Nước đã cạn

Trên một hành tinh ngày càng nóng hơn và khô hơn, các chính phủ đang cố tình phớt lờ một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra: cạn kiệt nguồn nước.

Một nghiên cứu năm 2017 ước tính để theo kịp nhu cầu lương thực toàn cầu, sản lượng cây trồng cần tăng ít nhất 50% vào năm 2050. Về nguyên tắc, nếu không có gì thay đổi thì điều này là khả thi, chủ yếu nhờ vào những cải tiến trong kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Nhưng thực tế có vẻ không như vậy. Ngay cả khi chúng ta gạt sang một bên tất cả các vấn đề khác như tác động của nhiệt độ, suy thoái đất, dịch bệnh thực vật gia tăng do mất đa dạng di truyền thì vẫn có một vấn đề mà kể cả không có liên quan bất kỳ nguyên nhân nào khác cũng có thể khiến con người trên trái đất không có đủ lương thực. Đó là Nước.

Một bài báo khoa học cũng xuất bản năm 2017 ước tính rằng để sản lượng cây trồng đáp ứng được nhu cầu dự kiến, lượng nước sử dụng cho tưới tiêu sẽ phải tăng 146% vào giữa thế kỷ này. Nhưng nước đã cạn.

Trồng hạnh nhân cần rất nhiều nước nhưng lượng nước tưới được sử dụng ở California để trồng cây thức ăn cho gia súc còn nhiều gấp đôi. Trong ảnh là một vườn hạnh nhân ở California. Nguồn: Justin Sullivan/Getty Images

Nhìn chung, những khu vực khô hạn trên thế giới đang trở nên khô hơn, một phần do lượng mưa giảm, một phần do dòng chảy sông ít dần khi băng và tuyết trên núi rút đi, và một phần do nhiệt độ tăng cao làm tăng lượng bốc hơi và thoát hơi nước của thực vật. Nhiều khu vực trồng trọt lớn trên thế giới hiện đang bị đe dọa bởi “hạn chớp nhoáng”, nghĩa là thời tiết nóng và khô hút độ ẩm từ đất với tốc độ đáng sợ. Một số nơi, chẳng hạn như phía Tây Nam nước Mỹ, hiện đang ở năm hạn hán thứ 24, có thể đã vĩnh viễn chuyển sang trạng thái khô hạn hơn. Các con sông không thể đổ ra biển, hồ và tầng ngậm nước đang bị thu hẹp. Các loài sống ở môi trường nước ngọt đang bị tuyệt chủng với tỷ lệ gấp khoảng 5 lần so với các loài sống trên đất liền. Còn các thành phố lớn đang bị đe dọa bởi tình trạng căng thẳng cực độ về nước.

Hiện tại, sản xuất nông nghiệp sử dụng 90% lượng nước ngọt trên thế giới. Chúng ta đã bơm ra khỏi mặt đất quá nhiều đến nỗi làm thay đổi vòng quay của trái đất. Đơn giản là lượng nước cần thiết để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng không tồn tại.

Bài báo năm 2017 đó lẽ ra phải khiến mọi người phải xôn xao. Nhưng như thường lệ, nó đã bị các nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông phớt lờ. Chỉ khi vấn đề xảy ra ở châu Âu, chúng ta mới thừa nhận rằng đang có khủng hoảng.

Mặc dù hạn hán đã gây ra các cuộc biểu tình ở Tây Ban Nha, đây vẫn chưa phải là điểm bùng phát nguy hiểm nhất. Lưu vực sông Indus được chia sẻ bởi ba cường quốc hạt nhân – Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc – và một số khu vực rất bất ổn và bị chia cắt vốn đang phải gánh chịu nạn đói nghèo cùng cực. Ngày nay, 95% dòng chảy mùa khô của con sông này được khai thác, chủ yếu để tưới tiêu. Nhưng nhu cầu nước ở cả Pakistan và Ấn Độ đang tăng nhanh. Nguồn cung nước – được tăng lên tạm thời nhờ sự tan chảy của các sông băng ở dãy Himalaya và Hindu Kush – sẽ sớm đạt đỉnh và sau đó suy giảm.

