Kiểm tra định kỳ khí thải đối với mô tô, xe máy: Lo ngại phí chồng phí

ThienNhien.Net – Bộ GT-VT đang lấy ý kiến các ban, ngành liên quan về dự thảo đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Theo đó, xe máy có niên hạn từ 5 năm trở lên sẽ phải kiểm tra định kỳ và cấp tem kiểm định mới được lưu hành.

Mặc dù bày tỏ sự ủng hộ chủ trương nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến hàng chục triệu dân nghèo ở các đô thị nên cần phải có giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, còn có những ý kiến lo ngại chủ trương này bị lạm dụng trở thành cơ hội để các doanh nghiệp bán xe mới và góp phần “đẩy” các xe cũ nát về hoạt động tại các vùng nông thôn…

Xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. (Ảnh: Thùy Dương)
Xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. (Ảnh: Thùy Dương)

Mô tô, xe máy sẽ phải kiểm tra định kỳ

Một trong những nội dung chính của dự thảo đề án đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm là quy định mô tô, xe máy có niên hạn từ 5 năm trở lên sẽ phải kiểm tra định kỳ. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho biết, xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, nhưng lại chưa được kiểm soát khí thải trong quá trình sử dụng. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, do đây là vấn đề xã hội lớn, liên quan đến hàng chục triệu người dân, trong khi cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nên đến nay đề án vẫn chưa thể triển khai. Nhưng khí thải mô tô, xe máy khiến ô nhiễm không khí ngày càng bức xúc. Tính đến hết năm 2014, số lượng mô tô, xe máy tại 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đã lên tới gần 13,5 triệu chiếc, chiếm gần 30% tổng số xe máy của cả nước. Do đó, trước mắt việc kiểm soát khí thải xe máy cần tập trung ở các thành phố lớn, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên sẽ lựa chọn để thực hiện thí điểm…

Theo lộ trình dự kiến, từ ngày 1-7-2018 áp dụng kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy hơn 10 năm sử dụng; từ ngày 1-7-2019 áp dụng với xe hơn 5 năm sử dụng. Đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ, việc kiểm soát khí thải được thực hiện từ ngày 1-7-2020 đối với xe hơn 10 năm sử dụng; từ ngày 1-7-2021 với xe hơn 7 năm sử dụng; từ ngày 1-7-2022 với xe trên 5 năm sử dụng. Xe máy đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được cấp giấy chứng nhận và dán tem kiểm định mới được phép tham gia giao thông. Xe không đạt tiêu chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và được kiểm định lại. Cục ĐKVN đề xuất chu kỳ kiểm định là 2 năm/lần, sau đó sẽ được điều chỉnh xuống 1 năm/lần. Về chi phí kiểm định, Cục kiến nghị Bộ GT-VT đề nghị Bộ Tài chính ban hành mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí kiểm định, lệ phí cấp tem kiểm định khí thải xe máy. Việc thu phí sẽ trực tiếp với người đưa xe đến kiểm định, với mức tính toán sơ bộ là 100.000 – 150.000 đồng/lần/xe/2 năm.

Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Hữu Trí cho biết, công tác kiểm định khí thải sẽ được thực hiện tại các đại lý, cửa hàng bán xe mô tô, xe gắn máy. Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng 5 nhà sản xuất xe mô tô, xe gắn máy lớn là Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki đã có hệ thống lên đến 1.526 đại lý trên cả nước. Các đại lý này đủ khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định số lượng xe máy hiện nay, bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.

Vẫn còn những băn khoăn

Ngay khi đề án được đưa ra lấy ý kiến, dù cơ bản đồng tình với chủ trương, song đã có những ý kiến lo ngại người dân sẽ phải chịu cảnh phí chồng phí. Để tạo được sự đồng thuận của hàng chục triệu người dân cần phải có giải thích rõ ràng, khoa học về sự cần thiết của việc giảm khí thải. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu nhằm có sự hỗ trợ từ Nhà nước để người dân tự nguyện đem phương tiện đi kiểm tra khí thải.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam chưa phát triển nên xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Hiện, người dân đang phải chịu các loại phí khác nhau, như phí nhập khẩu, phí bảo vệ môi trường qua giá xăng, phí trước bạ, nếu thêm phí kiểm định khí thải xe máy sẽ càng thêm khó khăn, nhất là với người nghèo.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều người dân thắc mắc, chủ trương rõ ràng, đúng nhưng khâu kiểm soát trong quá trình triển khai đề án sẽ như thế nào để bảo đảm minh bạch và đúng mục tiêu. Bà Ngô Thị Hằng (ngõ 670 Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai) nhấn mạnh, theo nội dung đề án đưa ra thì các đại lý, cửa hàng bán xe mô tô, xe gắn máy sẽ trực tiếp thực hiện việc kiểm định khí thải. Nếu phát hiện bộ phận nào là nguyên nhân gây nên khí thải vượt mức cho phép thì nhân viên kiểm định sẽ tư vấn với người sử dụng xe để thay thế. Tuy nhiên, tư vấn của nhân viên này liệu có khách quan, hay họ sẽ lợi dụng chủ trương để “đề nghị” người dân phải thay thế phụ tùng chính hãng hoặc mua xe mới… Trong khi đó, ở các thành phố lớn hiện nay lượng người sử dụng xe máy cũ không phải là nhỏ. Cần nhớ rõ, mục tiêu chính của đề án là giảm ô nhiễm môi trường chứ không phải loại bỏ xe máy cũ để mua xe mới.

Thêm một câu hỏi khác của người dân mong muốn được chuyển tới các cơ quan chức năng. Đó là liệu việc thực hiện kiểm tra khí thải tại các thành phố lớn có dẫn đến tình trạng các xe cũ sẽ bị đẩy về nông thôn – những nơi chưa áp dụng các tiêu chuẩn về khí thải, trong khi cơ quan quản lý cũng chưa có giải pháp để ngăn tình trạng này?