Đầu tư giảm nhẹ rủi ro không phải chi phí mà là cơ hội

ThienNhien.Net – Điều này được khẳng định trong Báo cáo Đánh giá toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thảm họa năm 2013 (GAR13) mang tên “Từ rủi ro chung đến Giá trị chung: Luận chứng cho giảm nhẹ rủi ro thảm họa” của Ban Thư ký Liên Hợp quốc về Giảm nhẹ rủi ro thảm họa (UNISDR). Báo cáo ngoài việc đánh giá rủi ro của xu hướng đầu tư vào các vùng có nhiều thảm họa, còn tập trung phân tích nguyên nhân vì sao sự gia tăng rủi ro thảm họa là một vấn đề ngày càng lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Rủi ro không chừa ai

Nếu Báo cáo GAR11 cách đây 2 năm đi vào những rủi ro thảm họa liên quan đến con người và tài sản nói chung, Báo cáo năm nay lại nhấn mạnh tính rủi ro thảm họa đối với cộng đồng doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau.

Ảnh: Defend Jehovah’s Witnesses

Báo cáo cho hay rủi ro không dừng lại ở cánh cổng nhà máy, nói cách khác thảm họa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn tác động tới doanh nghiệp thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng, đô thị mà các doanh nghiệp này phụ thuộc.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa mở rộng, ngay cả các doanh nghiệp ở khu vực an toàn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những thảm họa mà các nhà cung ứng và đối tác của họ ở một vùng trời khác phải hứng chịu.

Quy mô của doanh nghiệp có thể sẽ quyết định mức độ rủi ro. Các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong phạm vi địa phương, chẳng hạn, chắc chắn sẽ phải hứng chịu tác động từ những thảm họa, thiên tai xảy ra tại địa phương. Chỉ cần một cây cầu bị gãy trong một trận lũ quét cũng đủ sức cô lập, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của họ suốt nhiều ngày liền.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp quy mô toàn cầu, dù có thể tránh được những rủi ro mang tính địa phương, song nếu thảm họa xảy ra trên tầm khu vực hay thảm họa cứ lặp đi lặp lại tại một số địa phương họ đang dốc sức đầu tư, các doanh nghiệp này có thể phải gánh chịu những tổn thất đáng kể trong trung hạn hoặc dài hạn.

Để chứng minh, Báo cáo dẫn con số thống kê năm 2012 của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) – một nghìn tỷ đô la đã bị mất và một triệu người bị chết vì thảm họa trong thập kỷ vừa qua, trong khi đó, con số này cũng chỉ phản ánh một phần thiệt hại trực tiếp do thảm họa gây ra và con số thực tế còn cao hơn 50% so với thống kê.

Chưa kể, những số liệu này chỉ đề cập đến tổn thất trực tiếp, khi đã loại ra ngoài những thiệt hại gián tiếp cũng như những ảnh hưởng rộng hơn của thảm họa.

Mặc dù rủi ro thảm họa đối với cộng đồng doanh nghiệp đang ngày một gia tăng, Báo cáo cho biết chúng vẫn thường không được đề cập trong các báo cáo, phân tích, chỉ số cạnh tranh và dự báo kinh doanh, ngay ở những vùng có mức độ rủi ro cao.

Thậm chí, nhiều nước còn triển khai những gói giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực hay xảy ra thảm họa. Vô hình chung, những rủi ro này bị đẩy ra bên ngoài, chuyển dần sang tay chính phủ, xã hội và đè nặng lên các thế hệ tương lai.

Từ rủi ro chung đến giá trị chung

Bằng việc chỉ ra tính rủi ro chung đối với cộng đồng doanh nghiệp trước thảm họa, Báo cáo Đánh giá toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thảm họa năm 2013 cho rằng các doanh nghiệp cần phải tăng cường nhận diện rủi ro và tích cực đầu tư vào các giải pháp giảm nhẹ rủi ro do thảm họa.

Đặc biệt, chỉ khi chính phủ và doanh nghiệp cùng bắt tay quản lý thảm họa, giảm nhẹ rủi ro mới có thể tạo ra giá trị chung thúc đẩy kinh doanh và cải thiện nền kinh tế.

Hiện nay, đầu tư vào quản lý rủi ro thảm họa ngày càng ít được nhìn nhận như là một chi phí và đang dần được coi là một cơ hội, một đề xuất hấp dẫn để tăng cường sức bền, khả năng cạnh tranh và tính bền vững của doanh nghiệp.

Rất nhiều doanh nghiệp lớn đang nỗ lực đầu tư nâng cao năng lực và chiến lược quản lý rủi ro của mình chứ không đơn thuần chỉ tập trung vào các chiến lược kinh doanh như trước đây. Các khoản đầu tư giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước bền vững và đô thị xanh ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tạo ra giá trị chung cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình.

Trên hết, các doanh nghiệp đang tìm thấy cơ hội trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các tòa nhà, các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu thảm họa. Điều này được Báo cáo xác định là giải pháp có ý nghĩa then chốt trong chiến lược giảm nhẹ rủi ro và bảo đảm tính bền vững toàn cầu.

Những công cụ nhận diện, quản lý rủi ro mới đang được áp dụng rộng rãi. Sau khi nhận diện được rủi ro, doanh nghiệp sẽ tiến hành phân tích tính hiệu quả của các chiến lược quản lý rủi ro thảm họa khác nhau, từ đó quyết định chấp nhận rủi ro đến mức nào và đầu tư bao nhiêu vào việc giảm nhẹ hay chia sẻ rủi ro. Và nếu rủi ro thảm họa được nhận diện, báo cáo đầy đủ và công khai minh bạch, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lồng ghép nó vào các quyết định đầu tư của mình, tránh được các hoạt động kinh doanh có mức độ rủi ro cao.

Cùng với doanh nghiệp, chính phủ các nước cũng có thể tạo lập giá trị chung từ công tác giảm nhẹ rủi ro do thảm họa, ít nhất là xét từ góc độ thu hút đầu tư trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đang trở nên nhạy cảm hơn với rủi ro. Bởi lẽ, các nước có mức rủi ro thấp hơn hoặc có thể chứng minh rằng rủi ro thảm họa của họ được quản lý hiệu quả sẽ có lợi thế so sánh trong việc thu hút đầu tư. Khi doanh nghiệp và nhà nước cùng bắt tay đầu tư cho các chiến lược giảm nhẹ rủi ro thì giá trị chung này chắc chắn sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng liệt kê những sáng kiến kinh doanh góp phần tạo ra giá trị chung từ việc quản lý nguồn vốn tự nhiên và môi trường một cách bền vững, từ giảm bớt mức tiêu thụ năng lượng, đầu tư vào năng lượng tái tạo đến thu hút sự tham gia và mang lại lợi ích cho các cộng đồng và hộ gia đình ở địa phương. Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến vừa giảm thiểu thảm họa, vừa giảm nhẹ rủi ro.

Từ nhận thức coi giảm nhẹ rủi ro là một cơ hội, một đề xuất về giá trị chung đầy hấp dẫn, Báo cáo kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm sửa đổi, xây dựng một khung giảm nhẹ rủi ro thảm họa mới vào năm 2015 để mang lại lợi ích cho tất cả các bên, cả chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trên toàn thế giới.