Rút ruột rừng suối Giàng: Cán bộ đầu têu phá rừng!

ThienNhien.Net – Mới chừng mươi năm trước, cánh rừng phòng hộ mấy chục nghìn ha thuộc xã Suối Giàng – Văn Chấn – Yên Bái được biết đến như một khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động thực vật khá phong phú! Giờ thì, “kho vàng xanh” đó đã bị rút ruột, cắt xén tan hoang…

Nhà cán bộ xã là điểm thu mua gỗ, con trai cán bộ huyện vác cưa máy lên phá rừng… Bởi thế, trách làm sao được khi dân địa phương đua nhau sắm cưa máy, ồ ạt tàn phá rừng!

Phong trào lên rừng xẻ gỗ

Chuyện tưởng như nói khi uống chén nước ngoài vỉa hè ấy là sự thật. Ông S – người Mông, nguyên cán bộ kiểm lâm ở Suối Giàng chỉ tay về cánh rừng phía trước, rưng rưng: Xót lắm con ơi! Bố không muốn sau này cháu chắt lớn lên không được thấy rừng. Bố không muốn chứng kiến cảnh người Suối Giàng chỉ có thể biết đến cánh rừng già hàng trăm năm tuổi tại quê hương mình thông qua lời kể và bút chép. Các con hãy làm gì đi chứ!

Làm gì để ngăn chặn lâm tặc? – đó là trăn trở không của riêng ai. Như trước đây rừng Suối Giàng còn nhiều, nạn xẻ gỗ có từ đời xưa thì không nói làm gì, sau khi rừng được quản lý dân chỉ bám vào rừng để kiếm ngọn măng, hái lá rau dại chứ không khai thác gỗ. Nhưng rồi, nạn khai thác gỗ lại tái diễn, cụ thể thì phải quay lại chuyện cách đây 7 – 8 năm.

Đống gỗ bên hiên nhà nguyên Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Đống gỗ bên hiên nhà nguyên Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

“Lúc đó rừng có rất nhiều gỗ quý, dân không dám chặt phá. Rồi một ngày kiểm lâm cho phép ủy ban xã khai thác, tận dụng gỗ để làm nhà văn hóa. Gỗ về kho làm nhà văn hóa thì ít mà gỗ về nhà cán bộ xã thì nhiều. Dân có kéo lên ủy ban để phản ánh, song hành vi khai thác gỗ trái phép đó không bị ngăn chặn, ngược lại còn ngang nhiên hơn, công khai và rầm rộ hơn” – ông S ngậm ngùi.

Phần vì khát gỗ, phần vì hậm hực, thấy gỗ tuôn về nhà cán bộ đều đều như thế dân mới càng thêm bực và họ quyết định đi sắm cưa, lên rừng xẻ gỗ. Có người xẻ về bán, có người xẻ làm nhà sàn. Tranh thủ xẻ, tranh nhau xẻ, xẻ từ lúc gà gáy canh tư hôm nay cho đến gà gáy hôm sau.

Nhà nhà, người người đều vác cưa lên rừng. Ai xẻ được bao nhiêu thì xẻ. Hạ cây hôm trước, hôm sau quay lại xẻ, hạ không kịp xẻ thì phát gốc đánh dấu xí phần. Ánh đèn pin chiếu rọi, tiếng cây đổ, tiếng cưa máy, tiếng người hò nhau, quát trâu kéo tựa như một công trường khai thác gỗ.

Chuyện vỡ lở, cán bộ, kiểm lâm không thể ngăn chặn dứt điểm nạn phá rừng được nữa, kết quả hàng nghìn ha rừng nguyên sinh bị phá. Nhiều nhà giầu lên nhờ bán gỗ, nhiều nhà có nhà sàn đẹp từ dịp ấy.

Khi đặt chân đến Suối Giàng, chúng tôi bị ngôi nhà nghỉ 2 tầng thênh thang bằng gỗ quý bắt mắt. Cũng như ông S, anh C – chủ nhân của ngôi nhà vỗ tay vào cột tự hào: Ngày đó mình không nhanh, không thông tầm thâu đêm suốt sáng xẻ gỗ thì làm gì có căn nhà sàn to rộng như thế này. Thời ấy nhiều nhà thiếu tiền, khai thác được miếng gỗ nào là bán hết bấy nhiêu nên không có nhà sàn đó thôi.

Chủ tịch Sổng A Nủ và kiểm lâm Hoàng Văn Thắng lý giải về tình trạng phá rừng tại Suối Giàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Chủ tịch Sổng A Nủ và kiểm lâm Hoàng Văn Thắng lý giải về tình trạng phá rừng tại Suối Giàng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Ở đây nhà nào cũng có vài ba khối gỗ bên hiên, mới có, cũ có. Cũ là gỗ từ thời khai thác rầm rộ đấy, mới là do mới xẻ về. Nay người ta vẫn vào rừng xẻ gỗ ầm ầm, chỉ cần vào đến cửa rừng là nghe thấy tiếng cưa inh tai. Không tin, anh cứ mục sở thị là rõ.

