Thất thoát tài nguyên vì quản lý sơ hở

ThienNhien.Net – Câu chuyện về hàng loạt những vi phạm của Công ty cổ phần Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát được đăng tải trong những bài viết vừa qua chỉ là một mảng xám rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung. Tuy nhiên, dù ở cấp độ, phạm vi nào thì một thực tế không thể phủ nhận là nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng suy giảm và bắt đầu cạn kiệt. Một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn tới thực trạng này là do công tác quản lý còn quá nhiều sơ hở.

Quay trở lại thực trạng tại địa bàn Bắc Kạn và vẫn bắt đầu bằng câu chuyện của Công ty Nguyên Phát, nhóm phóng viên phát hiện “điểm sơ hở” đầu tiên. Đó là việc vị Phó Chủ tịch xã An Thắng nhất mực khẳng định Công ty Nguyên Phát đã tạm dừng khai thác vàng từ mấy tháng nay để tránh mùa mưa lũ, nhưng kỳ thực khi có mặt tại địa điểm khai thác thuộc mỏ Bản Nghiềng – Vằng Ma vào hồi đầu tháng 10, chúng tôi chứng kiến Công ty Nguyên Phát vẫn tất bật với các hoạt động thường lệ cùng hàng chục máy xúc, ô tô tải, máy ủi, sàng tuyển…

Ông Quách Xuân Giai, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Pác Nặm
Ông Quách Xuân Giai, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Pác Nặm

Điều đáng nói là khoảng cách từ trụ sở ủy ban nhân dân xã tới điểm khai thác của Công ty Nguyên Phát chỉ chừng 2 – 3 cây số, nhưng cán bộ địa phương lại không nắm được hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ tới khi được cung cấp những thước phim, hình ảnh chân thực về hoạt động khai thác của đơn vị này, vị cán bộ mới chống chế: “Có thể họ mới khai thác nên chúng tôi không nắm được”?!

Trao đổi thêm với ông Quách Xuân Giai, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Pác Nặm, ông cho hay: “Về mỏ ở xã An Thắng, cũng khá lâu chúng tôi không vào kiểm tra, đất đã giao cho họ, xã cũng không báo cáo tình hình hoạt động như thế nào. Do đó, việc họ khai thác hay không huyện không nhận được văn bản nào cả”.

Ở cấp quản lý cao hơn, ông Hoàng Minh Hồng, Bí thư huyện ủy Pác Nặm thẳng thắn chia sẻ: “Theo dư luận, Công ty Nguyên Phát cho cả người ngoài vào làm ké. Một đồng chí cán bộ huyện đã được một vị cán bộ xã dẫn đường vào khu vực khai thác của Công ty Nguyên Phát và chọn mua một mảnh đất ngay cạnh Công ty để khai thác ké với đơn vị này. Có thông tin cho rằng, trong thời gian hoạt động, Công ty đã biếu một số lãnh đạo xã mỗi cán bộ khoảng một triệu đồng nên bác nào cũng báo cáo tốt”.

“Điểm sơ hở” thứ hai liên quan tới câu chuyện cũ xảy ra cách đây hơn một năm tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Tháng 7/2012, một số đối tượng núp dưới danh nghĩa người làm ở vườn ươm cây giống tại khu vực giáp ranh giữa xã Nghĩa Tá và xã Lương Bằng để tiến hành khai thác trái phép tại mỏ Kéo Lếch, đồng thời thực hiện vận chuyển, buôn bán trái phép hàng nghìn tấn quặng sắt. Việc khai thác diễn ra cả ngày lẫn đêm trên diện tích rộng vài hec-ta với nhiều máy móc tiên tiến nhưng chính quyền cấp xã không hề báo cáo lên các cơ quan chức năng.

“Về sau, Công an tỉnh có tiến hành điều tra nhưng sau hơn một tháng không phát hiện được thủ phạm và không có căn cứ để khởi tố hình sự nên chỉ tịch thu số quặng còn lại. Trung tâm đấu giá tỉnh thuộc Sở Tư pháp sau đó đưa ra đấu giá 2.000 tấn quặng được hơn 200 triệu đồng nộp ngân sách” – ông Hoàng Văn Mão, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết thêm khi trao đổi về sự việc này.

