Quản lý chặt tài nguyên nước

ThienNhien.Net – Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu (BÐKH) và một trong những biểu hiện rõ nét là những ảnh hưởng đến tài nguyên nước trên địa bàn.

Theo nghiên cứu mới được công bố gần đây của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, do sự dâng cao mực nước biển dẫn đến xâm nhập mặn và đẩy ranh giới mặn lên cao hơn về phía thượng nguồn nên trong mùa khô, mấy năm gần đây trên sông Sài Gòn, mặn đã xâm nhập sâu hơn vào đất liền so với những năm trước, khiến hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) phải xả nước đẩy mặn để bảo vệ nguồn nước ngọt cho nhà máy nước Tân Hiệp (Củ Chi).
Dự báo lượng mưa mùa khô sẽ giảm do mùa khô kéo dài trong khi lượng mưa sẽ tăng. Theo những số liệu đo đạc của Ðài Khí tượng – Thủy văn Nam Bộ, bắt đầu từ năm 2007 đến nay, lượng mưa tại thành phố đã tăng khoảng 20% so với những năm trước, với những trận mưa kỷ lục lên tới 140 mm. Ðơn cử như trận mưa cuốn trôi hai thí sinh dự thi đại học ngày 9-7 vừa qua. Và hiện đã có khoảng 26% số dân bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, con số này đến năm 2050 có thể vượt qua 60%.
Việc nước mặn xâm nhập sẽ khiến mặn hóa các nguồn nước mặt và nước ngầm, gây nguy hại đến hệ thống cấp nước và hàng triệu cư dân thành phố. Rõ ràng sự xâm nhập mặn và hạn hán khắc nghiệt kéo dài vào mùa khô sẽ đặt hoạt động cấp nước của thành phố vào thế khó.
Còn vào mùa mưa, những cơn mưa to cộng với triều cường, càng khiến tình trạng ngập lụt tại thành phố tăng cả về mực nước và thời gian ngập. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã phát sinh thêm nhiều điểm ngập mới ở các quận, huyện ngoại thành. Bên cạnh nguyên nhân tự nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng có thể do nhiều kênh, rạch bị lấn chiếm hoặc bị bồi lắng không có chỗ trữ nước và vùng đất thấp tự nhiên đã bị san lấp quá nhiều.
Thêm vào đó, hệ thống thoát nước đô thị cũ kỹ, chắp vá và quá tải do xây dựng từ hơn 50 năm trước, trong khi các dự án thoát nước mới lại lạc hậu về số liệu thiết kế đầu vào so với những diễn biến mới nhất của thời tiết và trong các dự án này hầu như không đề cập đến tác động BÐKH.
Ði cùng với đó, việc khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố cũng đang diễn ra một cách vô tội vạ, mạnh ai nấy làm với hàng trăm nghìn giếng khai thác ở đủ mọi cấp độ khiến cho nguồn nước ngầm thành phố đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng khai thác nước ngầm hiện nay ở thành phố đã khoảng một triệu m3/ngày. Trong khi lượng nước bổ sung chỉ đạt khoảng từ 300 đến 350 nghìn m3/ngày, dẫn đến mực nước dưới đất của các tầng chứa nước ngày càng bị hạ thấp. Ðặc biệt, tại khu vực nội thành và vùng ven nơi có lưu lượng nước ngầm được khai thác rất lớn phục vụ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Nước mặn xâm nhập, ngập úng xảy ra nhiều và lâu hơn trước cùng với việc khai thác nước ngầm quá mức đã khiến chất lượng nước ngầm ở thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị thấm và ngấm bẩn, nhiễm mặn ngày càng nhanh hơn. Cụ thể là hàm lượng hợp chất ô nhiễm ni-tơ, clo, hữu cơ, kim loại nặng… đang tăng lên ở nhiều khu vực, nhất là những nơi gần bãi rác và các nhà máy, xí nghiệp và các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố.
Lòng hồ Dầu Tiếng cạn nước vào mùa khô. (Ảnh: Sài gòn giải phóng)
Lòng hồ Dầu Tiếng cạn nước vào mùa khô. (Ảnh: Sài gòn giải phóng)
Vấn đề đặt ra ở đây là thành phố cần có kế hoạch quản lý và khai thác  tài nguyên nước như thế nào cho phù hợp, hiệu quả  khi lưu lượng, chất lượng nguồn nước giảm do suy kiệt dòng đầu nguồn và ô nhiễm do tự nhiên và con người đi cùng với nhu cầu nước do đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng tăng. Trong khi đó, việc quản lý tài nguyên nước hiện đang có sự chồng chéo, trùng lắp giữa các ngành, sở trong lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên nước.

Cụ thể, chỉ riêng Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có đến hai phòng, ban phụ trách việc quản lý tài nguyên nước là Phòng Quản lý tài nguyên nước và Chi cục Bảo vệ môi trường. Còn liên quan đến nguồn nước nhưng sử dụng phục vụ nông nghiệp, thủy lợi lại do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách. Sở Giao thông vận tải chuyên quản lý nguồn nước sông, suối, ao hồ và kênh rạch. Sở Y tế giám sát chất lượng nước sinh hoạt. Ngoài ra, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước và UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn… cũng có chức năng quản lý tài nguyên nước.

Vì có nhiều cơ quan chức năng quản lý tài nguyên nước trong khi sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn yếu nên hiệu quả quản lý không cao. Thậm chí, tại các quận, huyện gần như bỏ hẳn chức năng quản lý nguồn tài nguyên nước. Do vậy, thành phố cần sớm có kế hoạch đưa việc quản lý tài nguyên nước về một mối, nâng cao chuyên môn quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước.