Vùng đất thiên đường dành cho phụ nữ tại Syria

Cuộc sống của Fatma Emin thay đổi mãi mãi kể từ khi chồng cô thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng mìn do Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành trong cuộc chiến ở Syria.

Biến cố đó kéo theo một loạt sự kiện đưa cô đến Jinwar – một ngôi làng do phụ nữ xây dựng, một nơi trú ẩn cho những người phụ nữ và trẻ em Syria muốn thoát khỏi nạn bạo hành gia đình và cái chết do chiến tranh gây ra.

Jinwar theo ngôn ngữ của người Kurd có nghĩa là “vùng đất của phụ nữ”. Ngôi làng chào đón tất cả phụ nữ và trẻ em, bất kể tín ngưỡng, sắc tộc và quan điểm chính trị. Đây là ngôi nhà cho những người phụ nữ muốn trải nghiệm sự tự do, dân chủ và một cuộc sống mới.

“Jinwar là câu trả lời cho những người từng là nạn nhân của việc bị xâm phạm nữ quyền, của sự bất bình đẳng. Ở đây, phụ nữ có thể tự xây nhà. Chúng tôi không chỉ xây làng cho những người phụ nữ Kurd, mà chúng tôi còn có người Arab, Yazidi và những người nước ngoài”, Emin trả lời phỏng vấn hãng tin CNN.

Những người phụ nữ sống trong làng Jinwar tự tay xây nhà, trồng trọt. Ảnh: CNN

Người dân tại Jinwar xây nhà bằng gạch làm từ bùn. Ảnh: CNN

Sau khi mất chồng vào cuối năm 2015, gánh nặng trở thành một người góa phụ đè lên vai người phụ nữ nhỏ bé đó.

Bà mẹ 35 tuổi phải cố gắng nuôi dưỡng 6 đứa con của mình, trong khi gia đình chồng liên tục muốn giành lại quyền nuôi cháu. Họ không muốn cô đi làm và yêu cầu cô phải nghỉ công việc yêu thích trong một cơ quan nhà nước tại Kobani để nuôi dậy các con dưới sự giám sát của họ.

Cô cho biết gia đình nhà chồng nhìn cô và các con gái với ánh mắt coi thường, khi không có người đàn ông nào bên cạnh để bảo vệ.

Khi cô thành công trong việc giành lại những người con của mình với sự trợ giúp từ một tổ chức đấu tranh giành quyền phụ nữ người Kurd, cô chuyển tới Jinwar – ngôi làng nằm ở phía Đông Bắc Syria hình thành từ 2 năm trước.

Tính đến thời điểm hiện tại, Jinwar là ngôi nhà của 16 phụ nữ và 32 đứa trẻ. Đàn ông được phép vào làng trong ngày nếu như họ giữ thái độ và hành xử tôn trọng đối với phụ nữ, song họ không được nghỉ qua đêm.

Làm việc theo ca, những người phụ nữ trong làng sẽ thay phiên nhau theo dõi ai đến và rời khỏi làng Jinwar. Họ chỉ mang theo vũ khí trong các ca trực tối để đảm bảo an ninh.

Jiyan Efrin, một bà mẹ 30 tuổi của hai con gái và một cậu con trai, trước đây từng sống tại một nơi khác với ông ngoại. Efrin chuyển tới làng Jinwar 3 tháng trước để trốn khỏi các cuộc tấn công của người Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin – thành phố Tây Bắc Syria.

“Bạn sẽ cảm thấy đây là một xã hội bình thường bạn có thể sống ở đó. Chúng tôi làm việc, trồng trọt và được trả lương từ hội đồng làng”, Efrin chia sẻ.

Hai năm trước, Jinwar chỉ là một vùng đất hoang. Sau một năm lên kế hoạch, hai tổ chức phụ nữ người Kurd có tên Kongreya Star và Hiệp hội Phụ nữ Tự do Rojava bắt đầu xây dựng từ năm 2017.
Những tổ chức này, đồng hành cùng các nhóm địa phương và quốc tế, tiếp tục gây quỹ hỗ trợ Jinwar. Ngôi làng chính thức được xây dựng từ 25/11/2018.

Jinwar có một hội đồng lãnh đạo, ở đó mỗi phụ nữ sẽ thay phiên nhau từng tháng làm thủ lĩnh quản lý ngôi làng. Họ tự xây 30 ngôi nhà bằng gạch bùn. Trong làng cũng có cửa hàng và một tiệm bánh, hàng ngày sẽ bán bánh mỳ và khăn tay cho người dân và những làng lân cận. Họ cũng có khu vực nuôi gia súc và trồng trọt canh tác, từ đó các sản phẩm nông nghiệp được bán ra để mua lại những đồ dùng thiết yếu khác.

Phụ nữ tại Jinwar nuôi gia súc và trồng trọt canh tác, từ đó các sản phẩm nông nghiệp được bán cho các làng khác để mua lại những đồ dùng thiết yếu khác.
Jinwar chỉ tổ chức lớp học đến năm lớp 6. Ảnh: CNN

Trong làng cũng có một trạm xá dựng tạm. Trẻ em lớn lên tại đây sẽ được đưa ra lựa chọn khi đến tuổi trường thành, xem liệu có tiếp tục sống ở đây hay rời đến nơi khác hay không. Những bé trai sống cùng mẹ trong làng khi lớn lên vẫn được phép ở lại vì các em được nuôi dưỡng bằng giá trị Jinwar đặt ra.

Các bé cũng sẽ được đi học tại các trường cấp 2, cấp 3 ở các làng lân cận vì Jinwar chỉ tổ chức lớp học đến năm lớp 6.

Những người phụ nữ sống tại Jinwar nói rằng họ muốn thay đổi quan niệm phụ nữ là nạn nhân của các mối quan hệ gia trưởng và bạo lực. Họ muốn thiết lập khái niệm về phụ nữ tự do và độc lập.
Emin, Efrin và những người phụ nữ khác nói rằng họ muốn Jinwar trở thành một nơi thách thức những quan điểm bảo thủ.

Một số người trong khu vực nghĩ rằng Jinwar giống một nhà tù thu nhỏ, khi phụ nữ không được phép rời khỏi và tương tác với nam giới và phần còn lại của xã hội. Tuy nhiên, Emin chia sẻ đối với cô, Jinwar là một ngôi làng yên bình cho phụ nữ và trẻ em chung sống hòa hợp với nhau.

Mặc dù có mâu thuẫn với gia đình chồng song Emin không cấm họ gặp con. Cô không muốn con mình lớn lên mà không còn giữ mối quan hệ với gia đình nhà nội.