Chuyện lạ ở An Giang: Đề xuất rồi “nói không” với Vườn quốc gia Thất Sơn

ThienNhien.Net – Hội thảo Thành lập VQG Thất Sơn và đề án thí điểm giao VQG Thất Sơn cho doanh nghiệp quản lý do UBND tỉnh An Giang tổ chức vào ngày 17.7 tại TP.Long Xuyên. Không chỉ bày tỏ thái độ không đồng tình, mà nhiều cán bộ lãnh đạo và người dân tỉnh An Giang còn bày tỏ lo ngại việc thành lập Vườn quốc gia (VQG) Thất Sơn theo cách làm của đề án này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường…

Hồ Thủy Liêm, tượng Phật Di Lặc, hai công trình thu hút du khách đến với núi Cấm
Hồ Thủy Liêm, tượng Phật Di Lặc, hai công trình thu hút du khách đến với núi Cấm

Tất cả cùng phản đối

Theo đề án của UBND tỉnh An Giang (năm 2013), thành lập VQG Thất Sơn 7.352ha trên phạm vi 8 núi không liền kề thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên gồm: Cô Tô, Phú Cường, Cấm, Dài, Dài Năm Giếng, Két, Tượng, Nước và thí điểm giao VQG cho Cty TNHH Đầu tư công nghiệp Hòa Hiệp (Hòa Hiệp) quản lý. Nhưng tại hội thảo, đại diện nhiều ban ngành, nhất là quân sự đã cực lực phản đối.

Nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị đã làm nóng hội trường với góp ý mạnh mẽ: “Là người có nhiều năm chuyên trách quản lý nông nghiệp và trồng và bảo vệ rừng ở An Giang và là người sinh ra và lớn lên ở Bảy Núi trải qua các biến cố lịch sử về “Dân tộc, Tôn giáo, Biên giới”, tôi khẳng định: Không nên có chủ trương thành lập VQG Thất Sơn và càng không tán thành giao cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước quản lý”.

Cụ thể hơn, Thiếu tướng Lê Hoàng Phúc – Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh An Giang nhấn mạnh: Vùng Thất Sơn có vị thế quan trọng về quân sự và phòng thủ quốc gia, vì vậy quan điểm của BCH quân sự tỉnh An Giang và Quân khu 9 cương quyết không đồng tình với việc thành lập VQG”. Kết quả khảo sát 550 hộ gia đình tại 14 xã nằm trong vùng quy hoạch VQG của Chi cục Kiểm lâm An Giang cho thấy có đến 98% người dân không đồng tình với việc thành lập VQG Thất Sơn.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết: “Đây là dự án có nhiều ý kiến không đồng tình nên lãnh đạo tỉnh sẽ cân nhắc thận trọng, nhưng quan điểm cá nhân tôi là thà chấp nhận kinh tế phát triển chậm đi một tí nhưng đảm bảo được yếu tố dân sinh, ổn định xã hội… chứ không đánh đổi yếu tố kinh tế bằng mọi giá”.

Vì sao “nói không” sau đề xuất?

Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định: Đây là chủ trương xuất phát từ một vài cá nhân, chưa bàn bạc và thống nhất trong nội bộ, thậm chí khi “ngoài ngõ đã tường” mà nhiều thành viên trong BTV Tỉnh ủy chưa rõ… Nhưng quan trọng hơn là do đề án này còn quá nhiều “mập mờ”.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Không thấy nói đầu vào và đầu ra của dự án là gì? Hạch toán tài chính và lợi ích của nhà đầu tư là gì mà giao cho DN? và DN sẽ trả tiền dự án này cho ai? có bảo đảm không bán dự án lòng vòng và rốt cuộc có đi theo số phận như một số dự án ở miền ngoài như vụ “Đèo Hải Vân”? Nhiều đại biểu cũng chưa an lòng với cách điều hành: Giao cho Cty Hòa Hiệp lập luận chứng khoa học làm cơ sở thành lập VQG Thất Sơn.

Phải chăng điều này đã dẫn đến thiếu sót về khoa học cơ bản, như: Định danh tên khoa học của loài căm xe là Afzelia xylocarpa, thực chất đây là tên khoa học của loài gõ đỏ…? Điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn là việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” có biến VQG thành khu dịch vụ du lịch lớn của DN? Theo quy hoạch, VQG Thất Sơn có 3 phân khu chức năng, trong đó phân khu Hành chính – Dịch vụ lên đến 2.609ha, chiếm 35,5% diện tích VQG (lớn gần 1,3 lần so với diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt) và bao trùm toàn bộ núi Cấm, “nóc nhà” của ĐBSCL và địa danh “hot” của du lịch cả nước.