Đầu tư năng lượng cho người nghèo chưa được ưu tiên

ThienNhien.Net – Các quyền cơ bản của con người bao gồm quyền về nước, lương thực, sức khỏe, chỗ ở, việc làm và văn hóa lâu nay đã được thừa nhận, nhưng có một quyền không kém quan trọng cho đến giờ vẫn chưa được thừa nhận, đó là quyền về năng lượng. Đặt trong bối cảnh thế giới vẫn còn tới hơn 1,3 tỷ người – chiếm gần ¼ dân số – “đói” năng lượng thì việc chưa thừa nhận tiếp cận năng lượng như một quyền cơ bản là một thiếu sót lớn.

Vậy phải làm gì để  lấp đầy thiếu sót này? Bài phân tích Energy Poverty: The hidden Energy Crisis (Tạm dịch: “Đói” năng lượng tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng) của hai tác giả Teodoro Sanchez – cố vấn công nghệ năng lượng thuộc tổ chức Practical Action và Andrew Scott – nghiên cứu sinh cao cấp Chương trình Biến đổi khí hậu, Môi trường và Rừng thuộc Viện Phát triển Nước ngoài (Anh) dưới đây có thể sẽ là một câu trả lời.

Tăng đầu tư năng lượng cho người nghèo

Hơn 30 năm qua, thế giới vẫn chưa thể hiện thực hóa mục tiêu giảm số người “đói” năng lượng. Thậm chí, cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế với mục tiêu ấy cũng chưa thực sự tập trung vào nhu cầu người nghèo – đối tượng chính của tình trạng “đói” năng lượng – mà vẫn bị các nhóm lợi ích và các nguồn tài trợ ngắn hạn chi phối.

Trên thực tế, nhu cầu năng lượng của người nghèo không lớn, song nếu thiếu nó, người nghèo sẽ không thể cải thiện cuộc sống. Trong khi đó rõ ràng là có một mối liên hệ chắc chắn giữa khả năng tiếp cận năng lượng và Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) mà Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức phát triển quốc tế đã thừa nhận. Điều này đồng nghĩa với việc các MDG chỉ có thể đạt được khi người nghèo được tiếp cận năng lượng đầy đủ.

Tuy nhiên đến nay vẫn còn gần ¼ dân số thế giới “đói” năng lượng, hơn 3 tỷ người phải sống phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu rắn “bẩn”, ít nhất 2,5 tỷ người phải đun nấu bằng năng lượng sinh khối và hơn nửa tỷ người phải đun nấu bằng than. Đáng lưu ý là phần lớn trong số đó đang phải sống với mức thu nhập trung bình chưa đầy 2 USD/ngày trong khi muốn tiếp cận năng lượng, nhất là các dịch vụ năng lượng hiện đại, chi phí bỏ ra không phải ít, gồm cả chi phí ban đầu để nối điện và phí tiêu thụ điện hàng tháng. Không ai khác, đây chính là đối tượng mà các chính phủ, thể chế tài chính và xã hội dân sự nên đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Nhu cầu về năng lượng của người nghèo không lớn nhưng cũng không thể thiếu (Nguồn: Practical Action)
Nhu cầu năng lượng của người nghèo không lớn nhưng cũng không thể thiếu (Nguồn: Practical Action)

Theo ước tính, sẽ cần khoảng 435 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu năng lượng của gần ¼ dân số nói trên, chưa kể cần có thêm 135 tỷ USD để giúp một nửa số người hiện đang đun nấu bằng năng lượng sinh khối chuyển sang các dạng nhiên liệu khác, đồng thời giúp số còn lại chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.

Nghe có vẻ to tát nhưng nếu đem so sánh thì chi phí cung cấp năng lượng cho người nghèo chỉ chiếm khoảng 2,85% tổng lượng đầu tư năng lượng toàn cầu. Tiếc là khối tư nhân vốn đang đóng vai trò không nhỏ trong hoạt động đầu tư năng lượng lại ít chú ý tới các đối tượng nghèo.

Theo đó, ngoài việc huy động nguồn vốn địa phương hướng tới tăng tỷ lệ tiếp cận năng lượng cho người nghèo, các nước còn cần có những cam kết dài hạn cùng giải pháp khuyến khích tài chính và chính sách thuế, chính sách hỗ trợ rủi ro rõ ràng nhằm lôi kéo sự tham gia của khối tư nhân vào mục tiêu này.

