Ô nhiễm môi trường trong lòng khu dân cư

Nằm trên đường từ thành phố Phan Thiết đi khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né – Hòn Rơm, Khu quy hoạch chế biến nước mắm Phú Hài (rộng 15,2ha) triển khai từ năm 2002 và đến nay mới có gần 80 cơ sở hoạt động, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường đã hết sức nghiêm trọng.

Khu quy hoạch này nằm trên địa bàn thôn Ung Chiếm, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, cách trung tâm thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 5km, tập trung chủ yếu là các nhà máy, cơ sở chế biến nước mắm, ngoài ra còn có một số cơ sở chế biến cá khô, sản xuất phân vi sinh và chế biến bột cá, thức ăn gia súc. Nước thải từ các cơ sở này không qua quy trình xử lý mà được đổ trực tiếp vào một hồ chứa lộ thiên rộng hơn 2.000m2, sâu chưa đầy 1 mét, gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Hồ chứa không chỉ gây mùi hôi thối, khó chịu cho người dân thôn Ung Chiếm và vùng phụ cận mà nước thải còn thấm vào lòng đất làm ô nhiễm giếng nước sinh hoạt-nguồn nước chủ yếu của các hộ gia đình xung quanh. Ngoài ra, những ống khói của Công ty TNHH Kim Đào, nơi chuyên chế biến phân vi sinh (phân mắm), hằng ngày theo gió tỏa đi mang theo khói, bụi và mùi hôi thối đến cả một vùng dân cư lớn.

Có mặt tại đây, khi những cơn gió từ biển thổi vào, chúng tôi đã nhận thấy mùi đặc trưng của một khu vực chuyên chế biến cá. Đến gần hồ chứa nước thải, một mùi khó chịu bốc lên càng nồng nặc hơn. Quan sát tại chỗ, chúng tôi thấy nước trong hồ đen kịt, đậm đặc và chỉ lấp xấp đáy hồ. Các hộ dân thuộc thôn Ung Chiếm cho biết, tình trạng ô nhiễm trở nên nặng nề hơn khi Khu chế biến nước mắm Phú Hài bước vào xây dựng giai đoạn hai (năm 2006) với các nhà máy chế biến phân mắm, bột cá và thức ăn gia súc đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Văn Nhì, nhà cách hồ chứa nước thải một con đường đất, cho biết: “Để hạn chế mùi hôi chúng tôi luôn phải đóng cửa, dù vậy đồ đạc, chăn màn, quần áo trong nhà vẫn bị bám mùi khó chịu. Trời càng nắng nóng mùi hôi thối bốc lên càng dữ, ruồi, muỗi sinh ra nhiều vô kể. Nhiều khi cả nhà phải mắc mùng để ăn cơm”.
Đứng trước thực trạng ô nhiễm cả về không khí và nguồn nước, bà con và chính quyền thôn Ung Chiếm đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành chức năng. Nhiều đoàn khảo sát, tìm hiểu tình hình cũng đã tới, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện. Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của cư dân xung quanh, chất thải ô nhiễm còn ngấm vào đìa tôm, vào đất vườn, bụi khói phủ lên cây trồng, khiến năng suất, sản lượng bị giảm sút. Vườn thanh long của gia đình anh Nguyễn Văn Thiệt bị khói bám vào lúc trổ bông và thụ phấn nên chậm phát triển và quả lớn lên thì bị nứt, phủ nấm, sản lượng thu hoạch chỉ bằng 50% so với ngày trước. Chưa kể vườn mãng cầu (na) của gia đình anh cũng bị rụng hoặc khô và đen quả. Một số hộ dân cho biết, trong những ngày nắng nóng họ chỉ còn cách sơ tán đến nhà người quen trú tạm. Không chỉ có khu dân cư, trường tiểu học Hàm Thắng 3, có hàng trăm học sinh, nằm trong khu vực cũng phải chịu mùi hôi từ khu vực này thổi vào.
Anh Nguyễn Ngọc Kính, trưởng thôn Ung Chiếm, cho biết: “Trước đây, khu chế biến nước mắm Phú Hài chỉ có các cơ sở chế biến nước mắm, nhưng đến giai đoạn hai lại có thêm các doanh nghiệp chế biến phân bón, thức ăn gia súc, thức ăn nuôi tôm nên tình hình ô nhiễm càng nặng nề thêm. Sắp tới, khi Hàm Thắng thuộc về Phan Thiết, trở thành khu dân cư đô thị, thì vấn đề ô nhiễm môi trường càng phải được quan tâm và giải quyết triệt để hơn nữa”. Trả lời về vấn đề này, ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Thuận, cho rằng, nguyên nhân là hồ xử lý nước thải thiết kế không đúng kỹ thuật, sở đã nhiều lần kiểm tra, xử lý vi phạm và yêu cầu khắc phục, nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án khắc phục triệt để được.
Việc gây ô nhiễm môi trường của một số cơ sở thuộc khu chế biến nước mắm Phú Hài rõ ràng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của người dân thôn Ung Chiếm và khu dân cư lân cận. Chúng tôi đề nghị chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận cần sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nêu trên, trả lại sự trong lành về môi trường sống cho khu dân cư, đồng thời cũng xóa đi những cảm nhận khó chịu của du khách đến với Mũi Né, Hòn Rơm khi phải đi qua khu vực này.