GDP không thể hiện sự tiến bộ về an sinh xã hội

ThienNhien.Net – Các chính sách phát triển nên nhanh chóng chuyển từ nỗ lực tối đa hóa sản lượng và tiêu dùng sang nỗ lực cải thiện các phúc lợi xã hội vốn đã bị chững lại từ cuối thập niên 1970 theo khuyến cáo từ một nghiên cứu do nhà nghiên cứu Đại học Quốc gia Úc Ida Kubiszewski chủ trì thực hiện.

Khảo sát 17 quốc gia trong khoảng từ năm 1950 – 2003, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mặc dù GDP ở cả 17 nước đều tăng trung bình hơn 3 lần, song tình trạng an sinh xã hội từ sau năm 1978 lại có chiều hướng giảm.

Để đưa ra kết luận, nhóm nghiên cứu đã sử dụng Chỉ số tiến bộ đích thực (GPI) toàn cầu. Chỉ số này cân nhắc việc phân bổ thu nhập ở mỗi quốc gia; tính đến cả các công việc tình nguyện và công việc của các hộ gia đình – các hoạt động thúc đẩy phúc lợi song lại không liên quan đến các giao dịch tiền tệ; và xem xét cả các tổn thất do suy thoái môi trường.

Kết quả khảo sát cho thấy GPI bình quân đầu người đạt đỉnh điểm vào năm 1978. Nói cách khác, kể từ đây trở đi, chi phí ngoại tác của tăng trưởng kinh tế toàn cầu bắt đầu vượt quá lợi ích thu được.

GPI bắt đầu chững lại, thậm chí sụt giảm từ sau năm 1978 (Ảnh: Oxfam International)
GPI bắt đầu chững lại, thậm chí sụt giảm từ sau năm 1978 (Ảnh: Oxfam International)

Bà Ida Kubiszewski, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết thêm: “GDP (Tổng sản phẩm quốc dân) và GPI bắt đầu đi theo các chiều hướng khác nhau khi thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 6.500 USD/năm. Sau đó, GDP vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi GPI bị chững lại, thậm chí còn sụt giảm.

“Xảy ra nghịch lý này đơn giản bởi chi phí chúng ta bỏ ra trong những năm qua, đặc biệt là phí bù đắp cho suy thoái môi trường và thúc đẩy bình đẳng thu nhập, nhiều hơn những gì ta đạt được” – bà lý giải.

Lâu nay, GDP vẫn là chỉ số được sử dụng phổ biến nhất để đo hiệu suất tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho rằng GPI còn tốt hơn nhiều so với GDP vì nó có thể tích hợp một số vấn đề mà GDP không làm được.

17 quốc gia được khảo sát nằm trên cả năm châu lục, ước tính chiếm hơn một nửa dân số thế giới và gần 60% GDP toàn cầu, bao gồm: Úc, Áo, Bỉ, Chile, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Thụy Điển, Thái Lan, Vương quốc Anh, Mỹ và Việt Nam.