Cá heo tỏ tình

ThienNhien.Net – Đối với đàn ông, những bó hoa và sô-cô-la thường được dùng để tán tỉnh phái nữ. Tuy nhiên với những chú cá heo đực, một chùm cỏ biển tỏ ra hữu ích hơn.

Một nghiên cứu gần đây cho rằng cá heo đực thích mang các mẩu cây và cành con để tạo ấn tượng với con cái hơn lối cư xử vui đùa như người ta vẫn từng giả thiết trước đó. Đồ vật được mang đến như một cách bày bỏ tình cảm rất hiếm thấy ở giới động vật – điều mà từ trước tới nay vốn chỉ thấy ở con người và vượn.

Thói quen này đã được quan sát trong các quần thể cá heo riêng biệt trên các con sông Brazin, Venezuela và Bolovia. Các nhà khoa học cho rằng điều này đã được di truyền qua nhiều thế hệ và tiến hóa theo những hướng khác nhau trong các quần thể khác nhau.

Khám phá này có thể cung cấp chứng cứ về sự tồn tại của văn hóa cá heo – từng được cho là không mang tính di truyền. Đến nay, văn hóa vẫn được nhìn nhận như một đặc tính khó diễn tả của con người và không có ở các loài khác. Liệu trong thế giới cá heo có văn hóa cư xử hay không, đó vẫn còn là điều tranh cãi.

TS. Tony Martin thuộc Ban nghiên cứu Nam Cực của Anh và TS. Vera da Silva, thuộc Viện nghiên cứu Amazon của Brazil đã tiến hành nghiên cứu 6.026 nhóm cá heo ở Mamiraua – một khu bảo tồn rừng ngập mặn ở Brazil. Kết quả cho thấy cứ 221 nhóm nghiên cứu thì có ít nhất một nhóm dùng một vật như cỏ dại, một cái que hay một miếng đất sét để biểu lộ tình cảm. Các nhóm này thường có cả những con cái trưởng thành, và những kẻ mang vật tỏ tình đến gần thường là các con đực trưởng thành.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu việc làm này chỉ đơn thuần là một kiểu đùa giỡn thì các con cái và các con non cũng sẽ tham gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải như vậy. Để khẳng định lại giả thuyết này, họ cũng tiến hành phân tích DNA các mẫu mô được lấy từ các con trưởng thành và con non.

Loài cá heo Bottlenose sống trong vùng vịnh Cá Mập, Tây Úc, biết giữ bọt biển (thoát ra từ đáy biển) ở trên mõm của chúng để bảo vệ bản thân khi sục sạo đáy biển tìm mồi. Đây là trường hợp duy nhất được biết đến về khả năng sử dụng công cụ của những loài thú sống ở biển, cũng là một bằng chứng cho thấy tồn tại văn hóa ở loài cá heo.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Michael Krutzen thuộc Đại học Zurich của Thụy Si nói: “Tôi chắc chắn hành động này là sự học hỏi mang tính xã hội – ta cũng có thể gọi đó là văn hóa của cá heo”.