Cơn khát trên bờ sông Dương Tử

Ô nhiễm công nghiệp đang làm cho nước sông Dương Tử không thể sử dụng được nhưng các tỉnh đang tìm mọi cách để phục hồi dòng sông.

Lưu vực sông Dương Tử thường được cho là có nhiều nước. Là trong những “mẫu hà” của Trung Quốc, sông Dương Tử chiếm hơn 1/3 lượng nước chảy trên các con sông nước này.

Nhưng báo cáo mới nhất của tổ chức China Water Risk cho thấy các tỉnh mà Dương Tử chảy qua đang phải đối mặt với căng thẳng về nước, đặc biệt là vùng hạ nguồn.

Báo cáo cho thấy 6/11 tỉnh thuộc vành đai kinh tế sông Dương Tử, 1/3 dân số và GDP của Trung Quốc gặp căng thẳng về nước.

Theo số liệu từ Viện Tài nguyên Thế giới được trích dẫn trong báo cáo, Thượng Hải và Giang Tô đang phải đối mặt với căng thẳng nước ở mức “cực kỳ cao”, trong đó nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tiêu thụ ít nhất 90% lượng nước sử dụng trong một năm.

Thiếu nước ở lưu vực sông Dương Tử là hệ lụy của việc quá tập trung vào phát triển. (Ảnh: Alamy)

Bốn tỉnh khác – An Huy, Chiết Giang, Hồ Bắc và Tứ Xuyên – đang phải đối mặt với mức độ căng thẳng “cao” về nước, tiêu thụ ít nhất 40% lượng nước sử dụng cho trung bình một năm.

Các tỉnh này nằm trên sông Dương Tử và có một mạng lưới các con sông khác để dựa vào. Vậy tại sao lại căng thẳng về nước?

Theo nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ kiểm soát ô nhiễm đô thị Bành Ứng Đăng, tình trạng thiếu nước ở vành đai kinh tế sông Dương Tử chủ yếu là do ô nhiễm. Nước rất nhiều nhưng một phần đáng kể bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp và chất thải hoặc xử lý chất ô nhiễm kém.

Ở Thượng Hải, nơi căng thẳng về nước ở mức “cực kỳ cao”, tỷ lệ các bộ phận giám sát nước mặt đăng ký chất lượng nước Cấp V + (không dùng được cho bất kỳ mục đích nào) là 18% kể từ tháng 7/2017. Con số này thường dưới 6% ở vành đai kinh tế sông Dương Tử.

Vấn đề có thể là cách Thượng Hải sử dụng nước.

Theo báo cáo, công nghiệp chiếm 60% tổng lượng nước tiêu thụ của thành phố, mức cao nhất trong vành đai kinh tế sông Dương Tử và lượng nước thải theo đầu người cũng cao nhất.

Dương Tử: Từ phát triển đến bảo tồn

Ba năm trước, chính phủ Trung Quốc quyết định chuyển hướng quản lý sông Dương Tử từ phát triển sang bảo tồn. Đầu năm 2016, phát biểu tại một cuộc họp ở Trùng Khánh về sự tăng trưởng của vành đai kinh tế sông Dương Tử, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc đã kêu gọi “nỗ lực chung để bảo vệ chứ không phải phát triển”.

Các bộ ngành hiện thực hóa lời kêu gọi đó bằng các kế hoạch và mục tiêu, thiết lập giới hạn năm 2020 cho tổng lượng nước tiêu thụ trong vành đai kinh tế sông Dương Tử. Chiến lược bảo vệ môi trường được công bố đầu năm 2019 cũng đặt ra yêu cầu về chất lượng nước: đến cuối năm 2020, 85% các đoạn sông do chính quyền trung ương quản lý phải đạt chất lượng tốt (Cấp III trở lên), không quá 2% có chất lượng nước không thể sử dụng (dưới Cấp V).