Dân khai thác, cán bộ thu mua

Đúng như lời C nói: Nhà nào cũng có gỗ chất đống ở hiên nhà. Có khúc vuông rộng đến 30 – 40 cm, dài 3,2m, có ván rộng 35 cm, dày 6cm… Đây là những khối gỗ do người dân tự ý vào rừng khai thác, một để làm nhà, hai để bán.

Bên hiên nhà ông Giàng A Tếnh (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng, Phó Trưởng ban dân vận huyện ủy Văn Chấn) cách UBND xã Suối Giàng mấy trăm mét cũng có không ít gỗ.

Theo một người dân sống ở gần đó thì số gỗ trên đa phần do người con trai của vị lãnh đạo này vào rừng xẻ. Xẻ xong, anh ta thuê cả ô tô vào rừng chở ra. Bình thường gỗ cứ để ở hiên, nhưng cách đây mấy hôm gỗ đã được chuyển đi gần hết, còn mang đi đâu không ai biết.

Mang những hình ảnh thu thập được cùng không ít thắc mắc về nguồn gốc số gỗ kia, chúng tôi đến UBND xã Suối Giàng lắng nghe lời giải đáp. Ông Sổng A Nủ – Chủ tịch UBND xã Suối Giàng thừa nhận: Vừa rồi con trai ông Tếnh là Giàng A Sềnh có vào rừng xẻ gỗ trái phép. “Chả là theo tục của người Mông, khi tách hộ, người ta sẽ ra làm nhà ở riêng. Cách để có nhà riêng là vào rừng xẻ gỗ” – ông Nủ nói.

Với lý do làm nhà, nhiều người dân địa phương ngang nhiên vác cưa máy vào rừng cưa gỗ y như vào chốn không người quản lý. Với người dân chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng đã đành, với cán bộ xã cũng vận ngay cái lý do “chuẩn bị làm nhà” để lách luật kiếm lời.

Chúng tôi tiếp cận ngôi nhà của anh Lờ A Dê – Kế toán ngân sách xã Suối Giàng. Phía sau nhà anh Dê có khá nhiều gỗ, nhiều tấm ván để ngoài trời và nhiều khúc gỗ vuông được để gọn bên hiên nhà. Theo người dẫn đường, thì trong nhà cũng có nhiều gỗ, tuy nhiên đó là lãnh địa “bất khả xâm phạm” nên chúng tôi không tiếp cận được.

Đống gỗ phía sau nhà Lờ A Dê (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Đống gỗ phía sau nhà Lờ A Dê (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

“Đó là những cây gỗ mọc trong đồi chè, cây đã cao lớn nên anh Dê đốn hạ mang về” – ông Nủ đáp khi chúng tôi chưa dứt câu hỏi về nguồn gốc số gỗ trên sau nhà anh Dê. Khác với câu trả lời hộ của vị chủ tịch, anh Dê thừa nhận, “vừa rồi tôi có mua một ít gỗ và đó là số gỗ tôi mua”.

Cán bộ mua gỗ của dân, điều này khác gì khuyến khích người dân vào rừng khai thác gỗ? Cũng không khác mấy khi người ta dùng cụm từ dân là lâm tặc và cán bộ mua gỗ là chủ đầu nậu. Như thế, sẽ có không ít người hỏi bao nhiêu năm nữa cánh rừng nguyên sinh hàng nghìn ha ở Suối Giàng bị đốn hết!

Điều lạ nữa là, lâm tặc ở đây vẫn hoành hành từng ngày, thế nhưng hơn 1 năm nay, cơ quan chức năng không bắt được vụ nào. Đống gỗ được để dưới gầm cầu thang ủy ban xã là lần bắt cuối cùng, song từ bao giờ thì lãnh đạo xã và kiểm lâm nơi đây không nhớ chính xác!

Theo thông tin chúng tôi nhận được, tại khu rừng Suối Giàng hiện nay không chỉ có việc người dân vào rừng khai thác gỗ về dùng mà có cả việc khai thác gỗ về bán. Bên cạnh đó, khi đi rừng lâm tặc còn mang theo cả súng để săn bắn, tận thu nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đang ngày một cạn kiệt. Nhưng cả kiểm lâm và lãnh đạo chính quyền xã Suối Giàng phủ nhận điều này.

Đúng lịch hẹn, 6 giờ sáng hôm sau một người Mông nhận dẫn đường đưa chúng tôi vào rừng để mục sở thị công trường khai thác gỗ. (Còn nữa)

Ông Sổng A Nủ – Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết:

“Hầu hết nhà nào cũng có một vài khối gỗ để bên hiên nhà. Hôm nay họ lên xẻ một cây, hôm sau xẻ một cây, tích cóp dần dần đủ cái nhà thì thôi chứ ở đây không có tình trạng buôn bán.

Người ta đi khai thác lúc nào, chúng tôi không nắm được, hơn nữa dụng cụ như cưa máy, họ giấu ở trong rừng, không bắt được tận tay nên không xử lý được. Còn từ đầu năm đến thời điểm này chúng tôi chưa xử phạt được trường hợp nào, mỗi khi thấy chúng tôi vào rừng, lâm tặc đều bỏ chạy hết”.