Vấn đề chia sẻ lợi ích trong bảo tồn với câu chuyện Sao la

ThienNhien.Net – Tháng 05/1992, sự kiện phát hiện ra Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) tại Việt Nam đã gây chấn động giới bảo tồn bởi hầu hết các chuyên gia vào thời điểm đó đều cho rằng không thể còn loài thú lớn nào còn tồn tại ngoài tự nhiên mà chưa được phát hiện kể từ năm 1936. Phát hiện này đã tiếp thêm hi vọng về sự tồn tại của những loài mới trong tự nhiên, đồng thời, cũng tiếp thêm sức mạnh cho công tác bảo tồn trong mục tiêu bảo vệ những giá trị quý giá của ĐDSH không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới.

Nhiều dự án bảo tồn được hình thành sau sự kiện phát hiện Sao la

Ngay sau khi Sao la được phát hiện, đã có rất nhiều các chương trình và dự án bảo tồn được xây dựng nhằm bảo tồn loài thú quý hiếm này. VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh), Pù Mát (Nghệ An) và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sao la (Thừa Thiên Huế) cũng được thành lập với mục đích lưu trữ những giá trị còn lại của ĐDSH, trong đó có Sao la. Tuy nhiên, hai thập kỷ đã trôi qua, bất chấp những nỗ lực bảo tồn, quần thể Sao la tại Việt Nam luôn suy giảm(*). Những thông tin về sự xuất hiện trong tự nhiên của Sao la vẫn cực kỳ hiếm hoi, thậm chí, đã có rất nhiều nhận định về Sao la như một ẩn số với các kết luận mang tính chất tương đối như “đang bên bờ diệt vong” hoặc “đã mất vĩnh viễn”.

Một cá thể sao la (Ảnh: khoahoc.com.vn)
Một cá thể sao la (Ảnh: khoahoc.com.vn)

Một câu hỏi được đặt ra về hiệu quả thực sự của các dự án bảo tồn tại Việt Nam “Lợi ích có được từ bảo tồn là gì và lợi ích đó được chia sẻ như thế nào giữa các bên liên quan?”. Để trả lời cho câu hỏi này, nghiên cứu “Kiến thức về Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và vấn đề chia sẻ lợi ích trong bảo tồn: từ quan điểm tiếp cận nhân học” được tiến sĩ Tô Xuân Phúc (Forest Trends) và nhóm nghiên cứu Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện thông qua việc phân tích lợi ích và cơ chế chia sẻ lợi ích trong quá trình nghiên cứu, phát hiện và bảo tồn Sao la giữa các bên liên quan chính, bao gồm: các VQG/KBT nơi các dự án bảo tồn được thực hiện, các nhà khoa học, và cộng đồng địa phương.

Một điều không thể phủ nhận, việc phát hiện ra Sao la đã trở thành cơ sở cho sự hình thành một số dự án bảo tồn tại Việt Nam, trong số đó có các dự án có liên quan đến bảo tồn Sao la tại những nơi phát hiện ra Sao la. Trong hơn 100 triệu đô la mà nước ngoài đầu tư cho bảo tồn (McElwee, 2010) suốt những năm 90, kinh phí cho bảo tồn Sao la chiếm phần tương đối, điển hình là các dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ (2,47 triệu đô la, 1996-2000), và được WWF thực hiện thực hiện tại Vũ Quang, và dự án thực hiện tại Pù Mát do Liên minh Châu Âu (EC) tài trợ với kinh phí hơn 17 triệu Euro (1996-2001).

Lợi ích lớn nhất mà các dự án này mang lại là cơ hội đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ VQG Vũ Quang và VQG Pù Mát, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ bảo tồn cũng được làm mới và nâng cấp. Đặc biệt, hình ảnh Sao la cũng giúp VQG Vũ Quang và VQG Pù Mát được biết đến nhiều hơn.

… nhưng vai trò và lợi ích của cộng đồng địa phương chưa được tính đến

Ngoài những nhận định nêu trên, nghiên cứu “Kiến thức về Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và vấn đề chia sẻ lợi ích trong bảo tồn: từ quan điểm tiếp cận nhân học” còn chỉ ra một phát hiện vô cùng quan trọng, đó chính là lợi ích của người dân địa phương từ hoạt động bảo tồn Sao la nói riêng và ĐDSH nói chung.

