Bảo tồn loài vượn Cao Vít ở Cao Bằng

ThienNhien.Net – Năm 2002, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) đã phát hiện 26 cá thể vượn Cao Vít (thuộc loài vượn đen phương Đông, một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới) xuất hiện tại khu rừng trên dãy núi đá vôi thuộc địa bàn 3 xã Phong Nặm, Ngọc Khê và Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), sát biên giới với Trung Quốc. Ngay sau khi phát hiện ra quần thể vượn này, FFI đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp giảm thiểu những mối đe dọa tới quần thể vượn Cao Vít.

Nhằm bảo vệ quần thể vượn Cao Vít ngay tại rừng, các tổ bảo tồn cộng đồng tại huyện Trùng Khánh đã được khẩn trương thành lập và việc ký cam kết bảo tồn đã được triển khai tới hộ dân. Năm 2004, đã xây dựng Dự án bảo tồn loài vượn Cao Vít tại huyện Trùng Khánh để khôi phục và mở rộng môi trường sống cho loài thú quí hiếm này tại khu vực giáp ranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ việc mở rộng môi trường tự nhiên cùng với các biện pháp bảo tồn.

Tiếp đó, năm 2007 FFI đã hỗ trợ thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít rộng 1.657 ha tại 3 xã Phong Nặm, Ngọc Khê và Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh. Năm 2009, FFI tiếp tục phối hợp với Cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bảo vệ vùng rừng liển kề rộng hơn 6.530 ha tại huyện Trịnh Tây.

Vượn cao vít
Vượn cao vít (Ảnh: Báo Tin tức)

Để giảm thiểu sự phụ thuộc của người dân vào tài nguyên rừng, Dự án hỗ trợ thành lập 3 nhóm sở thích chăn nuôi tại 3 xã trong khu bảo tồn. Đồng thời triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi tại các thôn, xóm xung quanh khu bao tồn Vượn Cao Vít. Từ năm 2007 đến nay, Dự án đã tập huấn kỹ thuật trồng cây, trồng cỏ, chăn nuôi cho hơn 430 hộ dân trên địa bàn 3 xã Phong Nặm, Ngọc Khê, Ngọc Côn. Các thành viên nhóm sở thích được hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi gia súc với tổng số tiền trên 150 triệu đồng.

Đặc biệt, việc giảm sử dụng chất đốt được coi là một trong những hoạt động chính của Dự án. Người dân đã được hỗ trợ xây dựng xây hàng trăm lò tiết kiệm củi và 22 bể khí biôga. Bên cạnh đó, chương trình trồng cây lấy củi với các giống cây bản địa như mác rạc cũng được triển khai tích cực.

Để giảm thiểu việc chăn thả gia súc tự do lên rừng, Dự án đã hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng cỏ voi, chăn nuôi với diện tích gần 3 ha, hỗ trợ 5 máy thái thức ăn chăn nuôi, xây dựng 5 chuồng trại chăn nuôi gia súc cho 5 hộ và túi nilon để ủ chua thức ăn cho gia súc cho hơn 50 hộ tại 5 thôn, bản xung quanh khu bảo tồn.

Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa, giống ngô cho người dân trong vùng; phối hợp với Phòng nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông huyện Trùng Khánh hướng dẫn cho bà con kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc lúa, ngô và phòng trừ sâu bệnh.

Dự án bảo tồn vượn Cao Vít tại Trùng Khánh đã góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và nhất là trong việc bảo vệ loài vượn Cao Vít. Theo khảo sát của FFI, đến nay số lượng vượn Cao Vít tại đây đã tăng lên 24 đàn với 129 cá thể.