“Lá chắn” bảo vệ xóm làng

ThienNhien.Net – Dù ở vùng thấp nhưng đã nhiều năm nay thôn Bình Minh (xã Dương Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) hạn chế được ảnh hưởng của mưa lũ, thiên tai nhờ có rừng mưng chở che…

Thôn Bình Minh có 326 hộ với trên 1.600 khẩu, 115ha đất canh tác lúa. Ngoài làm ruộng, người dân còn làm thêm nghề phụ như rớ tàu, chài, lưới, chăn nuôi…

Ông Phan Văn Mão giới thiệu một gốc mưng cổ thụ ở làng Bình Minh.
Ông Phan Văn Mão giới thiệu một gốc mưng cổ thụ ở làng Bình Minh.

Chung sức giữ rừng

Theo chân ông Phan Văn Mão – một lão nông tri điền thôn Bình Minh, chúng tôi có mặt ở rừng mưng (nhiều nơi gọi là lộc vừng”. Tại đây, mọi người thực sự choáng ngợp không phải vì sắc đẹp và mùi thơm của hoa mưng mà cảm giác như bị lạc vào giữa một cánh rừng già với hàng ngàn cây cổ thụ.

Ông Mão cho biết: “Tôi là người cao tuổi nhất thôn ni, khi tôi lớn lên đã thấy rừng mưng, không biết ông cha trồng từ khi mô. Cả làng này nhờ cả vào rừng mưng đó. Rừng mưng không chỉ che gió mùa đông bắc bảo vệ mùa màng mà còn là nơi nghỉ ngơi vào trưa hè nóng nực mỗi khi ra làm đồng. Vào khoảng tháng 6 tháng 7, rừng mưng nở hoa đẹp lắm. Rừng mưng cũng là nơi trú ngụ cho hàng ngàn cò trắng và rất nhiều loài chim bay về trú ngụ… vui mắt lắm”.

Rừng mưng thôn Bình Minh có trên 500 cây với đường kính trung bình mỗi cây 50cm, có cây thân ôm không xuể, ngoài ra còn có hàng ngàn cây đường kính 20 – 30cm. Ông Hoàng Văn Song- Trưởng thôn cho biết: “Để có như hôm nay, rừng mưng được bảo vệ nghiêm ngặt lắm, đặc biệt sau khi rộ lên nạn buôn bán cây mưng làm cây cảnh thì không chỉ tổ bảo vệ mà cả làng, cả thôn từ già đến trẻ đều có trách nhiệm và tham gia bảo vệ rừng mưng. Hiện tại, thôn bố trí một tổ bảo vệ gồm 3 người thay nhau túc trực thường xuyên”.

Tổ trưởng bảo vệ Phạm Quang Dũng tâm sự: “Được lãnh đạo thôn và bà con giao nhiệm vụ bảo vệ rừng mưng, bọn em lo lắm. Bất cứ ngày hay đêm, mùa mưa hay lũ lụt cũng phải luân phiên kiểm tra, nhiều lúc nguy hiểm lắm, nhất là vào bam đêm, không ít bọn săn mưng dòm ngó. Cũng theo anh Dũng, với tiền công 3 triệu đồng/người/năm (tương đương 1 tấn lúa), tiền công thì không nhiều nhưng trách nhiệm lại quá lớn. Theo quy ước của thôn thì để mất một cây mưng, anh em bảo vệ phải đền 3 triệu đồng nên chỉ cần lơ là một chút là có thể mất luôn “lương” cả năm.

Bình yên trong “dông bão”

Nhờ có quy ước chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt, xử phạt nghiêm minh nên rừng mưng thôn Bình Minh không chỉ được bảo vệ mà ngày càng phát triển thêm. Ông Mão cho biết, nhiều đại gia đã tìm cách bứng mưng ở Bình Minh đi, nhưng người dân trong thôn đã ngăn chặn thành công. Những năm 2002 – 2003, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình rộ lên việc tìm kiếm, khai thác, vận chuyển, buôn bán cây mưng. Hàng trăm, hàng ngàn người ở đồng bằng đã bỏ ruộng, bỏ vườn lên núi, xuống khe, lùng sục, đào bới khắp nơi để tìm mưng. Nhiều cánh rừng tan hoang vì mưng, nhiều bờ sông, bờ suối bị bới tung gây sạt lở nghiêm trọng… Nhưng với rừng mưng thôn Bình Minh, nhờ cả thôn đồng lòng và quyết tâm gìn giữ, nên những cây mưng vẫn toàn vẹn và ngày càng phát triển.