Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp để phát triển bền vững

ThienNhien.Net – Mặc dù độ che phủ của rừng ở nước ta đã được nâng lên hằng năm, nhưng tăng trưởng còn chậm, năng suất, chất lượng thấp và tỷ lệ rừng bị phá cũng không ít. Do vậy, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững; từng bước nâng cao đời sống người dân.

Rừng vẫn bị tàn phá

Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 của nước ta là tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%. Trong đó chú trọng đẩy mạnh trồng rừng kinh tế; không tiếp tục khai thác rừng tự nhiên; có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích người dân tại chỗ trồng và bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Ðồng thời, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, chủ động phòng, chống cháy rừng. Ðể phát triển bền vững kinh tế rừng, ngành lâm nghiệp cần chú trọng đến công tác trồng rừng, bảo vệ tốt các rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Khai thác có hiệu quả lâm sản đi đôi với phát triển và bảo vệ vững chắc các loại rừng; không ngừng nâng cao chất lượng rừng.

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Bản Dõng (Yên Bái) cùng nhân dân đưa cây thông lên rừng trồng để nâng tỷ lệ che phủ của rừng
Cán bộ Trạm Kiểm lâm Bản Dõng/Yên Bái cùng nhân dân đưa cây thông lên rừng trồng để nâng tỷ lệ che phủ của rừng (Ảnh: Vũ Thành/Nhân dân)

Một trong những thử thách lớn của ngành lâm nghiệp hiện nay là nạn phá rừng ở nhiều địa phương vẫn diễn biến phức tạp, trong đó nổi cộm là các địa bàn thuộc khu vực Tây Nguyên, miền trung và Tây Bắc. Riêng tại các tỉnh Tây Nguyên, theo Cục Kiểm lâm, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng có liên quan đã kiểm tra, phát hiện 3.715 vụ vi phạm, trong đó hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có số vụ cao nhất, với 2.015 vụ (chiếm 54,2%), 304 vụ khai thác lâm sản (chiếm 8,2%), 876 vụ phá rừng trái pháp luật (chiếm 23,6%), 29 vụ vi phạm các quy định về PCCCR (chiếm 0,8%), 425 vụ vi phạm khác (chiếm 11,4%).

Mặc dù các ngành chức năng đã nỗ lực, song số vụ vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng, quy mô, tính chất, mức độ và hậu quả các vụ phá rừng xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Do vậy, để quản lý rừng hiệu quả, cần tăng cường công tác bảo vệ rừng, nhất là những cánh rừng nguyên sinh, rừng có gỗ quý, mang lại giá trị kinh tế cao, một mặt tạo điều kiện nâng cao mức sống cho người dân sống ở vùng đệm, vùng lõi, mặt khác ngành lâm nghiệp, các cơ quan hữu quan và chính quyền các cấp cần thực hiện tốt các quy định của luật pháp, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật quản lý, bảo vệ rừng.

Ði đôi với bảo vệ, quản lý là công tác phát triển rừng. Phần lớn số diện tích rừng tự nhiên của nước ta hiện nay là rừng nghèo và rừng non mới hồi phục, năng suất thấp, trong đó có từ 20 đến 25% tổng trữ lượng gỗ tự nhiên chất lượng xấu không có giá trị sử dụng. Mặc dù đã phát triển các giống cây để trồng rừng, nhưng cả nước hiện mới có hơn 5.000 ha rừng giống, phần lớn diện tích này mới chỉ được tuyển chọn sơ bộ. Do vậy, các giống cây đưa vào trồng rừng nhiều nơi chưa bảo đảm chất lượng, dẫn đến tình trạng năng suất và chất lượng rừng trồng chưa cao, chưa ổn định. Các loại cây trồng cho năng suất cao có khả năng đáp ứng được thị trường trong nước và quốc tế còn rất hạn chế. Ðây chính là những khó khăn, thách thức của ngành lâm nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cây rừng phục vụ sản xuất lâm nghiệp.

Thời gian tới, để phát huy hiệu quả các loại rừng, một mặt ngành lâm nghiệp tập trung đẩy mạnh cơ cấu kinh tế lâm nghiệp, trong đó chú trọng cơ cấu đất sử dụng trong lâm nghiệp, mặt khác nâng cao giá trị lao động thông qua lợi ích và các nguồn lợi kinh tế, xã hội do rừng mang lại, tăng đầu tư tiền vốn, khoa học kỹ thuật, công tác quy hoạch để rừng phát triển đa dạng, chất lượng rừng được nâng cao và bền vững.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, để đem lại lợi ích kinh tế từ rừng sản xuất cần tập trung phát triển và nâng cao chất lượng thông qua công tác chăm sóc để làm giàu rừng gắn với việc cải tạo rừng nghèo kiệt. Mặt khác, ngành lâm nghiệp cần tăng cường đưa giống mới vào sản xuất, phát triển trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao sản lượng gỗ thương phẩm, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Như vậy, quản lý đi đôi với phát triển rừng đa dạng, bền vững, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường đang là bài toán đặt ra cho ngành lâm nghiệp và cả xã hội trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Xã hội hóa nghề rừng

