Rừng phi lao ven biển bị phá “trắng”, dân “kêu cứu” ra Trung ương

ThienNhien.Net – Quyết liệt phản đối chủ trương cho phá rừng phi lao ven biển nuôi tôm không thành, nhân dân và chính quyền xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) yêu cầu phải giữ lại hành lang 30m có cây, phía Cty Growbest cũng đã cam kết thực hiện. Thế nhưng, sau khi chặt vi phạm hành lang chưa kịp xử lý thì nay toàn bộ khu vực này đã bị san ủi trắng, người dân và lãnh đạo xã Kỳ Nam hết sức bức xúc. Từ nay họ đã mất hẳn chiếc áo giáp che chắn bão cát, sóng biển.

Người dân bức xúc

Những ngày giữa tháng 7, rừng phi lao ven biển gần trăm tuổi ở bãi Cửa Ngâm thuộc thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam bị Công ty Growbest (trụ sở TPHCM) chặt hạ triển khai dự án nuôi tôm khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Thời điểm chặt hạ, theo ông Đặng Đình Dích – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam, rất nhiều người dân ra ngăn cản. Đại diện UBND xã Kỳ Nam cũng ra đình chỉ dừng ngay việc chặt hạ rừng phi lao vì phía Công ty Growbest đã chặt vi phạm vào hàng lang 30m có rừng mà trước đó xã đã yêu cầu, Công ty đã cam kết.

Sự việc được Báo Lao Động liên tục phản ánh qua các bài viết “Bất chấp phản đối của dân, vẫn phá rừng phi lao ven biển nuôi tôm, cá”; “Kịch liệt phản đối phá rừng phi lao ven biển nuôi tôm, cá”.

Sau khi báo Lao Động đăng tải, ông Hoàng – GĐ Công ty Growbest đã phản hồi, cho rằng Công ty triển khai dự án được chính quyền và nhân dân ủng hộ “chỉ một bộ phận kích động nên phản đối”.

Đặc biệt, ngày 11.8, Công ty còn xin được giấy xác nhận của xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh rằng Công ty thực hiện đúng cam kết, không vi phạm điều gì.

Giấy xác nhận này ghi rằng “Ngày 5.7.2015, với sự có mặt của các sở, ngành, UBND thị xã Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Nam và nhà đầu tư. Cuộc họp đã đi đến thống nhất cho phép công ty cắt bỏ một số cây phi lao để đào ao nuôi tôm và giữ lại những cây nằm trong phạm vi 30m phía ngoài biển để chắn gió và tạo cảnh quan môi trường. Hiện nay, chúng tôi đã và đang thực hiện đúng như chỉ đạo của UBND Hà Tĩnh, Ban kinh tế tỉnh và UBND xã Kỳ Nam. Vì ngoài việc thực hiện đúng cam kết với các cơ quan ban ngành của tỉnh và xã Kỳ Nam theo tinh thần cuộc họp là để lại 30m ngoài cùng để bảo vệ chắn gió cho người dân thì cũng chính là để bảo vệ cho chính doanh nghiệp chúng tôi, vì chúng tôi mới chính là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp tại khu vực này, sau đó mới đến người dân”.

Thế nhưng, khi chữ ký và con dấu của đại diện chính quyền địa phương chưa ráo mực thì ngày 18.8, PV Báo Lao Động nhận được phản ánh bức xúc của người dân nên quay lại khu vực rừng phi lao Cửa Ngâm. Tại đây, PV chứng kiến toàn bộ rừng phi lao đã bị đốn hạ trắng san ủi mặt bằng.

Tại hiện trường, nhiều cây phi lao vẫn còn nguyên cả thân và gốc bị nhổ lên. Một phụ nữ thôn Minh Huệ đang đi mót những cành phi lao bị phá bỏ, cho biết, vài ngày trước, máy móc san ủi mặt bằng đã đập gãy vào đào cả thân cây trong hành lang phải trừ 30m lên hất ra phía mép biển.

“Nhân dân chúng tui không có quyền… Mình ngắn cổ kêu không thấu trời…”, – chị này bức xúc nói.

Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, PV tìm đến xã Kỳ Nam để hỏi sự việc. Lúc này cả ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch xã và ông Bùi Văn Chuổng – Phó Chủ tịch xã đều bảo chưa nắm rõ việc rừng phi lao ở Cửa Ngâm đã bị đốn hạ trắng hết phần hành lang trừ lại 30m do “mấy ngày bận đi họp trên thị xã”. Nói rồi 2 vị lãnh đạo chạy ra hiện trường. Lúc này cả 2 đều ngỡ ngàng, bốc điện thoại gọi lên lãnh đạo thị xã Kỳ Anh và đại diện Công ty Growbest.

Tại hiện trường, ông Bùi Văn Chuổng bức xúc, nói: “Hôm trước họ đã có cam kết trừ hành lang 30m rồi. Hôm nay mới cách 2 ngày mà họ đã chặt hết cây rồi. Thế này là không được”.

Trước đó, ông Đặng Đình Dích – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam khẳng định, gần như toàn bộ người dân và lãnh đạo xã đều phản đối việc cho doanh nghiệp đốn hạ rừng phi lao ven biển của xã để thực hiện dự án nuôi tôm, cá.

Qua tiếp xúc cử tri nhân dân không đồng tình, họp chi bộ 6 thôn đều không đồng tình nhưng chủ trương tỉnh thu hút đầu tư, tỉnh giao thì cũng phải chấp hành, trên nói thì dưới phải nghe.

Cũng theo ông Dích, người dân chưa hết bức xúc việc trước đây thu hồi 90ha đất lúa cho Công ty Việt Anh thực hiện dự án nuôi tôm, nhưng rồi đổ vỡ, bỏ hoang vẫn chưa trả hết tiền cho dân thì nay lại càng bức xúc khi doanh nghiệp khác phá rừng phi lao ven biển để nuôi tôm, cá.

Thống thiết đơn “kêu cứu”

Theo ông Nguyễn Mạnh Mầng – Bí thư Chi bộ – Trưởng thôn Minh Huệ, hiện chi bộ thôn Minh Huệ đã gửi đơn “kêu cứu” lên Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Bí thư về việc rừng phi lao ven biển của thôn bị chặt hạ để cho doanh nghiệp thực hiện dự án nuôi tôm, cá.

“…Cơ quan chức năng cho Công ty TNHH Growbest phá rừng phi lao ven biển ở xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh để làm hồ nuôi tôm. Nhân dân chúng tôi thấy điều này như là một sự hủy diệt cuộc sống. Vì đã bao đời, ông cha gây dựng khu rừng này để chống triều cường, bão tố, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất, tính mạng và tải sản của nhân dân. Rừng đã có hàng trăm năm tuổi, phần đa cây to trên một người ôm.

Nay họ dùng cưa xăng, máy ủi tàn sát không thương tiếc… Nếu Trung ương không mau tay ngăn cản thì chỉ trong thời gian ngắn với sức mạnh của máy móc họ sẽ hủy diệt hết cả khu rừng… Bộ Chính trị ơi, Quốc hội ơi, Chính phủ ơi hãy mau tay ngăn chặn đừng để xảy ra mất mát con người, tài sản của dân rồi mới tìm cách đối phó thì đã muộn. Nếu để họ ngang nhiên tàn phá thì rõ ràng đi ngược lại lợi ích của dân… Nếu Bộ Chính trị cũng cho việc phá rừng phi lao để làm hồ tôm là đúng và không ra tay ngăn chặn thì số đông đảng viên trong chi bộ chúng tôi sẽ xin ra đảng.

Ở Kỳ Nam đang chình ình một hồ tôm 90ha xấp xỉ 37 tỉ đồng đã 10 năm bỏ hoang… Nhân dân cả nước đi qua Đèo Ngang ai cũng xót xa… Cái hồ 90ha trở thành thây ma thối rữa chưa chôn được thì họ lại phá rừng – bức tường chắn bão duy nhất của dân để làm cái khác bên cạnh. Thử hỏi dân Kỳ Nam sao chịu nổi”! – trích nội dung đơn kêu cứu của Chi bộ thôn Minh Huệ.

Chùm ảnh thực trạng phá rừng phi lao tại xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh:

Rừng phi lao ở thôn Minh Huệ xã Kỳ Nam đã bị phá trắng để nuôi tôm (Ảnh: Trần Tuấn)
Rừng phi lao ở thôn Minh Huệ xã Kỳ Nam đã bị phá trắng để nuôi tôm (Ảnh: Trần Tuấn)
Chính quyền địa phương yêu cầu trừ hành lang 30m ngoài phía biển có cây phi lao. Thế nhưng giờ đã bị phá trắng (Ảnh: Trần Tuấn)
Chính quyền địa phương yêu cầu trừ hành lang 30m ngoài phía biển có cây phi lao. Thế nhưng giờ đã bị phá trắng (Ảnh: Trần Tuấn)
Những thân cây phi lao thuộc hành lang 30m vừa bị phá bỏ. (Ảnh: Trần Tuấn)
Những thân cây phi lao thuộc hành lang 30m vừa bị phá bỏ  (Ảnh: Trần Tuấn)
Theo người dân, doanh nghiệp dùng máy xúc đập gãy và nhổ lên cả gốc để san ủi mặt bằng.(Ảnh: Trần Tuấn)
Theo người dân, doanh nghiệp dùng máy xúc đập gãy và nhổ lên cả gốc để san ủi mặt bằng (Ảnh: Trần Tuấn)
"Chiếc áo giáp" che chắn cho dân bị phá bỏ không thương tiếc (Ảnh: Trần Tuấn)
“Chiếc áo giáp” che chắn cho dân bị phá bỏ không thương tiếc (Ảnh: Trần Tuấn)
Trong khi trước đó, hơn 90 ha đất ruộng cũng ngay tại xã Kỳ Nam bị thu hồi cho Cty Việt Anh nuôi tôm đã bỏ hoang gần chục năm nay (Ảnh: Trần Tuấn)
Trong khi trước đó, hơn 90 ha đất ruộng cũng ngay tại xã Kỳ Nam bị thu hồi cho Cty Việt Anh nuôi tôm đã bỏ hoang gần chục năm nay (Ảnh: Trần Tuấn)