Tăng phá rừng, giảm lượng mưa

ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature cho biết, phá rừng ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới có thể làm giảm trầm trọng lượng mưa tại nơi rừng bị phá và trên phạm vi hàng ngàn km xung quanh.

Đây có thể là mối nguy tiềm tàng cho các cộng đồng ở rừng mưa Amazon và Congo. Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Leeds và Trung tâm Sinh thái và Thủy học, nước Anh.

Phá rừng dẫn đến giảm lượng nước trong chu trình tuần hoàn tự nhiên khi nước từ đất thông qua cây cối chuyển vào không khí và biến thành nước mưa.

Khi đất rừng chuyển thành đất nông nghiệp, chu trình nước bị ảnh hưởng, khiến cho độ ẩm trong không khí giảm, kéo theo sự giảm lượng mưa.

Để theo dõi chu trình này, các nhà nghiên cứu kết hợp số liệu về thảm thực vật từ vệ tinh, đo hướng gió và lượng mưa để xác định xem sự gia tăng lượng không khí tiếp xúc với thảm thực vật có ảnh hưởng đến lượng mưa không. Mô hình nghiên cứu được ứng dụng ở rừng Amazon và lưu vực sông Congo, 2 lưu vực lớn nhất thế giới.

Nghiên cứu cho thấy, có hơn 60% không khí ở bề mặt khu vực nhiệt đới lưu thông qua thảm thực vật dày trong vài ngày thì có khả năng gây mưa nhiều hơn ít nhất 2 lần so với lượng không khí thổi qua diện tích có ít thực vật hơn.

Phá rừng là một trong những nguyên nhân gây ấm lên toàn cầu (Ảnh: greeningforward)

Theo đó, các tác giả ước tính rằng vào năm 2050, lượng mưa ở khu vực Amazon sẽ giảm 12% vào mùa mưa và 21% vào mùa khô nếu tình trạng phá rừng ở khu vực này diễn ra như hiện nay. Thậm chí, suy giảm lượng mưa có thể ảnh hưởng đến lưu vực sông Río de la Plata, cách xa hàng ngàn km về phía Nam rừng Amazon thuộc Brazil, phía Bắc Argentina, Paraguay và Uruguay.

Dominick Spracklen, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: nghiên cứu này chứng tỏ rằng phá rừng ở Amazon và Congo sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các cư dân cách khu vực rừng bị phá hàng ngàn km – tức là ở các quốc gia lân cận.

Marcos Heil Costa, trưởng nhóm nghiên cứu Sinh – Khí quyển thuộc Đại học Viçosa, Brazil cho biết, các mô hình khí hậu hoạt động trong 20 năm qua đã không ngừng dự đoán về sự tàn phá rừng trên diện rộng sẽ làm suy giảm lượng mưa nhưng tính chính xác của những dự đoán này còn chưa rõ cho đến nay.