Nhận diện rủi ro, tái định hướng phát triển

ThienNhien.Net – Đó là tiêu đề của Báo cáo Đánh giá rủi ro toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai năm 2011, ấn bản thứ hai do Ban thư ký Chiến lược giảm nhẹ Thiên tai Quốc tế của Liên hiệp quốc (UNISDR) cùng các đối tác toàn cầu thực hiện. Với khối lượng lớn dữ liệu mới được cập nhật và bổ sung, Báo cáo đã đưa ra những xu hướng về thiên tai toàn cầu cùng các nhìn nhận, đánh giá về công tác quản lý rủi ro thiên tai, cũng như những khuyến nghị, định hướng phát triển vì một tương lai an toàn hơn. ThienNhien.Net xin tóm lược giới thiệu tới quý độc giả một phần nội dung của báo cáo này.

Tử vong giảm, thiệt hại tăng

Thừa nhận sự bất thường và thay đổi của thời tiết, khí hậu trên toàn cầu, Báo cáo 2011 ít nhất cũng mang lại một tin tốt lành, rằng tỷ lệ tử vong do thiên tai đã giảm trên toàn cầu, kể cả ở khu vực Châu Á, nơi tập trung phần lớn các rủi ro.

Xu hướng này đặc biệt đáng mừng khi so sánh với mức gia tăng nhanh chóng về phạm vi dân số bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thiên tai. Đơn cử, kể từ năm 1970, tần xuất của bão nhiệt đới không hề tăng lên nhưng phạm vi dân số chịu rủi ro lại tăng lên tới gần 3 lần.

Rủi ro tử vong do thiên tai vẫn tiếp tục tập trung ở các quốc gia có GDP thấp và nền quản lý rủi ro yếu kém, thậm chí nó còn gia tăng ở các quốc gia có năng lực quản lý rủi ro yếu, bất chấp xu hướng giảm của toàn cầu.

Trong khi đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã cải thiện cuộc sống và giảm đói nghèo cho hàng triệu người, song nó cũng đồng thời làm gia tăng mức ảnh hưởng từ rủi ro thiên tai đối với tài sản vật chất. Đặc biệt, ở các nước thu nhập cao, rủi ro về tổn thất tài sản trong thảm họa gia tăng ở mức nhanh hơn tốc độ có thể tạo ra khối của cải đó.

Lũ lụt 2011 ở Đức và Australia cho thấy rằng ngay cả các nước thu nhập cao cũng khó lòng quản lý sự gia tăng phạm vi tác động của thiên tai. Thiệt hại về kinh tế do lũ lụt ở Nam Á nhỏ hơn nhiều so với thiệt hại ở các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tuy nhiên tương ứng với mức GDP của khu vực Nam Á thì thiệt hại này lại lớn gấp 15 lần. Chính vì thế, mặc dù thiệt hại về kinh tế trong khối OECD có thể tăng nhanh hơn, thì thiên tai vẫn đe dọa các nền kinh tế OECD ít hơn nhiều so với những gì nó gây ra với các nước thu nhập thấp và trung bình.

Rủi ro thiệt hại về kinh tế đang tiếp tục tăng trên toàn cầu, đặc biệt đe dọa nền kinh tế của các quốc gia thu nhập thấp. Tỷ lệ GDP của thế giới chịu ảnh hưởng bởi bão nhiệt đới tăng từ 4,13% năm 1970 lên 4,47% vào năm 2010, và tính giá trị tuyết đối thì con số này đã tăng lên gấp ba lần, lên mức 1,9 tỷ tỷ USD.

Thảm họa động đất ở Haiti cho thấy các rủi ro từ các hiện tượng tự nhiên phổ biến ngày hôm nay có thể trở thành những rủi ro nghiêm trọng của ngày mai khi nó tích tụ tại các khu vực chịu ảnh hưởng của các thảm họa lớn như động đất và bão nhiệt đới (Ảnh: Haitiquake.com)

Trong số các thiệt hại do thiên tai phổ biến, tức là các hiện tượng tự nhiên có mức độ tổn thất thấp song tần số cao, có 97% là các hiện tượng liên quan tới thời tiết. Mặc dù các hiện tượng thiên tai này không gây tử vong đáng kể, song nó là thủ phạm cho phần lớn thiệt hại về cơ sở hạ tầng ở địa phương, nhà ở và sinh kế của các gia đình và cộng đồng thu nhập thấp.

