Yếu kém trong quản lý khai thác đe dọa cá mập vùng Tam giác San hô

ThienNhien.Net – Các nước trong Khu vực Tam giác San hô cần nỗ lực hơn nữa trong việc quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản để bảo vệ các loài cá mập khỏi nguy cơ tuyệt chủng – đó là khuyến cáo từ Báo cáo Tổng quan về việc tiêu thụ cá mập ở vùng Tam giác San hô do Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) và Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động Thực vật Hoang dã (TRAFFIC) thực hiện.

Các nước trong Khu vực Tam giác San hô cần nỗ lực hơn nữa trong việc quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản để bảo vệ các loài cá mập khỏi nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh: Bìa báo cáo)

Báo cáo nghiên cứu việc khai thác, quản lý khai thác và thương mại cá mập ở 6 nước thuộc vùng Tam giác San hô gồm Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, quần đảo Solomon,Timor Leste và hai nước láng giềng là Việt Nam và Fiji.

Hiện Indonesia và Malaysia đều nằm trong danh sách 20 nước đánh bắt cá mập hàng đầu thế giới, trong đó Indonesia chiếm ngôi đầu bảng.

Theo ông Glenn Sant, lãnh đạo Chương trình Bảo vệ sinh vật biển của TRAFFIC, báo cáo đã chỉ ra được những lỗ hổng quan trọng trong việc triển khai các biện pháp quản lý và thu thập dữ liệu của các quốc gia trong khu vực.

Những vấn đề nổi cộm bao gồm sự thiếu hụt các công cụ riêng cho việc quản lý khai thác cá mập; thiếu sự nhận dạng, phân loại cá mập trong đánh bắt và thương mại cũng như thiếu hụt hệ thống dữ liệu chung sẵn có về đánh bắt và thương mại cá mập của khu vực.

Tổng quan về việc tiêu thụ cá mập ở vùng Tam giác San hô cũng đưa ra các bằng chứng chứng minh việc nhiều loài cá mập đang bị đe dọa và quần thể cá mập trong vùng sẽ còn tiếp tục suy giảm nếu thiếu các công cụ quản lý hữu hiệu để kiểm soát nạn đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định khai thác. Bên cạnh đó, Báo cáo khuyến nghị các cơ quan quản lý địa phương và khu vực cần sớm triển khai các biện pháp cần thiết để nâng cao ý thức của những người sử dụng các sản phẩm từ cá mập.

“Trên thị trường hiện có vô vàn các sản phẩm từ cá mập ngoài vây như thịt, da và dầu gan. WWF mong muốn mọi người sẽ không tiêu dùng các sản phẩm từ cá mập trừ khi xác minh được các sản phẩm đó có nguồn gốc bền vững, tốt nhất là được Hội đồng Quản lý biển (Marine Stewardship Council – MSC) chứng nhận” – Ông Andy Cornish, Giám đốc WWF Hồng Kông nhấn mạnh.

Cá mập đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái san hô và các sinh cảnh khác vì nó đứng đầu chuỗi thức ăn và giúp duy trì sự cân bằng vốn rất nhạy cảm của hệ sinh thái đại dương. Trong 1.1044 loài họ hàng của cá mập, hiện có 488 loài vẫn thiếu dữ liệu đánh giá và 181 loài đã bị liệt vào danh sách động vật sắp nguy cấp trong Sách đỏ IUCN.