Thủy điện xả lũ, dân bồng bế nhau lên núi vì tưởng vỡ đập

ThienNhien.Net – Thực chất là do Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với cường độ lớn trong thời gian ngắn trong khi thông tin tới bà con chưa rõ ràng.

Đến 16h chiều nay (2/10), hàng ngàn người dân các xã Đại Hồng, Đại Tân, Đại Quang… thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam bỏ nhà cửa, bồng bế nhau chạy loạn lên núi, vùng đất cao để tránh lũ quét khi nghe tin vỡ đập thủy điện A Vương, Đắk Mi 4.

Bà Nguyễn Thị Ly ở thôn Ngọc Kinh Tây, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc cho biết: trong khi người dân đang hoang mang thì lại nhận được hung tin vỡ đập thủy điện A Vương và Đắk Mi 4 ở thượng nguồn, đã cuốn trôi cả một làng dân ở huyện Nam Giang. Dân hoảng quá, gọi nhau chạy loạn trốn lũ. Nhiều người dắt theo trâu bò, xe máy, lợn gà kéo lên núi.

Nước lũ chia cắt các xã tại huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam (Ảnh: Thanh niên/VOV Online)
Nước lũ chia cắt các xã tại huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam (Ảnh: Thanh niên/VOV Online)

Bà Ly nói: “Tin đồn hay răng mà không biết là vỡ đập nên dân chạy trốn cùng hết trơn. Thấy nước xuống, chảy mạnh, mấy hồi là còi chỉ hú 3 tiếng là báo xả lũ, sau thấy hú liên tục nên bà con chạy vào núi hết. Bây giờ họ đã đính chính là không vỡ đập nhưng dân vẫn chạy vào núi để trốn”.

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chính quyền tập trung cán bộ xuống dân, dùng loa phóng thanh thông báo liên tục để trấn an dân chúng, thông báo lại thông tin là thủy điện xin xả lũ”.

Thực tế là Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 có thông báo với chính quyền xin xả lũ cả 5 cửa với tần suất 1000m3/s từ sáng 2/10. Dù khu vực Quảng Nam- Đà Nẵng mưa nhỏ, nhưng khu vực Kon Tum lại có mưa rất lớn nên lưu lượng về hồ hơn 1.800m3/s, vì thế để đảm bảo an toàn đập, nhà máy phải xả lũ.

Ông Võ Tấn Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4 cho rằng việc xả lũ này là bình thường và nhà máy đã có thông báo với chính quyền địa phương: “Mực nước hồ là 257,5m, cách mực nước dâng bình thường 0,5m. Nước về 1.700 m3/s, nên chúng tôi xả hơn 1.000m3/s. Bình thường mùa lũ về như vậy bình thường. Chúng tôi đã thông báo cho địa phương, và địa phương đã đồng ý”.

Tuy nhiên, trước đó, sáng 2/10 nhiều địa phương của huyện Phước Sơn – nơi thủy điện Đắk Mi 4 đóng chân- bị ngập lũ nặng và bị cô lập. QL14E nối từ QL1A với đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu tại xã Phước Hòa. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về, trong khi đó thủy điện Đắk Mi 4 phát hết công suất, khiến thôn 2, xã Phước Hòa và 2 thôn khác của xã Phước Hiệp bị ngập sâu. Vùng hạ du Thu Bồn, các xã Quế Ninh, Quế Lâm, Quế Trung thuộc huyện Nông Sơn cũng bị ngập trong khi trời nắng tạnh.

Trước thực trạng này, UBND huyện Phước Sơn đã yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 dừng ngay việc phát điện để giảm gây ngập lụt nhà dân; chỉ đạo ngành giáo dục cho hơn 7.000 học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Khoảng 9h 2/10, Đắk Mi 4 ngừng phát điện. Nước về hạ du sông Thu Bồn giảm. Tuy nhiên, nhà máy thủy điện này lại mở đồng loạt 5 cửa xả lũ, đổ nước về sông Đắk Mi- thượng nguồn sông Vu Gia với lưu lượng lớn trong thời gian ngắn. Đây là lý do gây dâng lũ đột ngột ở hạ lưu Vu Gia, khiến nhân dân Đại Lộc hoảng loạn.