Dương Tử được coi là một nguồn tài nguyên của các tỉnh nên sự phát triển dọc theo bờ sông được khuyến khích nhưng cách tiếp cận này đang được thay thế bằng các nỗ lực bảo vệ dòng sông, giải quyết ô nhiễm nước và phục hồi môi trường. Ví dụ năm 1999, Giang Tô đã công bố chiến lược bao quát cho việc “phát triển và sử dụng” đến năm 2020, được thiết kế để đảm bảo “sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên của bờ sông Dương Tử để phục vụ phát triển tỉnh trong thế kỷ mới”. Nhưng tháng 6/2019, để đáp lại lời kêu gọi bảo vệ nhiều hơn, tỉnh đã công bố kế hoạch hành động nhằm bảo vệ và phục hồi trước khi phát triển.

Nguyên nhân phức tạp

Giảm căng thẳng nước dọc theo sông Dương Tử không hề dễ dàng vì các nguyên nhân rất phức tạp. Theo một bản tin từ Ủy ban Tài nguyên nước Dương Tử, các vấn đề về chất lượng nước phát sinh chủ yếu từ phát thải công nghiệp với 52,3% lượng nước bị ô nhiễm có thể truy nguyên nguồn gốc từ ngành công nghiệp.

Tình trạng ô nhiễm công nghiệp cao nhất ở Hồ Bắc và Giang Tây. Bành Ứng Đăng phát hiện ra rằng hai tỉnh này chiếm gần 50% trong tổng số 1.300 trường hợp vi phạm chất thải nguy hại năm ngoái. Hầu hết các trường hợp này là các nhà máy hóa chất địa phương xử lý trái phép chất thải độc hại theo cách không an toàn, điều này trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến ô nhiễm nguồn nước ở hạ nguồn.

Việc sử dụng nước không hiệu quả đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Bất chấp những nỗ lực để chuyển sang một nền kinh tế dựa trên dịch vụ, Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các quốc gia phát triển, khi cả nông nghiệp và công nghiệp đều thâm dụng nước.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới từ năm 2013 cho thấy Trung Quốc tiêu tốn tới 1.340 m3 nước để làm ra 10.000 USD. Mức này tốt hơn các quốc gia khác ở mức độ phát triển tương đương, chẳng hạn như Nga và Thái Lan (lần lượt là 2.953 và 7.099 m3), nhưng vượt xa con số 367 m3 của quốc gia phát triển.

Các tỉnh dọc theo sông Dương Tử đã đặt ra các mục tiêu sử dụng nước năm 2020 nhưng như báo cáo chỉ ra, số liệu mới nhất – năm 2017 – cho thấy sẽ đạt được không mục tiêu nào.

Không thể xử lý hoàn toàn nguồn nước bị ô nhiễm cũng là một vấn đề. 6% các thành phố và thị trấn thuộc vành đai kinh tế sông Dương Tử không xử lý nước thải, mặc dù mức thải ra ngang ngửa Philippines. Tỷ lệ tái sử dụng cũng thấp khi Giang Tô là tỉnh duy nhất tái sử dụng hơn 10% lượng nước thải và 7 tỉnh tái sử dụng dưới 5%.

Sông chảy về đâu?

Trung Quốc đang xúc tiến Luật Bảo vệ sông Dương Tử, sẽ được đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm nay. Bành Ứng Đăng nói rằng điều này sẽ cung cấp sự ủng hộ về mặt lập pháp cho bảo vệ sông, tăng cường phối hợp giữa các khu vực thượng nguồn và hạ nguồn, và khuyến khích các nỗ lực tăng cường khi cần thiết. Luật cũng sẽ đưa ra các cơ chế để đảm bảo việc bảo vệ dòng sông được bền vững.

Nhưng quản lý sông Dương Tử vẫn là một thách thức. Ông Bành Ứng Đăng chỉ ra “một vài dấu hiệu tiến triển” về các mục tiêu tiêu thụ và chất lượng nước do các bộ ngành đặt ra nhưng vẫn lưu ý đến những khó khăn.

80% các mục tiêu có thể thực hiện được nhưng các tỉnh kém phát triển về cả cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý có thể cản trở những tỉnh khác. Sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Ông Bành Ứng Đăng cho rằng vấn đề lớn nhất mà vành đai kinh tế sông Dương Tử phải đối mặt là quản trị kém. Thất bại trong cơ sở hạ tầng, cả cứng và mềm, không thể được giải quyết nhưng chóng mà “những thay đổi cơ bản sẽ cần tới 5-10 năm”.

Nhật Anh (Theo chinadialogue)

Nguồn: