Những người canh mưa lũ ở miền Tây Thanh Hóa: Bài 1 – Vượt mọi gian khó đảm bảo thông tin

Trong những ngày Xuân Kỷ Hợi năm 2019, chúng tôi có dịp lên vùng cao Lang Chánh, Quan Hóa và Mường Lát thuộc miền Tây của tỉnh Thanh Hóa, để được “mục sở thị” công việc của những người làm nhiệm vụ cảnh báo, dự báo và thông tin về diễn biến thời tiết 24/24 giờ thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia ghi nhận, khu vực Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng của 19 loại hình thiên tai do yếu tố khí tượng thủy văn gây ra. Đặc biệt là hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lũ quét, dông, lốc, sét, ngập lụt và mưa lớn. Do đó, đội ngũ cán bộ và quan trắc viên ở đây ngoài việc vượt qua cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, họ phải thực sự tận tâm với nghề mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mưa lũ gây ngập nhà dân tại xã Thiệu Dương (Thanh Hóa) hồi tháng 8/2018.

Theo đánh giá của Phó Giáo sư Tiến sĩ , Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Trần Hồng Thái, số liệu quan trắc của các trạm khí tượng thủy văn tại các khu vực vùng sâu như Lang Chánh, Quan Hóa, Mường Lát… nơi thượng nguồn sông Mã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong dự báo, cảnh báo thiên tai. Bởi những dữ liệu quan trắc trong quá khứ cũng như hiện tại được sử dụng trực tiếp trong các phương án dự báo, các mô hình tính toán để sau đó các dự báo viên có thể đưa ra được những bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, bám sát diễn biến thời tiết, thiên tai.

Gian khổ vẫn gắn bó với nghề

Rời Hà Nội đông đặc người và phương tiện ngược xuôi, xe của đoàn công tác Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia chở chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh thẳng tiến lên các huyện miền Tây của Thanh Hóa. Những làng bản dọc hai ven đường vẫn ngập tràn sắc Xuân với cờ Tổ quốc, cờ Đảng phấp phới bay trước những ngôi nhà đua chen với sắc hoa đào, hoa mơ, hoa mận, dù cái Tết Kỷ Hợi đã qua từ lâu. Còn trên các rẻo cao người cấy, người cày đông vui như trẩy hội.

Trái ngược với khung cảnh ấy, Trạm Thủy văn Lang Chánh với ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, ẩm thấp nằm lọt thỏm trong khu dân cư của huyện Lang Chánh có núi Bù Rinh cao tới 1.291m so với mực nước biển. Trạm Thủy văn xây dựng từ năm 1990, do vị trí thấp hơn mặt đường hàng chục mét, lại có hệ thống thoát nước đi qua nên tháng 6/2012, nước lũ dâng cao ngập tới tận nóc Trạm. “May mắn là Trạm có tum nên mọi máy móc, thiết bị  đều được anh em kịp thời tập kết lên trên ấy. Còn đồ đạc cá nhân không kịp chuyển bị lũ cuốn sạch”-Trạm trưởng Nguyễn Trung Kiên nhớ lại.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ Nguyễn Văn Lượng hơn 30 năm gắn bó với ngành bộc bạch: “Đã chọn ngành khí tượng để lập nghiệp thì ai cũng biết phải chịu nhiều gian khó, nhất là những anh chị em công tác tại các trạm miền núi biên giới. Vì thế mọi người đều xác định sướng hay khổ cũng vì nghề”.

Riêng ông, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Khí tượng Thủy văn Trung ương năm 1985 đã được điều về công tác tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Mới đầu làm quan trắc viên tại Trạm Khí tượng Thủy văn Yên Định, rồi Trạm Tĩnh Gia, tiếp đó là Trạm Hồi Xuân, Như Xuân. Tới năm 2001, ông được điều chuyển về làm Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 2010 cho đến nay, ông đảm trách Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ.

“Lăn lộn bao nhiêu năm trong nghề, sướng thì ít, gian khổ thì nếm trải nhiều nên tôi rất đồng cảm với anh chị em. Tôi luôn nhắc nhở các Trạm là vượt qua mọi trở ngại, quan trắc đầy đủ các yếu tố khí tượng thủy văn và môi trường. Tài liệu thu thập chính xác tuyệt đối, không quên ca, chậm “ốp” (quan trắc, đo đạc ) vì đó là trách nhiệm và niềm tự hào của các Trạm và của từng quan trắc viên”-Giám đốc Nguyễn Văn Lượng chia sẻ.