Ngay cả trong kịch bản khí hậu lạc quan nhất, dòng chảy từ các dòng sông băng châu Á dự kiến sẽ đạt đỉnh trước giữa thế kỷ và khối lượng sông băng sẽ giảm khoảng 46% vào năm 2100. Một số nhà phân tích coi sự cạnh tranh về nước giữa Ấn Độ và Pakistan là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc xung đột lặp đi lặp lại ở Kashmir. Nhưng trừ khi một hiệp ước mới về quản lý và sử dụng nước nước sông Indus được ký kết, trong đó có tính đến nguồn cung đang sụt giảm, bằng không cuộc giao tranh này có thể chỉ là khúc dạo đầu cho những sự kiện tồi tệ hơn nhiều.

Có niềm tin cho rằng vấn đề cạn nước có thể được giải quyết đơn giản bằng cách nâng cao hiệu quả tưới tiêu bởi có một lượng lớn nước đang bị lãng phí trong nông nghiệp. Tuy nhiên, có một nghịch lý hiệu quả tưới tiêu là khi các kỹ thuật tốt hơn đảm bảo cần ít nước hơn để trồng một lượng cây trồng nhất định thì việc tưới tiêu sẽ trở nên rẻ hơn. Kết quả là nó thu hút nhiều đầu tư hơn, khuyến khích nông dân trồng các loại cây cần nhiều năng lượng hơn, sinh lời nhiều hơn và mở rộng diện tích trồng hơn. Đây là những gì đã xảy ra ở lưu vực sông Guadiana ở Tây Ban Nha, nơi khoản đầu tư 600 triệu Euro nhằm giảm lượng nước sử dụng bằng cách cải thiện hiệu quả tưới tiêu nhưng trên thực tế lại làm tăng lượng nước được sử dụng.

Có ý kiến cho rằng có thể khắc phục nghịch lý này thông qua quy định: luật hạn chế cả tổng lượng nước tiêu thụ và lượng nước tiêu thụ riêng lẻ. Nhưng các chính phủ thích chỉ dựa vào công nghệ hơn. Nếu không có các biện pháp chính trị và kinh tế thì các giải pháp công nghệ cũng không có tác dụng.

Những giải pháp khắc phục bằng công nghệ khác cũng không thể giải quyết được vấn đề. Các chính phủ đang lên kế hoạch cho các kế hoạch kỹ thuật lớn để dẫn nước từ nơi này đến nơi khác. Nhưng biến cố khí hậu và nhu cầu ngày càng tăng khiến nhiều khu vực là nguồn cung nước  cũng có khả năng cạn kiệt. Nước từ các nhà máy khử muối thường đắt gấp 5 hoặc 10 lần nước từ mặt đất hoặc trên bầu trời trong khi quá trình khử muối đòi hỏi rất nhiều năng lượng và tạo ra một lượng lớn nước muối độc hại.

Trên hết, chúng ta cần thay đổi chế độ ăn uống. Những người có nhiều lựa chọn về chế độ ăn uống (một nửa dân số giàu hơn của thế giới) nên tìm cách giảm thiểu lượng nước trong thực phẩm, trong đó có thể cân nhắc chuyển sang chế độ ăn không có động vật nhằm giảm tổng nhu cầu về cây trồng và giảm lượng nước sử dụng. Điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ qua cho tất cả các sản phẩm thực vật bởi nhiều loại cây trồng cũng đòi hỏi nhiều nước khi sử dụng, ví dụ như hạnh nhân và quả hồ trăn (dẻ cười). Nghề làm vườn cũng tạo ra nhu cầu lớn về nguồn cung cấp nước. Do đó, ngay cả trong chế độ ăn dựa trên thực vật, chúng ta cũng nên chuyển từ một số loại ngũ cốc, rau và trái cây sang những loại khác. Chính phủ và các nhà bán lẻ nên hỗ trợ điều này bằng việc đề ra các quy định chặt chẽ hơn và yêu cầu ghi nhãn với đầy đủ thông tin. Dù gì thực phẩm và nông nghiệp vẫn là những đối tượng quan trọng trong giải pháp giảm sử dụng nước toàn cầu.

PV (Nguồn: The Guardian)

Nguồn: