Khai thác nước ngầm thiếu quy hoạch: Hiểm họa khó lường

ThienNhien.Net – Tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan đang diễn ra ở ĐBSCL đến mức báo động, vượt khỏi tầm quản lý của ngành chức năng. Đặc biệt, các chuyên gia trong nước và quốc tế cảnh báo, nếu không hạn chế hoặc dừng việc bơm nước ngầm, toàn bộ tỉnh Cà Mau có thể biến mất trong vài thập kỷ tới.

Việc khai thác nước ngầm tràn lan dẫn đến nguy cơ biến mất bán đảo Cà Mau.
Việc khai thác nước ngầm tràn lan dẫn đến nguy cơ biến mất bán đảo Cà Mau.

Cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất

Các cơ quan chức năng cảnh báo, hiện tầng nước ngầm ở ĐBSCL đã tụt giảm từ 12 – 15m. Nếu không có các biện pháp cấp bách, dự báo mực nước ngầm tại Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL sẽ xuống tới mực nước chết trong vài năm tới. TP Cần Thơ có hơn 32.400 giếng khoan, khai thác 700.000m³/ngày. Trong số này, gần 400 giếng có công suất 50m³/ngày và hơn 30 giếng công suất từ 500 – 1.000m³/ngày, chủ yếu của các nhà máy chế biến nông thủy sản.

Tỉnh Sóc Trăng có trên 80.000 giếng khoan hộ gia đình và hơn 130 trạm cấp nước tập trung, khai thác gần 200.000m³/ngày. Sự khai thác hùng hậu này đã gây thiếu hụt nguồn nước ngầm.

Theo Sở TN-MT Sóc Trăng, nguồn nước ngầm đang bị sụt giảm nhiều nhất ở huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Vĩnh Châu, TP Sóc Trăng. Riêng huyện Mỹ Xuyên và TP Sóc Trăng đã khai thác vượt mức 20% trữ lượng cho phép… Hiện nhiều địa phương ven biển ở ĐBSCL bị nhiễm mặn ở tầng nông (từ 40 – 120m), nên người dân tự ý khai thác ở tầng sâu (trên 120m) để lấy nước ngọt pha nước mặn nuôi tôm, tưới lúa, sinh hoạt…

Các đô thị ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh gần như sử dụng 100% nước ngầm. Ước tính tổng lượng nước ngầm hiện đang khai thác, sử dụng toàn vùng hơn 1,5 triệu m³/ngày. Mối lo ngại lớn là tình trạng hàng chục ngàn giếng nước ngầm bị nhiễm mặn, nhưng chưa được xử lý đúng kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ lây lan ô nhiễm nguồn nước rất lớn. Tuy nhiên tới nay hầu hết các địa phương trong vùng chưa có quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước ngầm.

Mới đây, Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) công bố giai đoạn 1 dự án nghiên cứu về “Sự sụt lún đất của bán đảo Cà Mau”. Kết quả cho thấy, tình trạng mất đất tại bán đảo Cà Mau dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Từ năm 1998 đến 2013, mực nước ngầm hạ từ 10 – 20m trong những địa tầng; tốc độ sụt lún mặt đất tại Cà Mau từ 30 – 80cm. Trong 20 năm qua, mất đất hoặc bờ biển bị thụt vào từ 100m đến 1,4km.

Dự báo trong 25 năm tới, tốc độ sụt lún sẽ tăng lên 90 – 150cm và từ 120 – 210cm trong 50 năm tới… Cà Mau hiện có gần 110.000 giếng nước, tổng lưu lượng khai thác 373.000m³/ngày đêm. Những đánh giá đến nay cho thấy, lún đất do bơm nước ngầm đe dọa rất nghiêm trọng. Với tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay, trung bình mỗi năm Cà Mau bị sụt lún từ 1,9 – 2,8cm.

Cấp bách ứng phó

Nghiên cứu về nước ngầm ở ĐBSCL của tiến sĩ Võ Thành Danh, Trường Đại học Cần Thơ cho thấy: Các tầng nước ngầm được hình thành từ rất lâu, gắn kết với lịch sử sa bồi và định hình vùng đất ĐBSCL. Nếu không có giải pháp tốt để quản lý việc khai thác, thì không lâu nữa nhiều túi nước không thể sử dụng được và phải mất rất lâu, có thể cả triệu năm, mới hồi phục.

Thực tế lượng nước ngầm có thể tự tái tạo, bổ sung bằng nước mưa, nước sông… nhưng chất lượng nước khó “hồi phục”. Càng khai thác, các túi nước càng cạn, khô và tạo thành các dòng chảy thông nhau giữa các túi. Khi đó, nếu một túi nước nào đó bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn thì sẽ lây sang nhiều túi khác”.

Trước mắt, TP Cần Thơ áp dụng biện pháp không cấp phép, không gia hạn cấp phép cho một số doanh nghiệp chế biến tại KCN Trà Nóc 1 và 2, vì nguồn nước của nhà máy nước Cần Thơ đủ cung ứng. Còn tại Cà Mau đang đẩy mạnh chương trình cung cấp nước sạch về nông thôn phục vụ người dân nhằm hạn chế nạn khai thác nước ngầm tràn lan. Đồng thời tập trung xử lý những giếng nước ngầm không còn sử dụng, bị ô nhiễm…

  • TS Kjell Karlsrud (Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy)

“Nếu không có giải pháp hữu hiệu, chỉ vài thập kỷ tới, phần lớn tỉnh Cà Mau sẽ chìm ngập trong nước biển. Vấn đề sụt lún không chỉ giới hạn ở Cà Mau mà còn xảy ra ở nhiều tỉnh ở ĐBSCL”

Theo nhiều nhà khoa học, hậu quả của sự sụt lún trong thời gian tới có thể sẽ trở thành thảm họa của tỉnh Cà Mau nếu không nhanh chóng thực hiện các biện pháp đối phó. Cụ thể, địa phương cần xây dựng kế hoạch tiến đến dừng hoàn toàn việc bơm nước ngầm trong khu vực này và tìm nguồn nước sạch khác thay thế. Lựa chọn tốt nhất là lọc sạch nước từ các kênh rạch trong khu vực. “Phải thừa nhận rằng điều này rất khó khăn vì cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, nhưng không còn sự lựa chọn thực tế để tránh mất hoàn toàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới”, TS Kjell Karlsrud (NGI) xác định.

Theo đề xuất của GS-TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam, có thể ứng dụng các công nghệ hiện đại để tái sử dụng nguồn nước. Theo đó, có thể dùng công nghệ tích chứa nước mưa dưới lòng đất. Phương pháp này sẽ phục hồi mực nước ngầm, giảm tình trạng sụt lún.

Để chấm dứt tình trạng khoan giếng khai thác nước vô tội vạ, các địa phương trong vùng và các ngành có liên quan cần kiên quyết hơn trong công tác quản lý, có các giải pháp sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước ngầm. Đồng thời, nghiên cứu các phương án sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông, kênh rạch sản xuất ra nước sạch cấp cho sinh hoạt và sản xuất dần thay thế nguồn nước ngầm.