Công tác xã hội hóa nghề rừng đang trở thành một yêu cầu quan trọng, để mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp đều trở thành những người giữ rừng. Thực hiện chủ trương này, một trong những biện pháp của ngành lâm nghiệp đưa ra là cần nâng cao trách nhiệm quản lý rừng của chủ rừng và chính quyền các cấp. Quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do cả nơi đi và nơi đến; tuyên truyền, vận động, ổn định đời sống của người dân; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát thực hiện chi trả tiền giao khoán quản lý bảo vệ rừng đúng quy định theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được xây dựng; tăng cường kiểm tra các hiện trường khai thác gỗ, lâm sản, trong đó chú trọng kiểm tra việc khai thác tận thu, tận dụng cải tạo rừng, chuyển đổi rừng.

Ðể thực hiện công tác phát triển các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp, Nhà nước đang tập trung chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu các loại hình tổ chức quản lý, rà soát quy hoạch rừng; thúc đẩy các loại hình tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tính phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong lâm nghiệp.

Bên cạnh việc phát triển các công ty lâm nghiệp nhà nước được hình thành từ các lâm trường quốc doanh, ưu tiên chú trọng phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác. Ðể thực hiện chủ trương này, cần xây dựng mô hình hợp tác trong lâm nghiệp, đưa số hợp tác thuộc lĩnh vực này tăng ít nhất 200% vào năm 2020 so với năm 2011.

Ðời sống người dân được bảo đảm, rừng được giữ

Một trong những công cụ quan trọng hiện nay để tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ và chăm sóc rừng hiệu quả là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sử dụng môi trường rừng, đang được hưởng lợi từ những dịch vụ môi trường cần có nghĩa vụ chi trả cho những đối tượng đang cung cấp dịch vụ đó. Tính đến nay, cả nước thu hơn 2.300 tỷ đồng từ dịch vụ này. Hằng năm, tổng diện tích giao, khoán quản lý, bảo vệ rừng được hưởng nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 2,3 triệu ha.

Riêng năm 2012, hệ thống quỹ bảo vệ và phát triển rừng từ Trung ương tới các địa phương thu gần 1.200 tỷ đồng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã từng bước thúc đẩy, từ đó tạo lập cơ chế thị trường có sự định hướng và thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng. Các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán, bảo vệ và chăm sóc rừng ngoài nguồn thu nhập từ các giá trị trực tiếp rừng còn được hưởng kinh phí từ dịch vụ này.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, hiện tại một số tỉnh, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân cho các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán, bảo vệ rừng đã đạt từ 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/ha/năm. Nhờ làm tốt chính sách này, tại tỉnh Lâm Ðồng, hằng năm đã khoán bảo vệ rừng cho gần 10 nghìn hộ gia đình, trong đó có hơn 30% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân mỗi hộ nhận được từ 10 triệu đến 12 triệu đồng, góp phần ổn định và cải thiện đời sống kinh tế cho các hộ nhận khoán, bảo vệ rừng. Theo báo cáo của hai tỉnh Sơn La và Lâm Ðồng, từ năm 2008 đến năm 2010, số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng đã giảm hơn 50%.

Bên cạnh việc tăng cường chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ngành lâm nghiệp phối hợp chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động, ổn định đời sống của người dân để giảm thiểu tình trạng dân di cư tự do. Ðồng thời, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm rừng; xây dựng tốt các mô hình cá nhân, gia đình quản lý, bảo vệ rừng. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế và các hình thức đa dạng, linh hoạt để nông dân, hộ gia đình góp giá trị quyền sử dụng đất cùng doanh nghiệp nhằm tập trung tích tụ đất cho các tổ chức sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn. Cùng với đó là sự đầu tư nhằm phát huy vai trò của trang trại, gia trại lâm nghiệp, với mục tiêu đưa số lượng trang trại, gia trại lâm nghiệp lên 150% vào năm 2015 và 200% vào năm 2020 so với năm 2011; từng bước ổn định đời sống kinh tế người dân khu vực có rừng, tạo điều kiện bền vững để người dân gắn bó lâu dài với nghề rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt “Ðề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp” với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm từ 4 đến 4,5%; từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững…