Bước đầu phục hồi và quản lý đất than bùn hiệu quả

ThienNhien.Net – Ngày 11/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam) đã tổ chức cuộc hội thảo “Tổng kết dự án Phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn trong khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là dự án Peatland)”.

Khảo sát đất than bùn tại Vườn quốc gia U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Bá Lục)
Khảo sát đất than bùn tại Vườn quốc gia U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau (Ảnh: Bá Lục)

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, trong các thập kỷ qua, cũng như tình trạng ở các nước ASEAN, diện tích đất than bùn ở Việt Nam đã giảm sút do các hoạt động của con người, đặc biệt do việc thoát thủy phục vụ cho nông-lâm nghiệp. Việc mất và suy giảm nghiêm trọng của các vùng đất than bùn xảy ra ở một số nơi và gây ra những vấn đề phải đối mặt gắn liền với những phương thức quản lý đất than bùn.

Do vậy, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã tham gia dự án Peatland do Tổng cục Môi trường chủ trì và tổ chức thực hiện. Theo đó, hai điểm trình diễn chính của dự án Peatland là Vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang và Vườn quốc gia U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau.

Mục tiêu của dự án Peatland là tăng cường quản lý bền vững các vùng đất than bùn để duy trì sinh kế của dân cư địa phương nhằm phục vụ mục tiêu giảm nghèo, giảm nguy cơ cháy và khói bụi đồng thời góp phần vào quản lý môi trường toàn cầu, đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Đến nay, “sau gần bốn năm triển khai, dự án Peatland đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là thành công của hoạt động của dự án hỗ trợ sinh kế cộng đồng tại Vườn quốc gia U Minh Thượng. Qua kết quả này, các nước trong khu vực SEAN cũng đánh giá rất cao và mong muốn học tập mô hình này của Việt Nam,” ông Đồng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe tổng kết đánh giá những kết quả đạt được của dự án Peatland, những bài học kinh nghiệm về những thành công và hạn chế cần khắc phục đồng thời thảo luận về báo cáo về các kết quả cụ thể của dự án, phương hướng để phát triển trong giai đoạn tiếp theo của dự án.