Lần theo đường dây khai thác lậu gỗ huỳnh đàn

Ngày 17/1/2007, các cơ quan chức năng ở Kon Tum khám phá 2 điểm tàng trữ gỗ huỳnh đàn đỏ (gỗ sưa) với khối lượng lớn. Ngay hôm sau, phóng viên báo Tiền phong đã có mặt tại khu rừng giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai – Kon Tum, nơi được xem là nạn khai thác gỗ huỳnh đàn nóng nhất…


Con đường gỗ lậu


Từ thị trấn Kom Rẫy (huyện Kom Rẫy, Kon Tum) bác xe ôm cho chúng tôi biết phải tốn 60.000 đồng cho quãng đường hơn 20 km đi vào đến làng Cọp (xã Đăk Pne, Kom Rẫy). Con đường hun hút băng rừng lội suối.

Trong vai những người nhà tìm người thân “đi chuyến” đã 3 tuần qua không tin tức liên lạc gì về, bác xế ôm tỏ ra chia sẻ và tận tình giúp đỡ. Ông bảo mấy ngày nay “rừng động”, cánh đi gỗ đều rút về, chỉ một số bị kẹt vì nhiều lý do phải nằm lại. Mọi hôm, tầm này người xe vào ra Đăk Pne rất tấp nập.

Làng Cọp, khung cảnh buổi trưa khá vắng vẻ. Bác xe ôm cho biết, hôm nay có vài trai tráng ở làng là may lắm, mọi hôm chỉ có đàn bà trẻ con ở nhà. Thanh niên làng bị cuốn hút bởi cơn sốt gỗ huỳnh đàn.

Chúng tôi cầm tấm ảnh người thân, tên tuổi đưa ra cho đám thanh niên này xem và hỏi họ có tin tức gì không, tất cả đều lắc đầu. Một người đứng tuổi cảm thông: “Từ mấy tuần này dân quân, kiểm lâm ở K’bang làm gắt lắm, có mấy chục người bị bắt, người thân của các anh có thể nằm trong số này, về chuẩn bị tiền mà chuộc”.

Anh ta cho biết, ai đi rừng cũng được dặn nếu kiểm lâm và dân quân bắt thì nhận đại là bị rủ rê mới đi lần đầu, thế nào cũng được tha về, chỉ cần 3 triệu đồng nộp phạt là xong.

Làng Cọp là trạm liên lạc, điểm tập kết “quân” sôi động nhất trong hoạt động khai thác gỗ lậu cách làng 30 phút đi bộ có địa danh là “Đầm cây quế”. Tại ranh giới 2 tỉnh Gia Lai – Kon Tum nằm sâu trong rừng già đại ngàn này lục lâm thảo khấu quần hùng khá đông, có lúc năm bảy trăm người. Họ dựng lều tạm để ở và đón “quân” từ trong rừng ra, đưa quân vào.

Thắng quê Quảng Bình một trong số “quân” khai thác gỗ lậu ở đây thật thà cho biết có ngày khoảng 150 người gùi “hàng” về. Đầu nậu thu mua ngay tại bãi giá 30.000 đ/kg gỗ. Quân của hội nào, để hàng lại cho hội ấy. Đi mỗi chuyến từ 5-6 ngày mỗi người còn 500.000-600.000 đồng, vì thế rất hấp dẫn người dân quê từ các nơi đổ về.

Lâm tặc hoành hành trong rừng cấm

 Vương Trọng Quốc Nhật

Vương Trọng Quốc Nhật, quê Bình Định, một trong những kẻ khai thác gỗ huỳnh đàn lậu bị bắt (Ảnh: Tiền Phong)

Qua tìm hiểu, cóp nhặt từ nhiều đối tượng ở khu vực làng Cọp và Đầm cây quế, chúng tôi bước đầu phác họa bức tranh khai thác gỗ huỳnh đàn trong khu rừng đại ngàn này.

Đám đầu nậu chiêu quân bằng cách khuyến khích những ai tìm được người mới, cứ có thêm 1 người được trả 100.000 đồng. Đầu nậu đứng ra sắm chuyến, cứ 5 người lập thành 1 tổ, mỗi tổ gồm 1 cưa tay, 2 rìu và 2 dao phát.

Mỗi người chuẩn bị lương thực 6 ngày đi rừng gồm gạo lương khô, thịt khô, xoong nồi, số tiền sắm chuyến của 1 người 250.000 – 300.000 đồng. Khoảng 50-80 người thành lập một “hội”, mỗi hội có một người dẫn đường.

Người dẫn đường vừa thông thuộc địa bàn, vừa biết “mua đường” để đưa quân đi về an toàn. Sau khi lấy được hàng về, mỗi quân đóng góp 100.000 đồng cho người dẫn đường.

Từ Đầm cây quế mất một ngày đi bộ mới tới khu vực có gỗ. Sau khi tìm được gỗ huỳnh đàn họ đẽo từng miếng một cõng về, gỗ to thì tìm cách khiêng ra, trung bình mỗi người chỉ cõng từ 25-30 kg cho mỗi chuyến.

Những ông chủ lớn chỉ nấp đằng sau và đầu tư tiền chứ không bao giờ xuất hiện. Gỗ từ Đầm cây quế được đưa về làng Cọp bằng đường bộ và từ làng Cọp về thị trấn Kom Rẫy bằng xe máy hoặc các phương tiện thô sơ khác.

Một đối tượng ở đây bật mí rằng, gỗ từ Đầm cây quế chuyển về nhà ông Soạn ở Kom Rẫy. Từ đây gỗ được chuyển về thị xã Kon Tum tập kết lại hoặc lên các loại xe chuyên dụng vào Nam ra Bắc.

Gỗ huỳnh đàn hiện có giá rất cao, mỗi m3 từ 150 triệu đến 700-800 triệu đồng, ở Kon Tum tầm 100.000 đồng. Việc mua gỗ này để làm gì cho đến nay vẫn chưa có lời giải bởi chúng được mua tất, từ gỗ khô, gỗ tươi đến rễ, cành ngọn, mua từ 1 kg cho đến lóng gỗ có đường kính trên dưới 1m.

Có người cho rằng gỗ này được xuất sang Trung Quốc để ướp xác, số khác lại cho không đúng, nếu mua lấy bột thì tại sao gỗ đường kính càng lớn giá càng cao?

Con đường gỗ lậu từ Đăk Pne về Kon Tum trùng với con đường khai thác gỗ lậu mà nhiều doanh nghiệp ở Kon Tum đã “dính đòn” trong vụ án khai thác gỗ lậu ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh năm 2003.

Cũng với thủ đoạn khai thác gỗ ở rừng Gia Lai vận chuyển qua địa phận Kon Tum rồi đưa đi tiêu thụ, song việc khai thác gỗ huỳnh đàn đến nay vẫn thiếu sự phối hợp quản lý bảo vệ của ngành chức năng 2 tỉnh này.

Phía Gia Lai có gỗ dù tích cực quản lý, bảo vệ đến mấy vẫn không thể làm được bởi mảng sườn rất lớn của họ sát Kon Tum để lộ ra, cơ quan chức năng ở Kon Tum không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu, lâm tặc sẽ mặc sức tung hoành.

* Hùynh đàn (gỗ sưa – Dalbergia tonkinensis) được pháp luật bảo vệ trong Nghị Định 32/2006 NĐ-CP, nhóm IA, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.