Phá rừng gây nguy cơ thiếu điện

ThienNhien.Net – Phá rừng có thể gián tiếp gây nguy cơ thiếu điện tại các khu vực rừng mưa nhiệt đới – nơi nguồn cung điện chủ yếu dựa vào hệ thống đập – thông qua việc làm giảm lượng mưa phục vụ hoạt động phát điện.

Đây là kết luận từ một nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) vào tháng 5/2013.

Theo nghiên cứu này, nếu nạn phá rừng tiếp diễn sẽ có thể làm giảm 1/3 sản lượng điện dự tính của một trong những dự án đập thủy điện lớn nhất thế giới tại Brazil.

Trước đó, nhóm nghiên cứu giả định rằng chặt cây rừng quanh khu vực các con đập sẽ gia tăng lưu lượng dòng chảy, kéo theo sản lượng điện tăng. Giả thuyết này được đưa ra trên cơ sở: cây trồng và cỏ cần ít nước hơn so với cây rừng, đồng thời mất ít hơi nước hơn trong quá trình bốc hơi.

Song trên thực tế cây rừng cũng thải hơi nước vào không khí, gây mưa, cung cấp nước cho các đập thủy điện. Vì thế, phá rừng càng gia tăng, lượng mưa càng giảm mạnh dẫn đến sản lượng điện cũng giảm theo.

Một góc rừng mưa bị tàn phá tại lưu vực sông Xingu, phía bắc Brazil (Ảnh: Antonio Scorza/AFP)

Để chứng minh, nhóm nghiên cứu do bà Claudia Stickler dẫn đầu đã tập trung tìm hiểu mối liên hệ giữa cây rừng và khả năng phát điện của nhà máy thủy điện Belo Monte (Brazil) trên sông Xingu, một nhánh của sông Amazon.

Thông qua mô hình điện toán mô phỏng độ che phủ đất, khí hậu và hệ thống sông ngòi, nhóm nghiên cứu tiến hành xem xét tác động của các kịch bản phá rừng lên khí hậu và dòng chảy vào thủy điện Belo Monte, từ đó tính toán được tác động của phá rừng lên sản lượng điện của nhà máy.

Các nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng chặt phá rừng trong lưu vực sông Xingu làm tăng lượng nước vào các đập. Tuy nhiên, lượng nước thu được này ít hơn nhiều so với lượng nước mất đi vì lượng mưa giảm trên toàn lưu vực Amazon.

“Nếu đến năm 2050, diện tích rừng bị mất đi tăng gấp đôi, tương đương 40% lưu vực sông Xingu bị tàn phá, thì việc suy giảm lượng mưa sẽ làm giảm 1/3 sản lượng điện của nhà máy Belo Monte so với dự tính” – bà Stickler cho hay.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cảnh báo lượng mưa ở Amazon, Trung Phi và Đông Nam Á phụ thuộc vào độ che phủ rừng trong khu vực, vì thế nạn phá rừng có thể ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng thủy điện của các quốc gia trong khu vực này.