Có thể thấy rằng, hiện có 02 hệ thống kiến thức liên quan đến Sao la cùng song song tồn tại, đó là hệ thống kiến thức khoa học và kiến thức bản địa. Trong đó, rất nhiều kiến thức khoa học về Sao la thực tế được dựa trên các kiến thức bản địa của người dân địa phương. Tuy nhiên, do không được thể hiện và công bố rộng rãi nên các kiến thức bản địa thường bị đánh giá vào hàng thứ yếu và dễ bị lãng quên. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ chế phân chia lợi ích giữa các bên liên quan trong công tác bảo tồn.

Rõ ràng, mặc dù có đóng góp rất lớn vào việc hình thành kiến thức khoa học về loài thú này, nhưng người dân địa phương lại bị biết đến nhiều hơn như là hiểm họa, nguyên nhân chính đối với tình trạng diệt vong, mất vĩnh viễn hoặc bên bờ vực thẳm của Sao la. Hơn thế nữa, việc hình thành các VQG/KBT từ sau khi phát hiện ra Sao la dẫn đến việc hạn chế sự tiếp cận của người dân địa phương đối với nguồn tài nguyên rừng, ví như hoạt động canh tác hay săn bắn. Hay nói cách khác, nếu theo cơ chế hiện nay, bảo tồn chưa thể đem lại cho người dân địa phương lợi ích nào đáng kể, mà thậm chí còn đem lại những khó khăn mới cho cuộc sống của họ.

Hai mươi năm đã trôi qua, Sao la vẫn còn là một điều bí ẩn đối với các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. “Liệu Việt Nam còn Sao la hay không?” – Khi hỏi các nhà khoa học về sự tồn tại của Sao la, ai cũng khẳng định là có, tuy nhiên không ai trực tiếp được nhìn thấy Sao la ngoài tự nhiên, và cũng không ai nhận được thông tin từ người dân rằng Sao la vẫn còn tồn tại.

Có thể lý giải “bí ẩn” Sao la với hai nguyên nhân như sau: Thứ nhất, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một nghiên cứu cơ bản thật sự, lâu dài, có hệ thống và phương pháp tin cậy được thực hiện để nghiên cứu về Sao la. Thứ hai, vai trò tham gia của cộng đồng địa phương – những người gần rừng nhất, hiểu rõ về rừng nhất trong hoạt động bảo tồn chưa được đề cao, nhất là trong bối cảnh hoạt động thực thi lâm luật không đạt được hiệu quả mà lực lượng kiểm lâm lại quá mỏng, không thể bảo vệ được rừng.

Đầu năm 2012, các chính sách thúc đẩy cơ chế đồng quản lý và chia sẻ lợi ích đối với rừng đặc dụng được ban hành có thể hứa hẹn mở ra những cơ hội mới đảm bảo cho người dân tiếp cận được với những lợi ích bảo tồn. Bên cạnh đó, các chương trình chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường, bồi hoàn đa dạng sinh học… khi được áp dụng vào thực tế có thể sẽ trở thành một nguồn kinh phí cho bảo tồn, từ đó quyền lợi của người dân có thể được đảm bảo thay vì đơn thuần gắn trách nhiệm cho họ như hiện nay.

Tháng 02/2012, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Trạm bảo vệ rừng Tây Sao la và Trạm bảo vệ rừng A Tép tại xã Hương Nguyên, huyện A Lưới với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Việc xây dựng này nhằm cải thiện công tác quản lý tại khu vực dự kiến thành lập Khu bảo tồn Sao la và Khu mở rộng Vườn Quốc gia Bạch Mã, đồng thời giúp giảm tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khu vực này. (Theo Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế, 11/02/2012).

Ngày 13/07/2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la với diện tích 15.822 ha, trong đó vùng lõi (được bảo vệ nghiêm ngặt) rộng 15.800ha, tổng số vốn thực hiện gần 50 tỷ đồng. Khu bảo tồn này nằm phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam bao gồm phạm vi rừng và đất rừng của xã Bhalee, AVương, huyện Tây Giang và xã Sông Kôn, Tàlu, huyện Đông Giang. (Theo Cổng TTĐT Chính phủ, 17/07/2012).


(*) Hardcastle và cộng sự, 2004; Nguyễn Thanh Nhàn, 2004; Nguyễn Bá Thụ, 2004