Chui rào đất lúa (kỳ 2)

Không chuyển đổi không làm được gì cả

ThienNhien.Net – Không chỉ nguyện vọng của người dân, bản thân chính quyền địa phương ở nhiều nơi cũng cảm thấy “bó chân bó tay” bởi Nghị định 42 bảo vệ đất lúa quá nghiêm ngặt.

Cần thiết lắm, nhưng mà sợ

Huyện Yên Khánh được tỉnh Ninh Bình giao chỉ tiêu giữ từ 7.400 đến 7.500 ha đất lúa, nhưng thực tế ở một số xã, người dân đã chuyển đổi sang các mô hình khác hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cả ông Vũ Thiện Quý, Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp và ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng NN- PTNT huyện đều khẳng định: Việc chuyển đổi đất lúa ở những khu vực ruộng trũng, đất xấu, năng suất thấp sang các mô hình phát triển kinh tế khác rất cần thiết, bởi mục đích cuối cùng nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất. Giữ đất lúa là đúng nhưng vấn đề là người sản xuất lúa ra không sống được thì giữ làm sao? Trồng lúa không có lãi, người dân không cấy để ruộng hoang thì phải làm gì? Đầu tư vào lúa chỉ có con số không, thậm chí là âm, không chuyển đổi sao được?

Xã Khánh Thủy là vùng trũng, chịu ảnh hưởng của thủy triều nên nhiều cánh đồng trồng lúa hiệu quả thấp. Năm 2000 được xem là cột mốc quan trọng khi lãnh đạo xã mạnh dạn cho 35 hộ dân chuyển đổi 15 ha đất lúa kém năng suất sang mô hình nuôi cá, nuôi tôm xen lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rau, cây ăn quả…

Chuyển đổi đất lúa sang trang trại ở Yên Khánh
Chuyển đổi đất lúa sang trang trại ở Yên Khánh

Cũng như nhiều vùng đất khác, công cuộc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cực lớn cho Khánh Thủy. Và cũng vì việc bỏ lúa sang cây trồng khác mà người dân, chính quyền không ít lần lao đao.

Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy, ông Đỗ Văn Mạnh nói rằng, có thời điểm Đảng ủy xã còn bị cấp trên nhắc nhở do để người dân tự ý chuyển đổi ruộng thành các mô hình trang trại. Nhắc thì phải chịu, nhưng không phải xã thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Thực tế ý nguyện bà con nhân dân, thậm chí là ý nguyện lãnh đạo xã muốn chuyển từ lâu lắm rồi. Nuôi con cá có khi bằng 3-4 yến lúa. Hay như một sào cây thuốc bạch chỉ, chẳng vốn liếng là bao cũng thu về 6 triệu đồng. Hiệu quả quá rõ ràng, nhưng dù sao cũng là vi phạm vì đất lúa bị bảo vệ nghiêm ngặt quá.

Khánh Thủy là vùng thuần nông, chủ yếu là diện tích đất hai lúa nhưng nông dân bây giờ không còn mặn mà với ruộng đồng. Ngoại trừ những vùng năng suất cao, đồng lớn, có thể nâng cao sản xuất thì số diện tích còn lại thật khó để người dân cấy lúa.

Bằng chứng 70 ha ruộng 5% xã quản lý, trước đây cho người dân đấu thầu mỗi năm thu 80kg/sào nhưng bây giờ hạ xuống còn 70 kg nông dân vẫn cứ trả lại cho xã nhiều. Ruộng ấy, nếu cứ bám lấy lúa chỉ có cách kêu gọi, vận động các đoàn thể cấy. Đoàn thể không cấy thì chịu bỏ hoang, dân chán lắm rồi.

Cột mốc chuyển đổi vào năm 2000 cứ tưởng là cứu cánh cho nền nông nghiệp độc canh cây lúa của Khánh Thủy. 34 hộ dân chuyển đổi 15 ha đất lúa thuộc diện đất 313 của chính gia đình họ thành các mô hình kinh tế trang trại, ao hồ. Chỉ có một hai năm thôi mà giá trị kinh tế đất sản xuất nông nghiệp tăng vùn vụt, gấp mười, gấp trăm. Cứ như thể có phép màu.

Vậy mà khi đất lúa kém hiệu quả ở Khánh Thủy bắt đầu biết cách “đẻ” ra những tỷ phú làm mô hình trang trại, nông dân đang hồ hởi, thì lại phải dừng. Năm 2008 có chủ trương của trên yêu cầu xã phải san lấp diện tích đất chuyển đổi, trả lại mặt phẳng cho ruộng, trả lại nguyên trạng đất lúa.

Chính quyền thì bị khiển trách, còn nhiều hộ dân phải từ bỏ giấc mơ chuyển đổi, san ruộng bằng phẳng để chờ sang năm tiếp tục cấy lúa. Đấu tranh có, thuyết phục, xin xỏ, cuối cùng xã Khánh Thủy chỉ giữ lại được có 5 ha để 6 hộ dân tiếp tục làm trang trại.

Sau sự kiện 2008, đất lúa ở Khánh Thủy được giao bảo vệ nghiêm ngặt hơn, gắt gao hơn. Nhưng ở đâu đó, những diện tích xen kẹt, kém hiệu quả, người dân vẫn âm thầm chuyển đổi. Ông Nguyễn Cao Minh, cán bộ địa chính xã nói rằng, cấp trên yêu cầu giữ đất lúa hết sức quyết liệt, năm nào xã cũng phải thông báo, tuyên truyền trên loa đài nhưng dân vẫn cứ lén làm.

