Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài: Rủi ro nằm ở việc không tuân thủ

ThienNhien.Net – Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đang tiến những bước dài trên con đường phát triển, đặc biệt là trong một vài năm gần đây khi xu hướng hội nhập gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là những thách thức, rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt, trong đó rủi ro nội tại liên quan đến việc doanh nghiệp thiếu tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại quốc gia tiếp nhận đầu tư chiếm một phần không nhỏ.

Tín hiệu khả quan

Theo báo cáo về tình hình đầu tư thế giới của Liên hợp quốc, trong những năm gần đây, tổng số vốn và dự án đầu tư ra nước ngoài của các nước đang phát triển tăng mạnh so với các nhóm quốc gia khác. Bằng chứng là từ năm 2000 đến 2014, đầu tư ra nước ngoài của khối các nước đang phát triển liên tục tăng với tốc độ cao, riêng năm 2014 đạt gần 450 tỷ USD, chiếm 33% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài trên toàn thế giới. Với việc tham gia WTO từ năm 2006 và hiện đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ hội nhập mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong năm 2015, Việt Nam đã ký kết và kết thúc đàm phán một số hiệp định thương mại rất quan trọng, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu và cùng các nước trong khối thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Có thể nói 2015 là năm hội tụ các kết quả đàm phán của Việt Nam.

Song hành với xu hướng hội nhập và đầu tư của thế giới, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng đạt được kết quả đáng kể. Tính đến cuối tháng 11/2015, Việt Nam đã đầu tư ra 68 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký mới và đăng ký tăng thêm trên 20 tỷ USD, trong đó các lĩnh vực dẫn đầu là khai khoáng với hơn 9,3 tỷ USD; nông lâm thủy sản 3,19 tỷ USD; sản xuất và phân phối điện, khí đốt trên 2,1 tỷ USD…270416_dautu2

Riêng khu vực ASEAN, tính đến tháng 9/2015, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang 9 quốc gia với 524 dự án và tổng vốn đăng ký 10,38 tỷ USD, chiếm 50,3% số dự án và 51,3% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Các dự án này phần lớn tập trung vào các lĩnh vực nông lâm nghiệp, năng lượng, khai khoáng, bất động sản, tài chính, ngân hàng, viễn thông, chế tạo… Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và có nhiều tiềm năng hợp tác với các nước trong khu vực.

Về địa bàn đầu tư, hiện có 4 quốc gia ASEAN nằm trong danh sách 10 quốc gia có hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp Việt Nam, gồm: Lào, Campuchia, Malaysia và Myanmar. Trong đó, dẫn đầu là Lào với 265 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 4,97 tỷ USD (chiếm 50,5% tổng số dự án và 48% tổng vốn đầu tư đăng ký). Đứng thứ hai là Campuchia với 179 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, chiếm 34,1% tổng số dự án và 35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Malaysia xếp thứ ba với 12 dự án và 1,22 tỷ USD vốn đăng ký. Myanmar xếp thứ tư với 43 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 474 triệu USD. Các thứ tự còn lại lần lượt là Singapore, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Philippines. Điều này cho thấy các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông gồm Lào, Campuchia, Thái lan và Myanma là những địa bàn đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam trong  hoạt  động  đầu tư ra nước ngoài.270416_dautu1

Rủi ro từ việc không tuân thủ

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, song các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít rủi ro, thách thức, xuất phát chủ yếu từ nội tại doanh nghiệp, cụ thể là việc doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ các quy định của đất nước sở tại, đặc biệt là các quy định về bảo vệ môi trường, bao gồm báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư.

Theo Luật Đầu tư năm 2014 của Việt Nam (thay thế Luật Đầu tư năm 2005), các doanh nghiệp hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư và các quy định liên quan khác, đồng thời tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra, Nghị định số 83/2015 của Chính phủ cùng Thông tư số 09/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đầu tư ra nước ngoài cũng nêu rõ cơ chế quản lý, giám sát, công bố thông tin mà các doanh nghiệp trong nước có hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện.

Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp Việt nam đầu tư ra nước ngoài đều phối hợp tốt với chính quyền địa phương và tham gia tích cực các hoạt động hỗ trợ cộng đồng như: xây dựng trường học, bệnh viện, đường sá, nhà tái định cư cho người dân vùng dự án, góp phần phát triển kinh tế – xã hội quốc gia tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là tại Lào và Campuchia. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ đầy đủ các quy định về cấp phép, đặc biệt là các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung báo cáo đánh giá môi trường, xã hội của các dự án đầu tư. Điều này khiến hoạt động của một số doanh nghiệp không được cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội dân sự ở quốc gia tiếp nhận đầu tư đón nhận, thậm chí còn vấp phải sự phản đối quyết liệt[1].

Tại một diễn đàn của khu vực Mê Kông được tổ chức năm 2015 tại Lào, một cán bộ của Viện Khoa học Xã hội Lào đã tỏ ra rất quan ngại trước những tác động tiêu cực của hội nhập, phát triển cũng như hoạt động đầu tư nước ngoài tại Lào nói riêng và các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông nói chung đến môi trường tự nhiên và xã hội của quốc gia sở tại. Không chỉ vậy, các hoạt động đầu tư còn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Với trường hợp ở Campuchia, khi đánh giá về tác động của hoạt động đầu tư nước ngoài đến môi trường tự nhiên và xã hội ở tỉnh Ratanakiri – nơi tập trung khá nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Meach Mean, người sáng lập Mạng lưới bảo vệ ba sông Sê Kông, Sêrêpốk, Sê San (3S River Protection Network – 3SPN) của Campuchia tỏ ra đặc biệt lo lắng[2]. Ông cho biết ở Campuchia, các nhà đầu tư có thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, song quá trình thực hiện còn nhiều bất cập. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát một phần từ việc chính phủ Campuchia cấp giấy phép cho các nhà đầu tư trước khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dẫn đến tình trạng một số công ty hoạt động trước rồi mới đánh giá tác động môi trường sau. Thêm nữa, mặc dù có quy định các công ty phải tuân thủ quy trình cấp phép nhưng triển khai trên thực tế lại chưa tốt, nhiều khi thiếu đánh giá, khảo sát và thông báo trước cho người dân bản địa nên dễ gây hiểu lầm, xung đột. Ông Meach Mean khuyến nghị thay vì chỉ đàm phán với các nhà quản lý cấp cao, các công ty nên mở rộng hợp tác, trao đổi với cộng đồng và các tổ chức xã hội để các bên thấu hiểu nhau hơn, góp phần xóa bỏ khoảng cách giữa cộng đồng và doanh nghiệp.

Có thể nói, với sứ mệnh “đem chuông đi đánh xứ người”, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài không chỉ phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài mà phải chấp hành nhiêm quy định của quốc gia sở tại cũng như các cam kết, thỏa thuận quốc tế mà Việt nam ký kết. Ngoài ra, cần tìm hiểu, tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của nước bạn, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng và các tổ chức xã hội địa phương trong việc thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án thâm dụng tài nguyên và dễ tác động tiêu cực đến môi trường như: khai khoáng, thủy điện, nông lâm nghiệp… Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ ngoài mục tiêu lợi nhuận, cần nỗ lực xây dựng giá trị, thương hiệu, đề cao trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam thân thiện, hợp tác, hữu nghị và phát triển.

Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài


[1] http://antt.vn/tap-doan-hoang-anh-gia-lai-bi-cao-buoc-chiem-dung-dat-tai-campuchia-0117137.html

[2] http://vov1.vov.vn/moi-truong-phat-trien/dau-tu-cac-du-an-nong-lam-nghiem-tai-campuchia-tiem-nang-va-thach-thuc-31122015-c21-22665.aspx

Nguồn:
MT&ĐS