Khi được hỏi về việc huyện có tiến hành xử lý hay khiển trách những cán bộ liên quan tại hai xã không, ông Mão phân trần: “Cử tri phát hiện phải có ý kiến, đơn từ thì chúng tôi mới nắm được và có phương pháp xử lý chứ chúng tôi có nhận được đơn, thư gì đâu mà xử lý”?!

Hàng nghìn tấn quặng khai thác trái phép được tập kết ở mỏ Kép Lếch (Chợ Đồn)
Hàng nghìn tấn quặng khai thác trái phép được tập kết ở mỏ Kép Lếch, huyện Chợ Đồn (Ảnh: Hoàng Chiên)

“Điểm sơ hở” thứ ba được nhóm ghi nhận tại địa bàn xã Ngọc Phái, cũng thuộc huyện Chợ Đồn. Là xã có hai mỏ khoáng sản lớn của huyện nhưng ông Tô Thanh Hoàn, Chủ tịch xã lộ rõ vẻ buồn rầu khi chúng tôi trao đổi về thực trạng khai thác tài nguyên tại địa phương. Ông cho hay: “Tuy xã có hai mỏ khoáng sản là Ba Bồ và Bản Khuôn, nhưng mỏ Ba Bồ hiện đã phải dừng hoạt động do tranh chấp với công ty khác. Điều đáng nói là công ty khai thác xong để lại hồ sâu 30 m, rộng vài nghìn mét vuông mà không hoàn thổ. Trước đây, mỏ Ba Bồ này vốn là điểm mỏ khai thác trái phép”.

Trao đổi về công tác phối hợp kiểm tra giữa chính quyền xã và các cấp ban, ngành, ông Hoàn chia sẻ: “Kể cả Sở và chúng tôi cũng ít khi vào kiểm tra tình hình khai thác của mỏ, việc khai thác ảnh hưởng đến đời sống và ruộng đồng bà con là điều không thể tránh khỏi. Ở đâu có khoáng sản thì ở đó dân khổ. Chúng tôi cũng có được gì đâu”.

Điều đáng buồn là không riêng huyện Pác Nặm hay Chợ Đồn mà tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cũng xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nan giải, điển hình là tại một số khu vực như: Nặm Nộc, Khinh Héo (xã Bằng Vân); Nà Pò (xã Thuần Mang); Phặc Lốm, bản Khét (xã Lãng Ngâm)…

Theo ông Hoàng Ngọc Ngự, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngân Sơn, “việc khai thác trái phép, nhỏ lẻ trên địa bàn huyện đến nay đã cơ bản chấm dứt. Từ năm 2008 đến nay có 10 mỏ được cấp phép, trong đó 6 mỏ cấp cùng ngày 30/6/2011 thì cả sáu đều không hoạt động hiệu quả. Đến hết năm 2013, với các mỏ không hoạt động, chúng tôi sẽ báo cáo tỉnh rút giấy phép”.

Cũng theo ông Ngự, sáu mỏ được cấp phép khai thác ở Ngân Sơn đều chưa ký quỹ bảo vệ môi trường, cũng không có đánh giá tác động môi trường, không có thăm dò khai thác, chủ yếu khai thác theo sổ sách, số liệu thăm dò cũ nên khi khai thác không thấy quặng hoặc hàm lượng quặng quá thấp.

Một “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép tại Bắc Kạn cũng không thể không nhắc tới là khu vực thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rì. Thực trạng khai thác lậu tại đây diễn ra trên quy mô lớn, trải qua nhiều năm, gây thất thoát lượng tài nguyên lớn của địa phương. Bản thân ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng phải thừa nhận: “Chúng tôi và có lẽ các ngành liên quan đã “bó tay” với vàng tặc ở Kim Hỷ”.

Điều đáng lưu ý là hệ lụy của việc buông lỏng quản lý trong khai thác khoáng sản không chỉ khiến lượng tài nguyên của địa phương, quốc gia bị thất thoát mà còn khiến đời sống nhân dân bất ổn, nghèo đói gia tăng, môi trường bị ảnh hưởng và kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội tiêu cực khác. Đây cũng là chủ đề sẽ được chúng tôi đề cập sâu hơn trong bài viết sau.