Hàng loạt công trình “lạ” bên bờ sông Lô: “Sốc” với vi phạm của chủ đầu tư

ThienNhien.Net – Báo Xây dựng đã thông tin trong những bài báo trước về hàng loạt các công trình xây dựng mọc lên sát bờ Sông Lô, cạnh Quốc lộ 2, đoạn cây số 15, qua xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Những công trình trên là của người dân địa phương xây dựng để chờ đền bù khi triển khai dự án thủy điện Sông Lô 2, do Công ty TNHH Thanh Bình làm chủ đầu tư. Những thông tin liên quan đến dự án chưa được minh bạch khiến người dân, chính quyền địa phương có nhiều hoài nghi.

Vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, các sở, ngành tỉnh Hà Giang bị đặt dấu hỏi khi dự án triển khai khởi công nhiều tháng trời mới bị phát hiện là hồ sơ thực hiện chưa đủ căn cứ pháp lý.
Vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, các sở, ngành tỉnh Hà Giang bị đặt dấu hỏi khi dự án triển khai khởi công nhiều tháng trời mới bị phát hiện là hồ sơ thực hiện chưa đủ căn cứ pháp lý.

Trong khi đó, tiếp tục đi sâu tìm hiểu về dự án này từ các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang, phóng viên Báo Xây dựng đã phát hiện những vi phạm hết sức nghiêm trọng từ phía chủ đầu tư.

Nhiều cơ quan bị “qua mặt”

Theo tìm hiểu, dự án thủy điện Sông Lô 2 do Công ty TNHH Thanh Bình làm chủ đầu tư, sau nhiều lần thay đổi, điều chỉnh công suất thì đến thời điểm mà doanh nghiệp này khởi công dự án, công suất lắp máy của thủy điện Sông Lô 2 là 28MW. Chiếu theo quy định về quản lý, quy hoạch, đầu tư, xây dựng và vận hành dự án thủy điện… hiện hành của Bộ Công Thương thì dự án trên thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch là Bộ Công Thương.

Áp dụng và chiếu theo những quy định trên thì Công ty TNHH Thanh Bình phải lập, gửi hồ sơ và chờ ý kiến, quyết định phê duyệt điều chỉnh thủy điện Sông Lô 2 từ phía Bộ Công Thương, sau đó mới được phép triển khai các bước tiếp theo của dự án. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, dựa vào đâu mà Công ty Thanh Bình đã “phớt lờ” các quy định về chuyên môn khởi công dự án khi chưa có sự chấp thuận, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch từ Bộ Công Thương.

Làm việc với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang xác nhận, thông tin dự án thủy điện Sông Lô 2 được khởi công từ năm 2015 và tại thời điểm doanh nghiệp khởi công công trình này là chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của Bộ Công Thương.

Lý giải về trách nhiệm của Sở Công Thương trong việc nắm bắt, quản lý chuyên môn về lĩnh vực thủy điện trên địa bàn tỉnh tại sao lại để một công trình thủy điện có ảnh hưởng tác động đến địa bàn dân cư địa bàn rộng lớn khởi công từ tháng 4/2015, Sở Công Thương mới đi kiểm tra, mới phát hiện doanh nghiệp vi phạm, liệu rằng có sự buông lỏng trong quản lý, ông Hậu cho rằng, những năm trước Sở quản lý chuyên môn ngành sẽ có những chỉ đạo, những năm gần đây để giảm bớt những thủ tục, chủ đầu tư tự làm, tự khởi công. Về sau phát hiện, Sở Công Thương mới tiến hành kiểm tra.

Ông Hậu cũng khẳng định, việc Công ty TNHH Thanh Bình khởi công khi chưa được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là không đúng quy định.

Cũng trong buổi làm việc với phóng viên Báo Xây dựng, liên quan đến vấn đề chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2 không công bố quy hoạch, cắm biển tại nơi thực hiện dự án để cư dân được biết, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, Nguyễn Văn Hậu thừa nhận đó là sai sót của chủ đầu tư.

Bị “tuýt còi” về những sai phạm

Trong một văn bản về tình hình thực hiện dự án thủy điện Sông Lô 2 gửi phóng viên Báo Xây dựng vào ngày 15/7/2016, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cũng chỉ ra một số thiếu sót, vi phạm của chủ đầu tư: tại thời điểm kiểm tra (10/4/2016), hồ sơ đề nghị phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án chưa được Bộ Công Thương phê duyệt, do vậy hồ sơ thiết kế điều chỉnh dự án chưa có căn cứ pháp lý để chủ đầu tư lập, thẩm định và phê duyệt. Như vậy, các hồ sơ thiết kế điều chỉnh của dự án đang sử dụng để thực hiện thi công tại công trường không có cơ sở pháp lý. Hồ sơ thiết kế hệ thống đê bao bờ trái đã được Sở Công Thương thẩm định trong thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật nhưng hiện nay chủ đầu tư dịch ra phía bờ sông. Hồ sơ chỉnh sửa chưa được cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn về xây dựng thẩm định theo quy định, do vậy chưa được cấp phép xây dựng. Hồ sơ thiết kế đê bao bờ phải được chủ đầu tư thiết kế bổ sung nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến đường giao thông Quốc lộ 2 và diện tích đất nông nghiệp bên bờ phải, nhưng hồ sơ thiết kế vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn về xây dựng thẩm định theo quy định, do vậy chưa được cấp phép xây dựng. Các hạng mục đã được cấp phép xây dựng: Nhà máy, cửa lấy nước, trạm biến áp 110KV; các hạng mục còn lại chưa được các cấp thẩm quyền cấp phép. Việc triển khai công tác thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng đê bao bờ phải chưa thực hiện được…

Được biết, ngay sau buổi kiểm tra của Sở Công Thương đối với thủy điện Sông Lô 2, Sở Công Thương đã yêu cầu tạm dừng dự án đến khi có quyết định chính thức của Bộ Công Thương.

 Không công bố quy hoạch, cắm biển tại nơi thực hiện dự án để cư dân được biết là sai sót của chủ đầu tư dự án Sông Lô 2.
Không công bố quy hoạch, cắm biển tại nơi thực hiện dự án để cư dân được biết là sai sót của chủ đầu tư dự án Sông Lô 2.

Trong một diễn biến khác, tại báo cáo số 82 của Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang về kết quả triển khai thực hiện Công văn số 1251/UBND – CNGTXD ngày 5/5/2016 của UBND tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về dự án Thủy điện Sông Lô 2 cũng đã chỉ rõ: đối với các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án như thi công các hạng mục khi chưa có giấy phép xây dựng, thiết kế và thi công không tuân thủ theo thiết kế cơ sở, Thanh tra Xây dựng có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư chấp hành các nghĩa vụ, chấp hành các quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh; khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà ở, công sở.

Như vậy, những sai phạm trên của chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2 đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang “tuýt còi”. Tuy nhiên, điều khiến dư luận địa phương băn khoăn và đặt dấu hỏi là: Tại sao một dự án lớn có yêu cầu về quy trình thủ tục rất nghiêm ngặt, chặt chẽ mà lại có thể ngang nghiên “qua mặt” được các cơ quan chức năng dễ dàng đến vậy? Và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, các sở, ngành tỉnh Hà Giang đến đâu khi mà dự án triển khai khởi công nhiều tháng trời mới bị phát hiện là hồ sơ thực hiện chưa đủ căn cứ pháp lý?…

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.