Môi trường ở Đà Nẵng: Điểm trừ và điểm cộng – Bài 1

Điểm trừ: Ô nhiễm vẫn hành dân

ThienNhien.Net – Vài năm trở lại đây, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, môi trường tại TP Đà Nẵng đã có sự khởi sắc đáng kể. Thế nhưng, khi nhìn thẳng vào các điểm nóng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trên địa bàn, vẫn còn nhiều vấn đề cần được mổ xẻ, tranh luận.

Đây là một điều không xa lạ với người dân Đà Nẵng và để chứng minh cho điều này là đúng, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến thực tế tại một số điểm ÔNMT trên địa bàn theo phản ánh của chính người dân.

Trưa một ngày giữa tháng 5, trời nắng như đổ lửa chúng tôi có mặt trên tuyến đường Hoàng Văn Thái (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu), hàng trăm chuyến xe ben, xe tải chở đất, đá thi nhau nối đuôi chạy từ khu vực cổng đơn vị Bộ đội Đặc công 409 ra, như khoét sâu thêm những chỗ mà chính những dòng xe này băm nát suốt thời gian qua. Dù mới được xe Xí nghiệp môi trường Liên Chiểu tưới nước, nhưng chỉ hơn 1 giờ sau bụi đường đã lại mù mịt. Để chống bụi, một số hộ dân dùng vật cản chặn đường hạn chế tốc độ của xe tải.

Một nhà máy trong Cụm công nghiệp Thanh Vinh nằm xen kẽ trong KDC gây ÔNMT khu vực sản xuất của người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 xã Hòa Liên.
Một nhà máy trong Cụm công nghiệp Thanh Vinh nằm xen kẽ trong KDC gây ÔNMT khu vực sản xuất của người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 xã Hòa Liên 

Ông Phan Văn Tình (Tổ 138, P. Hòa Khánh Nam) tay chỉ vào một tấm bạt phủ đầy bụi đất rầu rĩ: “Bụi thế này thì ai mà sống nổi?”. Theo ông Tình, xe ben chở đất, đá ở khu vực này bắt đầu chạy từ 4 giờ cho đến 22 giờ đêm, nên gây ô nhiễm trầm trọng. Thời gian gần đây, mặc dù chính quyền địa phương và các đơn vị khai thác cũng đã có quan tâm, giải quyết các kiến nghị của nhân dân, cho xe rửa đường nhưng vì thời tiết nắng nóng nên chỉ sau khi tưới nước vài giờ là đường lại khô và bụi cứ bay mù.

Theo thống kê, hiện có hơn 14 đơn vị đang khai thác đất, đá đóng trên địa bàn P. Hòa Khánh Nam. Trước tình trạng các đơn vị này gây ÔNMT, ngày 13/4/2013, UBND P. Hòa Khánh Nam đã mời Phòng TN-MT quận, Bí thư chi bộ Đà Sơn I, II, III, IV, các tổ dân phố số 211, 131, 136, 138, 144, Xí nghiệp môi trường Liên Chiểu và 7 đơn vị khai thác đất, đá trên địa bàn phường đến dự họp để phân tích nguyên nhân gây ra ÔNMT trên tuyến đường Hoàng Văn Thái. Cuộc họp có lãnh đạo UBND Q. Liên Chiểu, CAQ Liên Chiểu tham dự. Vậy nhưng, chỉ có 6 đơn vị đến dự gồm: Cty Phú Mỹ Hòa, Xí nghiệp 309-Vạn Tường, Xí nghiệp Hùng Vương, Cty TNHH MTV Cẩm Phát, Cty Icovina và Cty Betong Thảo Tân. Riêng Cty Lực Kỷ vắng không lý do.

Bụi bám đầy nhà của một hộ dân trên đường Hoàng Văn Thái, Đà Nẵng
Bụi bám đầy nhà của một hộ dân trên đường Hoàng Văn Thái, Đà Nẵng

Tại cuộc họp này, sau khi bàn bạc, giải thích, đánh giá nguyên nhân các bên đã thống nhất phương án các doanh nghiệp sẽ đóng tiền định kỳ (16 triệu đồng/tháng) để rửa đường 2 lần/tuần (4 lượt/ngày) vào ngày thứ 2 và ngày thứ 6 hàng tuần bắt đầu từ ngày 15/4. Đồng thời, tăng cường thêm một lao động quét đường duy trì thường xuyên làm việc 8 giờ/ngày quét bụi từ ngã ba (đoạn cổng đơn vị 409) đến ngã tư đường vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Khánh Nam Bùi Trung Khánh, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài địa phương đề nghị UBND Q. Liên Chiểu, CAQ chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan cử lực lượng thường xuyên kiểm tra và xử phạt các trường hợp vi phạm tốc độ, để đất đá rơi vãi trên đường, đồng thời kiến nghị Sở GTVT TP Đà Nẵng tiến hành lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ, có kế hoạch thảm nhựa đoạn đường từ ngã ba Hoàng Văn Thái vào đến đơn vị 409 để hạn chế ô nhiễm…

