Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Campuchia

ThienNhien.Net – Tính đến tháng 10/2013, có 126 dự án đầu tư Việt Nam cấp phép đâu tư vào Campuchia còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 3,023 tỷ USD.

Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) cho biết, theo thống kê tại Việt Nam trong năm 2013 có khoảng 16 dự án được cấp phép đầu tư sang Campuchia với tổng giá trị trên 360 triệu USD.

Tính đến thời điểm 30/10/2013, có khoảng 126 dự án đầu tư vào Campuchia được Việt Nam cấp phép còn hiệu lực (trong tổng số 137 dự án được cấp phép đầu tư), với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 3,023 tỷ USD (tính cả dự án thủy điện Hạ Sesan II của EVNI đăng ký đầu tư ra nước ngoài 806,4 triệu USD, đến nay chưa thực hiện giảm vốn, dự kiến còn khoảng 20 triệu USD), đứng vị trí thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

Trồng cao su là một trong nhiều lĩnh vực Việt Nam đầu tư tại Campuchia (Ảnh: Báo Công Thương)
Trồng cao su là một trong nhiều lĩnh vực Việt Nam đầu tư tại Campuchia (Ảnh: Báo Công Thương)

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIC, đánh giá: “Tính đến hết năm 2013, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam vào Campuchia đã gấp gần 6 lần về tổng vốn đầu tư và trên 3 lần về số lượng dự án so với trước năm 2010”.

Đến thời điểm hiện tại, tổng vốn FDI thực hiện của Việt Nam tại Campuchia đạt khoảng trên 1,2 tỷ USD, đạt 40% vốn đầu tư đăng ký, đã có trên 50 dự án của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

Các dự án Việt Nam đầu tư vào Campuchia chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, hàng không, tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, trồng cây cao su và cây công nghiệp, năng lượng, y tế và một số dự án nhỏ trong lĩnh vực vận tải kho bãi, thương mại, dịch vụ- điện tử…

Ông Trần Bắc Hà dẫn ví dụ: Tổng vốn đầu tư tập trung chủ yếu tại Thủ đô Phnompenh (Tài chính- Ngân hàng, y tế) và các tỉnh Đông Bắc giáp biên giới Việt Nam-Campuchia như: Rattanakiri, Mondolkiri (trồng cây cao su và cây công nghiệp, khai khoáng), StưngTreng (thủy điện), Kandal (Nhà máy sản xuất phân bón NPK), Kratie (Dự án mía đường)…

Theo đánh giá của AVIC, các dự án của Việt Nam đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả đã góp phần tăng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế Campuchia; tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động, tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống xã hội; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục cho người dân Campuchia; qua đó góp phần cải thiện môi trường và cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế địa phương, nâng cao trình độ nhân lực và đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển các ngành công-nông nghiệp, năng lượng của Campuchia, đồng thời góp phần nâng cao hợp tác kinh tế và từng bước nâng tầm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Các dự án của Việt Nam đã đầu tư đảm bảo theo đúng định hướng chỉ đạo của của hai Thủ tướng Chính phủ hai nước tập trung vào các khu vực dọc biên giới hai nước, gắn hiệu quả đầu tư với đảm bảo an ninh quốc phòng và hỗ trợ người nghèo tại Campuchia. Ngoài các hiệu quả kinh tế- xã hội, các dự án còn góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng biên giới giữa hai quốc gia.

Còn về hiệu quả kinh tế, AVIC đánh giá: Mặc dù nền kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng dòng vốn đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tiếp tục tăng mạnh mẽ về số lượng dự án, tổng vốn đầu tư. Doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thực hiện dự án quyết liệt, đúng tiến độ cam kết, đưa vào vận hành dự án hiệu quả góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nền kinh tế của Campuchia, tăng thu ngân sách Chính phủ, góp phần trực tiếp vào tăng trưởng GDP và phát triển kinh tế Campuchia.