Sông Năng giờ đã… băng hà

ThienNhien.Net – Đây là lời chia sẻ của người dân địa phương và có lẽ cũng là cảm nhận của bất cứ ai khi chứng kiến dòng sông Năng vốn trong xanh, thơ mộng, hiền hòa ngày nào giờ đã bị biến dạng trầm trọng bởi hoạt động khai thác vàng của doanh nghiệp.

Tháng 6 năm 2011, khi tỉnh Bắc Kạn cấp phép cho Công ty cổ phần Thương mại và Khai thác khoáng sản Nguyên Phát khai thác vàng tại mỏ Bản Nghiềng – Vằng Ma, nơi thượng nguồn sông Năng chảy về đất Bắc Kạn, nhiều chuyên gia và dư luận xã hội đã lên tiếng phản đối vì e ngại hoạt động này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường địa phương và khu vực.

Cuối cùng, Công ty Nguyên Phát vẫn được cấp phép và tiến hành khai thác vàng suốt từ thời điểm năm 2011 đến nay. Không phủ nhận việc khai thác đã đem lại những lợi ích kinh tế nhất định cho quốc gia và người dân Bắc Kạn, song nó cũng tác động nghiêm trọng tới môi trường, đặc biệt là khu vực dòng sông Năng.

Không chỉ bị ô nhiễm nguồn nước, dòng sông Năng – con sông dẫn nguồn nước đổ vào hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới – còn bị thay đổi dòng chảy bởi các “ao”, “hồ”, thậm chí là “núi” đất đá nhân tạo mọc lên lổn nhổn giữa sông. Đặc biệt, việc đào xới lòng sông để “lọc” vàng sa khoáng đã khiến một lượng lớn bùn đất trôi theo dòng chảy đổ về làm bồi lắng hồ Ba Bể.

Có mặt tại dòng sông Năng đoạn qua các thôn Tiến Bộ, Khuổi Làng, Tân Hợi, xã An Thắng, huyện Pắc Nặm những ngày đầu tháng 10, chúng tôi chứng kiến cả mấy cây số lòng sông gần như đã bị biến dạng. Tiếng máy xúc, máy nổ, sàng tuyển ầm ầm như một “đại công trường” kéo theo hàng chục ô tô tải, máy xúc, máy húc gồng mình đào bới, san ủi nắn dòng, đắp đập để khai thác vàng.

Đắp đập ngăn sông khai thác vàng

Theo quan sát, tại nhiều điểm ven sông, đơn vị khai thác “khoét” sâu từ 4 đến 6m, thậm chí “đục” cả vào lòng núi, bờ soi, tạo thành những hồ nước sâu và lớn.

Một số người dân địa phương cho hay: “Việc khai thác vàng diễn ra khoảng hai năm nay, có lúc họ (Công ty Nguyên Phát) đắp sông khiến nước ngập hết vào ruộng, rồi họ lại lấy đá to về kè và đổ đất làm thành đường cho ô tô đi qua sông. Bà con kéo ra phản đối nhiều lần, trước nói họ còn nghe, giờ họ không nghe nữa”.

“Sông Năng giờ đã băng hà rồi, trước đây nó hiền hòa, chảy sát núi, phía bên này là bãi soi của người dân trồng ngô, trồng lúa và chăn thả trâu, bò. Từ khi có Công ty vào khai thác, nó khác hẳn, giờ thì bãi soi cũng không còn” – chị La Thị Hoa, xã An Thắng chia sẻ đầy tiếc nuối.

Hoạt động khai thác vàng trên sông Năng đoạn qua xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Nguyên Phát từng nhiều lần khai thác ngoài chỉ giới được tỉnh cấp phép, có lần còn khai thác “nhầm” sang cả phần đất của tỉnh Cao Bằng, sau khi bị người dân phát giác và kiến nghị, Công ty này đã bị phạt.

Trao đổi về thực trạng khai thác vàng của Công ty Nguyên Phát, ông Đồng Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch xã An Thắng khẳng định: “Việc khai thác vàng không ảnh hưởng đến cuộc sống, ruộng vườn của bà con. Công ty khai thác đã dừng khai thác từ tháng 5/2013 đến nay do mưa bão khiến nước sông từ đầu nguồn chảy về nhiều làm ngập các điểm khai thác”. Tuy nhiên, có mặt tại khu vực thôn Tiến Bộ tại thời điểm đầu tháng 10, chúng tôi vẫn chứng kiến có tới 6 chiếc máy đang xúc đất, đào hố và múc đá lên sàng tuyển vàng; nhiều máy khác thì đang kè đá, đắp đất ngăn sông để tiếp tục khai thác.

Đặc biệt, theo nguồn tin riêng chúng tôi có được, việc Công ty xin dừng khai thác ngoài nguyên do về thời tiết, mùa mưa bão thì còn liên quan đến việc đơn vị này đang nợ phí, thuế môi trường với tổng chi phí lên tới gần 180 tỷ đồng?!

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong các bài viết sau.

Bắc Kạn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với 165 mỏ và điểm quặng. Các loại khoáng sản có trữ lượng lớn bao gồm chì, kẽm (70 mỏ và điểm mỏ, trữ lượng khoảng 4 triệu tấn); sắt (13 mỏ và điểm mỏ, trữ lượng 22 triệu tấn); vàng (17 mỏ và điểm quặng, trữ lượng 39 tấn). Bên cạnh đó là các loại đá vôi, xi măng, đá trắng, thạch anh, sét xi măng, antimon, titan, kaolin, silic…