng xuống rồi mới múc tiếp.

Nguồn nước mà người dân nơi đây đang múc cho vào xô là nước từ con mương nhỏ do người dân đào để dẫn nước từ suối vào ruộng. Tuy nhiên, mực nước mùa khô đang dần cạn kiệt, những người dân nơi đây phải khoét lòng mương sâu xuống, lấy đá cuội kè vào tạo thành một cái hố nhỏ để chứa nước vừa để bụi bẩn lắng xuống.

Nhìn từ xa vũng nước ấy không khác gì vũng trâu đầm, mà gọi là vũng trâu đằm cũng đúng vì theo Phạm Xuân Thao (Thôn 2 Minh Quang, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) thì cái vũng nước đó vốn là chỗ trâu bò hay xuống uống nước và đằm mình xuống bùn “trước nó là cái vũng bùn đấy mà, bà con hay cột trâu ở đó. Nay thiếu nước quá nên bà con họ không cho trâu xuống nữa, để còn lấy nước sinh hoạt ” anh Thao nói.

Một thập kỷ “đói” nước

Một số hộ dân mở nắp giếng cho phóng viên thấy giếng đào mùa khô không còn nước sinh hoạt.
Một số hộ dân mở nắp giếng cho phóng viên thấy giếng đào mùa khô không còn nước sinh hoạt.

Trao đổi với phóng viên, những người dân nơi đây cho biết tình trạng thiếu nước đã diễn ra từ rất lâu, nguồn nước chính dùng để sinh hoạt và sản xuất ở đây phải trông chờ vào những cơn mưa.

Bà Phạm Thị Kiểu (52 tuổi, Thôn 2 Minh Quang, Xã Minh Hương, huyện Hàm Yên) bà Kiểu vốn là dân tái định cư của dự án thuỷ điện Tuyên Quang, quê gốc ở Yên Xuân, xã Xuân Tơn, huyện Na Hang chuyển đến từ năm 2003, sinh sống ở đây trên 10 năm bà Kiểu cho biết: “Ngày mới về đây định cư theo chủ trương của Nhà nước thì còn có nước sinh hoạt, họ có mắc cho mỗi nhà một vòi nước. Nhưng dùng đâu được một tháng thì tự dưng mất nước.

Từ đó cho đến nay chẳng bao giờ thấy giọt nước nào nữa, chúng tôi phải tìm đủ cách để sống từ việc tích trữ nước mưa cho đến đến tìm các nguồn nước khác nhưng chỉ đủ dùng sinh hoạt bình thường như nấu ăn thôi, chứ tắm rửa thì cũng phải hạn chế. Lúc nãy các anh thấy rồi đấy, mùa này cả làng chúng tôi chỉ trông vào vũng nước bằng cái thúng thế kia thì sống làm sao được.

Nước thì lúc có lúc không, mùa này nước trên khe chảy về cũng ít nên phải đào sâu và khoét rộng lòng mương thành một cái hố để tích nước. Múc được xô nước mang về nhà thì cũng mất nửa xô rơi vãi dọc đường rồi! Mà có phải cứ thích múc là múc được đâu, người trước mục được một xô thì người sau lại phải chờ cho bùn nó lắng xuống, nước trong trở lại rồi mới đến lượt người khác múc. Cả mấy chục hộ múc được nước sinh hoạt xong cũng mất cả buổi sáng, chả làm được cái gì nữa. Nghĩ mà chán…”.

Theo người dân, mặc dù trước khi di dân về xã Minh Hương, Ban di dân đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cho các hộ dân tái định cư một hệ thống đường ống dẫn nước từ núi về. Tuy nhiên, do không rõ nguyên nhân gì, mà hệ thống cung cấp nước chỉ hoạt động được một tháng rồi nghỉ hẳn.

Ông Từ Khắc Vương bên chiếc đồng hồ nước.
Ông Từ Khắc Vương bên chiếc đồng hồ nước

Ông Từ Khắc Vương (56 tuổi, thôn 2 Minh Quang, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) cho biết: “Năm 2003 khi chúng tôi về đây, họ làm cho một đường ống dẫn nước từ trong núi về làng, có nước được chừng một tháng thì mất. Mà ở đây họ lấy nước từ các vũng nước ngoài cánh đồng giáp núi, gọi là các hố trữ nước cho cấy cày của người dân, chứ có phải lấy nước trên khe núi về đâu. Sau khi đường ống đó mất nước, chúng tôi liên tục kiến nghị lên xã, huyện.

Vậy mà, mãi đến năm 2006 họ mới tiếp tục làm cho chúng tôi một đường ống khác, có lắp cả đồng hồ để đo nước, cuối tháng thu tiền để tu bổ đường ống. Nhưng lắp xong cho đến bây giờ, 7 năm trời rồi mà chẳng thấy nước đâu cả. Mà cái đường ống năm 2003 to như cái ống điếu còn chả có nước huống hồ gì cái đường ống năm 2006 lại bằng cái chén uống nước chè thì đủ nước cho dân dùng sao được”.

Nói dứt lời ông Vương dẫn chúng tôi ra đằng sau nhà để xem đường ống dẫn nước cùng chiếc đồng hồ nước đã lắp được 7 năm nhưng vẫn vẻn vẹn 5 con số 0, vì chưa từng có một giọt nước nào chạy qua đường ống này.

Chiếc đồng hồ nước của gia đình ông Từ Khắc Vương đã chạy 7 năm nhưng vẫn ở 5 số 0 vì chưa từng có giọt nước nào chạy qua
Chiếc đồng hồ nước của gia đình ông Từ Khắc Vương đã chạy 7 năm nhưng vẫn ở 5 số 0 vì chưa từng có giọt nước nào chạy qua

Ông Vương còn cho biết, để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày người dân nơi đây phải đào thêm giếng. Tuy nhiên để đào một cái giếng ở đây cũng mất 5-7 triệu, nhưng hầu hết các hộ dân tái định cư ở đây là hộ nghèo nên việc đào một cái giếng cũng là một vấn đề lớn.

Thế nên các hộ dân tái định cư ở thôn 2 Minh Quang liên tục kiến nghị lên Ủy ban nhân dân xã (UBNDX) Minh Hương, xin hỗ trợ đào giếng lấy nước ăn và sinh hoạt nhưng đến nay vẫn chưa có sự hỗ trợ nào.

Trông đợi mỏi mòn mà không có kết quả, một số hộ dân đã họp nhau lại góp tiền đào giếng, trung bình cứ hai, ba hộ sẽ cùng chung một cái giếng. Có những trường hợp đặc biệt như ông Vương đã phải thuế chấp nhà, vay vốn ngân hàng để lấy tiền đào giếng.

Việc thiếu nước không những ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế, chăn nuôi mọi thứ đều khó khăn. “Nhiều lúc chúng tôi bí quá phải đi mua thêm nước của các vùng xung quanh với giá 40 nghìn đồng một bể. Cứ như vậy thì lấy đâu ra tiền mà mua mãi như thế được. Con người không đủ nước mà ăn thì còn nói gì đến con vật, cuộc sống gia đình nông thôn mỗi nhà có ít cũng phải nuôi hai con lợn lấy phân bón mang ra ruộng mà bây giờ nước không có thì nuôi kiểu gì?. Đúng là 10 năm nay chúng tôi chết cứng rồi”, ông Vương nói…

PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.