Thôn Vân Dương 1, 2 xã Hòa Liên (Hòa Vang) người dân cũng khá bức xúc khi chúng tôi tìm đến hỏi chuyện. Một nông dân khá lớn tuổi gắt giọng: “Chú là nhà báo hả, đến đây tìm hiểu về ÔNMT nữa chứ gì? Nhiều báo đến đây lắm rồi, cũng thấy nhiều bài đăng nhưng chẳng thấy giải quyết được gì hết”. Quả thật, chưa thấy KCN nào mà có nhà máy sát nhà dân đến vậy, đặc biệt là nhà máy chế biến, sản xuất thép với hàm lượng kim loại nặng rất lớn lại nằm sát ngay trong KDC…

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên Trần Thị Kim cho biết, tình trạng ÔNMT do hai nhà máy thép gây ra đã tồn tại lâu nay khiến người dân rất bức xúc. Đảng ủy, HĐND, UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị quận, TP nhiều lần và phía doanh nghiệp cũng đã có khắc phục nhưng chưa được bao nhiêu. Theo bà Kim, ngoài hai thôn Vân Dương 1, 2 bị ô nhiễm do khói bụi thì thôn Trung Sơn (Hòa Liên) cũng bị ảnh hưởng nặng do nước thải từ hai KCN trên địa bàn chảy ra theo đường kênh khiến cho gần 12 ha lúa của người dân không sản xuất được. Năm 2009, địa phương có kiến nghị, Sở TNMT và UBND TP có ý kiến nên các DN cũng có đóng góp hỗ trợ cho người dân mỗi sào một ít, thế nhưng mấy năm gần đây thì cũng đã “cắt” việc hỗ trợ này nên người dân cũng chỉ để đồng ruộng cho cỏ mọc hoang.

Dù đã được xử lý, nhưng nước thải tại miệng cống cầu Hòa Xuân vẫn rất ô nhiễm (Ảnh chụp ngày 15/5)
Dù đã được xử lý, nhưng nước thải tại miệng cống cầu Hòa Xuân vẫn rất ô nhiễm (Ảnh chụp ngày 15/5)

Đây chỉ là trong số nhiều khu vực của Đà Nẵng đang vẫn phải gánh chịu ảnh hưởng của ÔNMT. Tại một số quận trung tâm Đà Nẵng như Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà tình hình ÔNMT cũng diễn ra khá ngay gắt. Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài các điểm “nóng” như: hồ Đảo Xanh, hồ Đầm Rong và kênh Thuận Phước, sông Phú Lộc… đã được xử lý khá chu đáo thì một số điểm ô nhiễm cũ như: đoạn cống xả Trạm XLNT Liên Chiểu đổ ra cầu Phú Lộc (P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê), đoạn cống xả TLNT ở P. Hòa Cường Nam (Q. Hải Châu, các cửa xả ven biển đường Hoàng Sa, Trường Sa… vẫn có hiện tượng mùi hôi kèm theo nguồn nước đen. Ngoài ra, vẫn còn hàng ngàn các cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ, tiệm rửa xe… xen lẫn trong các KDC vẫn trực tiếp thải chất thải ra môi trường mà chưa được kiểm soát.

Ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Phòng tài nguyên môi trường Q. Hải Châu thừa nhận, hiện quận cũng đang tiến hành lập danh sách các cơ sở kinh doanh theo nhóm 19 ngành nghề phải di dời ra khỏi trung tâm TP, thế nhưng vấn đề để di dời được còn gắn với nhiều thứ như: di dời họ đi đâu, vấn đề an sinh xã hội thế nào… (bởi hiện Đà Nẵng chưa có Cụm công nghiệp dành cho các hộ sản xuất nhỏ này mà vào KCN thì là điều không thể vì giá thành thuê mặt bằng quá đắt) nên người dân cũng phải “cùng nhau chung sống” với tình trạng ô nhiễm trong cụm dân cư.

Thượng tá Đặng Hữu Quế, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường CATP Đà Nẵng cho biết, trong những tháng đầu năm 2013, ngoài một số vấn đề về ô nhiễm chất thải rắn, nước thải ở các KCN, đơn vị cũng đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại các KDC, gara sửa xe, tiệm rửa xe… và hiện đang cử lực lượng để theo dõi, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý ngay.

(còn nữa)