Phát triển các khu công nghiệp Hải Phòng: Những vấn đề đặt ra – Bài cuối

ThienNhien.Net – Một số KCN trên địa bàn TP Hải Phòng đang có những bất cập lớn về mô hình phát triển và tổ chức bộ máy. Nếu không được giải quyết dứt điểm, đây sẽ là những “rào cản” cho sự phát triển KCN nói chung và ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của thành phố. Vấn đề xử lý môi trường trong các khu, cụm công nghiệp chưa được như mong muốn.

Vướng mắc về mô hình

Trước đây, một số đối tác tham gia công ty liên doanh là doanh nghiệp nhà nước. Song, các doanh nghiệp này không đủ năng lực quản lý và trên thực tế vốn góp trong các công ty liên doanh không phải vốn của doanh nghiệp (vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất của Hải Phòng) nên sau khi tham gia liên doanh không phát huy được hiệu quả, không khẳng định vai trò là một bên liên doanh.

Sau khi cổ phần hóa, việc tham gia quản lý của bên liên doanh phía Việt Nam càng lỏng lẻo hơn. Đó là trường hợp Công ty liên doanh phát triển KCN Đồ Sơn. Trước đây, phía Việt Nam tham gia công ty liên doanh là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng, sau chuyển giao Công ty Công trình công cộng và dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, do bên liên doanh phía nước ngoài không hợp tác, nên thực tế từ năm 2009, thành phố không có tổ chức nào phía Việt Nam tham gia công ty liên doanh. Việc cử cán bộ đại diện cho phía Việt Nam tham gia công ty liên doanh gặp nhiều khó khăn, không phát huy vai trò đại diện trong ban lãnh đạo công ty.

Đến nay, công ty liên doanh vẫn chỉ có một người Việt Nam làm Phó tổng giám đốc công ty là ông Vũ Trụ Tía. Công ty cũng không đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Theo Phó trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng Mai Xuân Hòa, đến nay, phía đối tác nước ngoài mới góp vốn  được 2,7 triệu USD, bằng 15% tổng vốn pháp định. Trong khi đó, phía Việt Nam đóng góp bằng quyền sử dụng đất và phần hạ tầng đang xây dựng dở dang, giá trị khoảng 5,3 triệu USD, tương đương 70% vốn điều lệ. Song, phía Việt Namchưa khẳng định được vai trò lãnh đạo trong công ty, mọi quyết định đều lệ thuộc vào phía nước ngoài. Về phía đối tác nước ngoài, trước đây đăng ký tham gia liên doanh là Asia Glorious Development limited, nay thay đổi sang Tập đoàn Hang Tung nhưng cũng chưa làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Những vướng mắc trên chưa được giải quyết dứt điểm cũng là nguyên nhân khiến KCN hoạt động kém hiệu quả.

KCN Nam Cầu Kiền có một thời gian các chủ đầu tư tự chuyển nhượng phần vốn góp, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến tiến độ thu hút đầu tư.

Một góc khu công nghiệp Đồ Sơn
Một góc khu công nghiệp Đồ Sơn

Xử lý môi trường chưa đồng bộ

Trong số các KCN đang hoạt động, chỉ có KCN Nomura- Hải Phòng xây dựng nhà máy xử lý nước thải sớm nhất, đồng bộ với xây dựng hạ tầng KCN. Các KCN Đình Vũ, Đồ Sơn đều mới hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong vài năm gần đây. KCN Nam Cầu Kiền đang hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải vào đúng thời điểm khủng hoảng tài chính- kinh tế toàn cầu xảy ra cùng với những bất ổn của chủ đầu tư về vốn và  chuyển giao bộ máy nên đến nay, nhà máy vẫn dở dang. KCN Tràng Duệ mới bắt đầu triển khai; KCN An Dương chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Chỉ có KCN VSIP xây dựng kịp thời các trạm xử lý nước thải công suất nhỏ phục vụ các nhà đầu tư hiện đại. KCN đang tích cực xây dựng nhà máy xử lý nước thải hiện đại công suất 4.500 m3/ ngày, đêm, dự kiến cuối năm 2013 đi vào hoạt động.

Cùng với việc chậm xây dựng nhà máy xử lý nước thải, việc xử lý môi trường trong các KCN chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập. Một số doanh nghiệp thứ cấp chậm trễ trong việc đăng ký nguồn thải nguy hại, xử lý rác thải rắn và rác thải công nghiệp. Ngay cả trong các KCN có nhà máy xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn, vẫn có những vi phạm về môi trường mà đoàn kiểm tra liên ngành phải đề nghị xử phạt. Một số KCN chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, diện tích cây xanh còn thấp. Việc quan trắc nước và khí thải không phải lúc nào cũng thực hiện tốt. Các KCN cũng còn những bất cập khác như thiếu các dự án xây dựng nhà ở cho người lao động, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động, việc bảo đảm an toàn, vệ sinh công nghiệp tại một số doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Một số doanh nghiệp có độ nóng và tiếng ồn cao nhưng chưa đề nghị ngành chức năng đo nồng độ và áp dụng các biện pháp giảm nguy hại về sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Những bất cập này làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Để các KCN, KKT phát triển bền vững trong thời gian tới, thành phố và các ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp để môi trường đầu tư, cạnh tranh lành mạnh và vai trò quản lý nhà nước hiệu quả hơn.