“Nhằm vào những ngày cán bộ xã nghỉ, thậm chí người dân còn tổ chức làm ban đêm. Bây giờ máy móc hiện đại, chỉ qua một đêm đến sáng là ruộng thành ao rồi. Xã cũng sử dụng các biện pháp như thu máy xúc, xử phạt hành chính, tùy theo mức độ chuyển đổi đất mà phạt từ năm trăm đến một triệu đồng. Nhưng nếu nhiều hộ làm hăng quá, đầu tư vào việc chuyển đổi nhiều quá rồi thì cũng nên để cho họ làm thôi. Anh bảo, làm lúa không có lãi thì cấm họ chuyển đổi sao được, ruộng bị bỏ hoang ngay”, theo ông Minh.

Phải chuyển đổi bằng được

Từ huyện đến xã đều xác định việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả ở huyện Yên Khánh là cần thiết. Xã Khánh Thủy còn 484,85ha đất hai lúa. Theo ông Mạnh, ông Minh, trong số này thì chỉ cần giữ 400 ha thuộc những cánh đồng lớn trồng lúa thôi. Còn lại diện tích đất xen kẹt, đất kém hiệu quả phải chuyển đổi mới phát triển được.

“Để nâng cao mức thu nhập cho người dân đạt theo tiêu chí nông thôn mới nên quan tâm cho các địa phương như Khánh Thủy chuyển đổi. Nếu không chuyển đổi thì không thực hiện được nội dung gì, rất bó. 7 năm nay chúng tôi không cấp được suất đất nào cả. Hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có con cái ra riêng, đệ đơn xin miếng đất cũng chịu.

 Đụng đâu cũng đất hai lúa, vướng, không chuyển đổi được. Cả chương trình xây dựng NTM nữa. Không chuyển đổi thì làm sao mở rộng đường, làm sao xây dựng cơ sở hạ tầng đây? Hơn nữa, Khánh Thủy chưa thực hiện dồn điền đổi thửa, người dân đang tự làm. Còn loay hoay, vất vả, truân chuyên lắm”, Chủ tịch Mạnh phân tích.

Thực tiễn, 5 ha, 6 hộ dân được giữ lại bây giờ là 6 tỷ phú giàu nhất xã. Thành tích, sự giàu có của họ càng khiến nông dân Khánh Thủy khát khao chuyển đổi, khát khao… bỏ lúa.

Trang trại của ông Đỗ Văn Ước (45 tuổi) là một trong 6 hộ gia đình được giữ lại, không phải san phẳng vì xét thấy gia đình trót đầu tư vào đó nhiều tiền của quá. San phẳng thì thiệt hại nên xã và huyện cho giữ lại làm.

Bây giờ, muốn vào khu chăn nuôi của ông Ước, người lạ phải “khử trùng”. Muốn vào khu trồng cây, phải thay quần áo. Rất quy mô, bài bản và hiện đại. Ít ai biết rằng, nguồn gốc của trang trại bề thế ấy chỉ có 2 sào đất lúa 313 của gia đình, diện tích mà ông Ước khẳng định là nếu trồng lúa hiệu quả kinh tế bằng không.

Năm 2004, khi mô hình chuyển đổi của nông dân Khánh Thủy bắt đầu phổ biến thì gia đình ông Ước tự dồn điền đổi thửa với nhiều hộ nông dân khác, dù chưa có chủ trương. Những gia đình có nhu cầu làm trang trại tự đổi đất cho nhau, tập hợp thành những vùng đất tương đối rộng, đủ để đầu tư sản xuất. Bây giờ nhà ông Ước có 5.700m2. Chăn nuôi, sản xuất rau, trồng cây cảnh…

Dù không được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, phải vay ngân hàng gánh lãi suất cao nhưng trang trại năm nào cũng lãi. Nhiều thì vài ba trăm, ít cũng đến hàng chục triệu. 5 đứa con được đầu tư ăn học đến nơi đến chốn mà chẳng phải đi vay một cắc nào. Trang trại còn thuê 3 công nhân, mỗi tháng trả từ 3-5 triệu đồng vẫn khỏe re.

Thành công quá rồi, nhưng mà ông Ước vẫn cứ mơ. Giá như được hợp thức hóa trang trại, được đầu tư nhiều hơn để mở rộng mô hình hơn nữa. Tất nhiên sẽ cần phải có quy hoạch, theo một lộ trình bài bản, nhưng nguyện vọng chuyển đổi của người dân là hoàn toàn chính đáng.

Khao khát của chính quyền xã Khánh Thủy và phần lớn người dân ở đây là một mô hình trang trại tập trung. Đất 5% của xã hiện còn nằm rải rác. Mặc dù mới đây cấp trên về phối hợp với xã khoanh vùng đất lúa để bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng tỉnh cũng sẽ quy hoạch khu trang trại, theo dự kiến, sẽ có khoảng 30ha đất lúa chuyển đổi. Nhưng con số này vẫn còn quá ít so với nhu cầu của xã Khánh Thủy.

“Những vùng khác họ có đất nọ đất kia, còn Khánh Thủy chỉ có đất hai lúa. Làm cái gì cũng đụng đất lúa, nếu được tạo điều kiện chuyển đổi khoảng 80ha đất lúa thì hợp lý”, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Mạnh ao ước.