Thương hiệu biển Việt Nam: Gắn với tiếp thị địa phương

ThienNhien.Net – Biển là hình ảnh tiêu biểu của Tổ quốc. Vì vậy, phải xây dựng thương hiệu quốc gia biển Việt Nam cùng với thương hiệu các ngành, lĩnh vực, địa phương, địa danh và vùng biển Việt Nam như là công cụ để liên kết tiềm năng, khai thác lợi thế của các vùng biển…

Đây là một trong các vấn đề được các diễn giả thảo luận tại tọa đàm “Thương hiệu biển Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức ngày 12/6.

Một bãi biển ở Đà Nẵng (Ảnh: ThienNhien.Net)
Một bãi biển ở Đà Nẵng (Ảnh: ThienNhien.Net)

Công cụ xây dựng hình ảnh quốc gia 

Việt Nam là quốc gia với “rừng vàng, biển bạc”. Tiềm năng tài nguyên vùng biển và ven biển Việt Nam phong phú và đa dạng, nổi bật là dầu khí (trữ lượng khoảng 3-4 tỉ tấn dầu quy đổi), nguồn lợi thủy sản (trữ lượng khoảng 3-4 triệu tấn); các hệ sinh thái biển, ven biển; băng cháy và các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm, vật liệu xây dựng; dọc bờ biển có trên 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, trong đó, có những địa điểm xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; nhiều đảo có tiềm năng phát triển mạnh về kinh tế; hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ với cảnh quan đẹp có điều kiện tốt để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch.

Vùng biển Việt Nam còn có vị trí địa lý kinh tế đặc biệt quan trọng, là điểm nhấn trên đường hàng hải quốc tế, cầu nối thương mại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tiềm năng lợi thế kinh tế vùng biển, ven biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Quảng bá thương hiệu biển Việt Nam cũng đồng nghĩa với quảng bá hình ảnh quốc gia biển Việt Nam.

“Tuy nhiên để khai thác, sử dụng hiệu quả và quản lý tốt tiềm năng, lợi thế tài nguyên vùng biển và ven biển, đồng thời quảng bá phát triển thương hiệu biển Việt Nam đang là vấn đề đòi hỏi đặt ra cho chúng ta.”- ông Hoàng Duy Đông- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo- cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: “Công tác xây dựng quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu vùng miền, thương hiệu biển đã có sự phát triển tích cực. Song trên thực tế, những biện pháp cụ thể mang lại vẫn còn nhiều hạn chế, mới là bước đi đầu tiên, kể cả trong việc hoàn thiện khung pháp luật và triển khai”.

Gắn với tiếp thị địa phương

Mặc dù, biển Việt Nam được đánh giá rất đẹp. Tuy nhiên theo thống kê của Tổng cục Du lịch, số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2012 đạt hơn 6,8 triệu lượt, số khách sử dụng dịch vụ không nhiều và có mức chi trả thấp. Trong khi đó, có khoảng 3,5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Nơi khách Việt đi nước ngoài nhiều nhất là Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan. Ước tính chi tiêu cho việc du lịch nước ngoài của khách Việt đạt con số hơn 3,5 tỉ USD. Điều này chứng tỏ, thương hiệu biển của Việt Nam vẫn chưa phát huy được tiềm năng của mình.

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ gắn với biển, lợi thế về cảnh quan, tài nguyên không nhiều như Singapore, Hồng Kông, Thái lan, Thẩm Quyến…, nhưng nhờ quảng bá tốt hình ảnh, biết liên kết những thế mạnh của mình với vùng lãnh thổ và quốc gia khác mà chiếm lĩnh được một thị trường rộng lớn.

Chiến lược biển Việt Nam đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP của cả nước…

Vì thế, theo ông Phạm Quang Mỵ, Phó chánh văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong quá trình xây dựng thương hiệu biển phải đặc biệt chú ý đến thương hiệu địa phương, địa danh, vùng miền. Chính sự hợp tác đó sẽ đem lại lợi ích to lớn, tạo nên những thương hiệu “dùng chung” vượt ra khỏi biên giới địa phương để trở thành những dấu ấn của vùng và tạo nên thương hiệu vùng.

“Để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo và phát triển thành công thương hiệu biển Việt Nam, Nhà nước phải có một cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp và đồng bộ cùng với nguồn lực đầu tư đúng hướng, đủ mạnh”- ông Hoàng Duy Đông- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo nhấn mạnh.