Sự gia tăng theo cấp số nhân các thiệt hại như sạt lở đất, hoả hoạn, bão tại các nước thu nhập thấp và trung bình cho thấy cách thức mà rủi ro đi kèm với tăng trưởng kinh tế. Số nhà bị phá hủy tương đương với tăng trưởng dân số ở 21 quốc gia đã tăng gần sáu lần kể từ những năm 1990, nhanh hơn mức gia tăng về rủi ro thiệt hại kinh tế do các thiên tai nghiêm trọng. Đáng nói là các rủi do nảy sinh do sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng lại đè nặng lên vai các gia đình và cộng đồng thu nhập thấp, những người ít được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này nhất.

Rủi ro từ các hiện tượng thiên tai thông thường được cho là nảy sinh trực tiếp từ sự quy hoạch và quản lý yếu kém quá trình đô thị hóa, sự suy thoái môi trường và đói nghèo. Điều đáng chú ý là thiệt hại từ các thảm họa phổ biến này và tác động của chúng lên sức khỏe, giáo dục, đói nghèo và quá trình di cư của người dân không được thống kê, đánh giá ở hầu hết các quốc gia, làm lu mờ thiệt hại thực chất của thảm họa.

Tóm lại, mặc dù tỷ lệ tử vong do thảm họa đã giảm, thiệt hại tài sản vẫn tiếp tục tăng lên, cho thấy việc giảm mức độ tổn thương không thể bù đắp cho thực trạng gia tăng phạm vi tác động của thảm họa, vốn đi kèm với tăng trưởng kinh tế.

Khô hạn – kẻ thù giấu mặt

Theo Báo cáo 2011, so với các thảm họa thiên tai khác thì các rủi ro do khô hạn vẫn chưa được hiểu rõ và quản lý tốt. Hiện chúng ta vẫn chưa có dữ liệu tổng hợp hoặc mô hình rủi ro khô hạn toàn cầu nên rất khó để đánh giá về xu hướng khô hạn toàn cầu.

Nhờ cải thiện công tác cảnh báo sớm và ứng phó, tình trạng thiệt hại về người như trận khô hạn của khu vực Châu Phi cận Sahara những năm 1970 đã không lặp lại. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu khô hạn vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn và các tác động kinh tế xã hội của nó, một cách cục bộ, vẫn tập trung vào các hộ gia đình nông thôn nghèo.

Nền kinh tế tăng trưởng trong khi việc quản lý nguồn nước không được cải thiện tương xứng đã de dọa sự bền vững của các nền kinh tế. Trên toàn cầu chỉ có một vài quốc gia có thống kê một cách hệ thống về các thiệt hại do khô hạn và có chính sách quốc gia để giải quyết các nguy cơ này. Trong khi đó, tác động của nó lên sản xuất nông nghiệp, sinh kế của nông dân và nền kinh tế nông thôn, đô thị là vô cùng lớn. Chẳng hạn, trận khô hạn gần đây nhất đã khiến năng suất nông nghiệp của Caribbe giảm 20-40%, Australia thiệt hại 2,34 tỷ USD và 75% nông dân Ả Rập Syria rơi vào cảnh mùa màng thất bát.

Khô hạn xảy ra do sự kết hợp của các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội – tất cả đều gia tăng mức độ tổn thương và phạm vi chịu ảnh hưởng của dân số và nền kinh tế. Trong đó có thể kể đến các yếu tố chính như sự suy giảm lượng mưa, biến đổi khí hậu; gia tăng nhu cầu về nguồn nước do công nghiệp hóa, đô thị hóa; sự tăng trưởng của du lịch và thương mại nông nghiệp; quản lý nguồn nước và đất đai không phù hợp; quản lý rủi ro thiếu hiệu quả…

Mặc dù đã có những tiến bộ trong cảnh báo sớm và ứng phó, vẫn rất ít quốc gia có các chính sách hoặc các khung thể chế để giải quyết các yếu tố gây ra khô hạn kể trên. Khô hạn cũng ít khi được hợp nhất vào các chính sách và khung hoạt động quản lý rủi ro thiên tai.