Hướng tới các mô hình bền vững

Thế giới đang đi theo mô hình phát triển năng lượng chủ yếu tập trung vào tăng trưởng kinh tế vĩ mô và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô lớn phục vụ phát triển. Trong đó, rất nhiều cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển phục vụ mục tiêu xuất khẩu năng lượng sang các nước công nghiệp hoặc các trung tâm đô thị thay vì đáp ứng nhu cầu địa phương.

Các mô hình được khuyến nghị đẩy mạnh trong tương lai là mô hình bền vững có khả năng đáp ứng các dịch vụ năng lượng cho người nghèo dựa trên ba yếu tố: năng lực phù hợp, công nghệ hiện đại và tài chính khả thi. Loại mô hình này cần đi vào hoạt động sau khi chương trình tiếp cận năng lượng cơ bản khép lại.

Cũng phải thừa nhận rằng việc hầu hết các chương trình tiếp cận năng lượng cơ bản không giải quyết được những vấn đề gốc rễ của đói nghèo và khó khăn tài chính của các hộ gia đình, cộng thêm việc thiếu sự hỗ trợ của thể chế và năng lực kỹ thuật thời gian qua đang làm cho tính bền vững của các hệ thống năng lượng phi tập trung trở nên yếu kém, gây gián đoạn quá trình tiếp cận năng lượng của người nghèo. Ở nhiều đô thị hay xảy ra trường hợp người nghèo ngưng sử dụng điện chỉ sau vài tháng nối lưới, còn ở nông thôn thì ngược lại, các hệ thống phát điện nhỏ sau vài tháng hoạt động đã tự động rời đi.

Nhìn ra những điểm này, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục, ít nhất là về mặt chính sách và công nghệ, để xây dựng được mô hình năng lượng bền vững đủ sức đáp ứng nhu cầu cơ bản cho các cộng đồng nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Chắc chắn rằng nó sẽ không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực gia tăng lượng điện mà một nước sản xuất được mà còn phụ thuộc vào việc xác định và cung cấp năng lượng cho đúng đối tượng cần đến nó.

Điều kiện để thúc đẩy năng lượng bền vững cho người nghèo

Thừa nhận quyền về năng lượng của con người: Mặc dù lâu nay, cộng đồng quốc tế không hề chối bỏ tầm quan trọng của năng lượng đối với sự phát triển, song năng lượng vẫn chưa được đặt vào danh sách ưu tiên hàng đầu trong các hệ thống chính sách. Chỉ khi quyền về năng lượng được thừa nhận như một quyền cơ bản thì nó mới được đầu tư đúng mức và nhu cầu năng lượng của người nghèo mới được chú ý một cách đầy đủ.

Quyết tâm mạnh mẽ từ chính quyền: Thực tế đã chứng minh chỉ khi có ý chí chính trị của các cấp chính quyền, những thay đổi quan trọng mới được tạo ra. Phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường vốn không thể giúp người nghèo tiếp cận nguồn năng lượng mà chính phủ mới là người làm được điều đó.

Các nguồn đầu tư bền vững: Người nghèo muốn tiếp cận năng lượng buộc phải bỏ tiền ra trong khi họ không có khả năng trả các khoản chi phí ấy. Thế nên cách tốt nhất là phải tìm kiếm, xây dựng những cơ chế đầu tư mới, bền vững.

Các chiến lược, chính sách rõ ràng, cụ thể hướng tới người nghèo: Các chiến lược, chính sách quốc gia và quốc tế càng rõ ràng, cụ thể bao nhiêu sẽ càng hỗ trợ hiệu quả cho công cuộc giảm nghèo bấy nhiêu. Đặc biệt, khi xây dựng các chiến lược, chính sách mới nên tính đến lộ trình thực hiện khả thi nhất, đồng thời gắn với các MDG.

Đảm bảo tính bền vững trong tiếp cận năng lượng: Để đạt được điều này, các nước phải chú trọng nâng cao năng lực địa phương, tăng cường huy động vốn địa phương và xây dựng hiểu biết, kỹ năng sử dụng năng lượng cho người tiêu dùng.

Cơ chế thay thế liên quan đến biến đổi khí hậu: Cộng đồng quốc tế nên thường xuyên đánh giá xem các cơ chế tài chính lớn nhất hiện còn tồn tại, gồm Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và các quỹ biến đổi khí hậu của Ngân hàng Thế giới (WB), có thực sự hiệu quả trong việc giảm nghèo và đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng của người nghèo hay không. Cùng với đó, chúng ta cũng nên phát triển một cơ chế mới làm nhiệm vụ chuyển giao nguồn tài chính từ thị trường các-bon tới các dự án trực tiếp phục vụ mục tiêu đáp ứng nhu cầu năng lượng cho người nghèo.