Vật lộn với lũ dữ sông Mã

Trong số 22 Trạm Khí tượng Thủy văn đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có thể nói Trạm Thủy văn Mường Lát (huyện Mường Lát) phải gánh vác nhiệm nặng nề nhất trong việc đánh giá tình hình thủy văn thượng nguồn sông Mã, từ tỉnh Sơn La và phía Lào về tới đầu nguồn sông Mã tại Thanh Hóa. Ngoài việc dự báo, cảnh báo thiên tai như lũ, lũ quét, sạt lở đất tại địa bàn Mường Lát, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn nơi đây còn giúp dự báo lưu lượng nước đổ về hồ Thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa), cũng như góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cho các huyện phía hạ lưu như Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Yên Định.

Mặc dù đang là mùa khô, gió chỉ khoảng cấp 4 nhưng khúc sông Mã thuộc bản Nà Khà, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát vẫn cuồn cuộn chảy, gợi nhớ câu thơ “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” trong bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng thời kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cùng với các quan trắc viên đi trên chiếc tàu của Trạm Thủy văn Mường Lát thực hiện quan trắc, đo đạc các yếu tố thủy văn tại đoạn sông này trong điều kiện thời tiết “lý tưởng”, thế mà không ít người trong số chúng tôi vẫn chao đảo đứng không vững vì sóng và gió. Trong khi Trạm mỗi ngày đều như “vắt chanh” phải thực hiện bình quân trong ngày ít nhất 8 “ốp” đo và lấy dữ liệu thủy văn sông Mã, để điện báo về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa và Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo quy định và khi có yêu cầu đột xuất.

Theo báo cáo của Trạm trưởng Trạm Thủy văn Mường Lát Lê Xuân Tình, năm 2018 là năm khốc liệt nhất đối với đội ngũ cán bộ của Trạm. Vì khu vực Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão số 3, số 4 và 1 áp thấp nhiệt đới (16 – 17/7); 19 đợt không khí lạnh, 3 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt mưa vừa đến mưa to; 8 đợt nắng nóng.

Đặc biệt vào cuối tháng 8/2018, chịu ảnh hưởng của Rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ hoạt động mạnh nối với vùng áp thấp phát triển từ mặt đất lên đến độ cao  5.000m di chuyển từ Đông sang Tây. Trên cao, Lưỡi áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây nên ở Thanh Hóa và phía Bắc Nghệ An đã có mưa vừa đến mưa to, riêng trung du và miền núi đã có mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa trong đợt này ở Thanh Hóa và Bắc Nghệ An phổ biến 50-120mm, một số nơi nhiều hơn như Mường Lát 416,9mm; Thạch Quảng 242mm; Sầm Sơn 191mm; Cẩm Thủy 185mm; Lang Chánh 165mm.

Trên các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An đã xuất hiện một đợt lũ đặc biệt lớn. Lũ trên các sông Thanh Hóa trên mức báo động  III, riêng tại Trạm Hồi Xuân, Trạm Cẩm Thủy đã vượt lũ lịch sử năm 2007. Tại Mường Lát lũ lên tới 175,66m lúc 5h ngày 30/8, xấp xỉ so với năm 1996.

Kể về diễn biến thông tin đợt mưa lũ từ ngày 28-31/8/2018, Trạm trưởng Lê Xuân Tình giọng vẫn còn thảng thốt: Sau khi nhận được cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa về mưa lớn diện rộng, lũ, lũ quét và sạt lở đất ở Thanh Hóa và Nghệ An. Trạm huy động đủ 5 cán bộ ứng trực 24/24 giờ, bất chấp mưa to lũ lớn vẫn chủ động tăng chế độ quan trắc và thu thập số liệu báo cáo cập nhật cho Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ. Từ đó số liệu quan trắc được chuyển về Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Tuy nhiên đến 7 giờ ngày 30/8, đoạn đường trước và sau Trạm đều bị sạt lở hoàn toàn. Đặc biệt là sóng điện thoại và mạng Internet trên địa bàn huyện Mường Lát bị gián đoạn. Buộc Trạm phải liên tục cử quan trắc viên “đội mưa đạp lũ” sang tận Cửa khẩu và Hải quan của nước bạn Lào đề nghị được chuyển số liệu về Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa. Mãi đến 15h ngày 31/8, hệ thống viễn thông của huyện Mường Lát mới được khôi phục, kể từ đó Trạm Thủy văn Mường Lát mới cập nhật tại chỗ thông tin thủy văn được cho Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa. “Thật may mắn, vì nếu kéo dài thêm vài ngày nữa thì trẻ khỏe như cậu Diệp Huy Hoàng (sinh năm 1990) cũng không còn sức để chạy từ Trạm sang Hải quan của Lào để chuyển số liệu”- Trạm trưởng Lê Xuân Tình nói.