Báo cáo cũng thừa nhận rằng đây mới chỉ là những nhìn nhận đầu tiên về sự phức tạp của rủi ro khô hạn toàn cầu và việc đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nguy cơ này chính là thách thức cần giải quyết trong các năm tới.

Đầu tư hôm nay, an toàn ngày mai

Tại Colombia, thiệt hại do thiên tai ước tính 1%GDP. Mặc dù con số này ít hơn thiệt hại do tình trạng thất nghiệp hàng năm, song lại cao hơn mức lạm phát 5% và có thể so sánh với mức tổn thất do xung đột vũ trang. Thậm chí, mức thiệt hại nặng nề nhất do các thảm họa 500 và 1000 năm mới trở lại một lần có thể gây thiệt hại tương ứng 2,3 và 2,9 GDP, tương đương với thiệt hại do khủng hoảng kinh tế những năm 1980 và 1990.

Những số liệu này cho thấy rằng nếu quá trình ra quyết định dựa trên sự đánh giá đúng đắn được-mất về kinh tế và xã hội thì chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai phải được đặt ngang tầm với các chính sách kiểm soát lạm phát và giải quyết xung đột vũ trang.

Trẻ em là đối tượng đặc biệt bị tổn thương bởi các thảm họa tự nhiên, với ước tính ít nhất 66 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thiên tai phố biến và nghiêm trọng. Các hiện tượng thiên tai phố biến thậm chí còn được ghi nhận là nguyên nhân giảm tỷ lệ trẻ em đến trường ở Bolivia, Indonesia, Nepal và Việt Nam. (Ảnh: Icfdonate.net)

Báo cáo khẳng định, số lượng và chất lượng báo cáo giảm nhẹ rủi ro thiên tai từ các quốc gia đã cho thấy mối quan tâm chính trị ngày một tăng lên đối với việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, việc hợp nhất giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào quy hoạch đầu tư công, phát triển đô thị, quy hoạch-quản lý môi trường và bảo trợ xã hội… vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Trên thực tế, rất ít quốc gia ghi nhận tổng thể các thiệt hại và đánh giá toàn diện các rủi ro. Đầu tư vào quản lý rủi ro thiên tai, đặc biệt trong các ngành và ở cấp địa phương còn vô cùng hạn chế.

Mặc dù đầu tư để cải thiện năng lực quản lý đã giúp giảm nhẹ thiệt hại về con người song vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để giảm thiệt hại về kinh tế. Theo đó, phát triển phải được xác định lại theo hướng nhạy cảm với thảm họa và rủi ro khí hậu. Các chính phủ cần áp dụng tổng hợp các chiến lược quản lý rủi ro tiềm ẩn, khắc phục và đền bù rủi ro, cùng với các chiến lược quản lý thảm họa và dự báo các rủi ro tiềm ẩn.

Theo Báo cáo, giảm rủi ro thiên tai là vấn đề xác định các động cơ kinh tế, chính trị và điều hòa các đánh đổi. Song rất tiếc là do thiếu tính toán toàn diện các tác động của thảm họa và đánh giá tổng thể các rủi ro, rất ít quốc gia tìm ra được những động cơ này, chưa tính đến việc đánh giá được-mất và cân nhắc các lựa chọn đánh đổi để hình thành và cân bằng các chiến lược quản lý rủi ro.

Song, tin vui là một mô thức mới về giảm nhẹ rủi ro đang thực sự nổi lên. Nó được thúc đẩy bởi những sáng kiến trong việc tính toán các thiệt hại thiên tai và đánh giá rủi ro, trong sự thích ứng của quy hoạch phát triển và đầu tư công, và trong nỗ lực nhằm tăng cường quản trị rủi ro của những chính phủ đã nhìn nhận ra tầm quan trọng của đầu tư ngày hôm nay cho một ngày mai an toàn hơn.

Bạch Dương