Khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn khai khoáng

ThienNhien.Net – Bên cạnh những tác động tích cực lên phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động khai thác khoáng sản còn có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến con người, môi trường, các hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, dưới sức ép của nhu cầu phát triển kinh tế, những ảnh hưởng này vẫn chưa được tính toán và cân nhắc một cách đầy đủ. Đó là khẳng định trong Báo cáo nghiên cứu “Khoáng sản – Phát triển – Môi trường: Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) xuất bản mới đây.

Với 3 phần nội dung chính, “Khoáng sản – Phát triển – Môi trường: Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn“, Báo cáo cung cấp cho độc giả các phân tích và bằng chứng khoa học đánh giá vai trò của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đối với nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam.

Một điểm khai thác khoáng sản ở Hà Giang (Ảnh: ThienNhien.Net)
Một điểm khai thác khoáng sản ở Hà Giang (Ảnh: ThienNhien.Net)

Trong khuôn khổ báo cáo, nhóm nghiên cứu đã đánh giá ảnh hưởng của ngành công nghiệp khai khoáng với vấn đề giảm nghèo cấp quốc gia, đồng thời đưa ra các bằng chứng hiện trường về tác động của công nghiệp khai khoáng đối với người dân địa phương để có được bức tranh toàn diện hơn về mối liên hệ khai thác khoáng sản – giảm nghèo và phân tích những tác động của chính sách quản lý khoáng sản hiện tại đối với nỗ lực giảm nghèo.

Đồng thời, nhóm cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách như áp dụng sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI), bảo vệ quyền lợi của người dân và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, đảm bảo sự tham gia và tiếng nói của địa phương trong hoạt động khai khoáng và thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản…

Các quan điểm truyền thống thường cho rằng việc phát triển công nghiệp khai khoáng sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Nguồn thu từ xuất khẩu khoáng sản là phương tiện quan trọng cho các chương trình phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, hoạt động khai khoáng còn có thể tạo công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan. Về lý thuyết, tất cả những yếu tố này đều đóng góp tích cực cho nỗ lực giảm nghèo. Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu gần đây lại chứng tỏ việc khai thác mỏ khiến tình trạng đói nghèo ngày càng trầm trọng hơn. Điều này phản ảnh ở hiện tượng các nước giàu tài nguyên như Nigeria, Congo, Sudan rơi vào tình trạng đói nghèo và khủng hoảng trong khi các nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore lại bứt phá trở thành những nền kinh tế lớn trên thế giới.