Truy quét vàng tặc

ThienNhien.Net – Đã mấy tháng nay, một số bưởng vàng ở Thái Nguyên dạt vào An Phú (Lục Yên, Yên Bái) câu kết với một số người dân bản địa tổ chức khai thác vàng trái phép, khiến cho tình hình an ninh trật tự ở một xã vùng đặc biệt khó khăn trở nên phức tạp…

Trăn trở của chủ tịch huyện 

Khi biết tôi đang có mặt ở vùng rừng An Phú xác minh những thông tin về việc hai cá thể hổ mới xuất hiện ở đây, ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch huyện Lục Yên bảo tôi: May quá, mai anh nán lại Lục Yên thêm một buổi giúp chúng tôi một việc. Tôi hỏi: Việc gì vậy, thưa anh? Lát nữa lên phòng tôi trao đổi kỹ với anh…

Khi đã chốt cửa phòng anh mới mở cho tôi xem mấy clip do chính anh quay khi đột nhập vào bãi vàng thổ phỉ tại thôn Nà Hà nằm ở cuối cùng của xã An Phú: Điểm khai thác vàng trái phép này xuất hiện từ trước Tết do một số đối tượng từ Thái Nguyên sang tổ chức khai thác. Nghe anh em báo cáo tôi đã chỉ đạo chính quyền xã phải trục xuất các đối tượng lạ mặt ra khỏi địa bàn, dẹp điểm khai thác vàng trái phép này ngay không để chúng phình to, khi đó sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp.

Cách nay một tháng huyện thành lập một đoàn công tác giải tỏa tụ điểm khai thác vàng này, thu giữ 3 máy nghiền đất đá, nhưng chỉ ít ngày sau chúng lại mua máy khác về tiếp tục khai thác.

Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Điểm khai thác vàng trái phép chỉ cách trụ sở UBND xã An Phú hai cây số mà mấy tháng nay vẫn không dẹp được, phải chăng đứng sau đám vàng tặc này có ai đó bảo kê?

Đau đầu quá! Hôm qua (3/5) tôi cùng đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện cùng một số anh em chuyên môn đột nhập vào bãi vàng. Tại đây có 6 máy nghiền đất đá đang hoạt động, nhìn những hầm và giếng đào vàng sâu hun hút thấy nguy hiểm quá. Mùa mưa đã đến, nếu để tình trạng khai thác thổ phỉ này tồn tại, chết người là điều khó tránh khỏi. Tôi quyết định phải giải tỏa ngay…

Cuộc đột kích lúc 9 giờ ngày Chủ nhật 

Theo kế hoạch đã vạch ra, tôi cùng Dương Ngọc Thạch – Trưởng phòng Tư pháp đi xe máy xuất phát sau xe của Trưởng công an huyện Hoàng Văn Đường, người chở tôi là Đoàn Ngọc Nam.

Tôi bảo Thạch: Mình đi xe máy không đuổi kịp ô tô đâu, đường vào An Phú đèo dốc rất khó đi, nếu vậy sẽ khó khăn cho việc tác nghiệp báo chí…

Nghe tôi trình bày như vậy, Thạch quyết định nhóm chúng tôi đi trước. Đường từ UBND xã An Phú vào thôn Nà Hà dài khoảng hai cây số nhưng vô cùng lầy lội, nhiều đoạn bùn ngập nửa bánh xe, tôi phải xuống xe lội bùn mà đi. Chúng tôi tấp xe máy vào quán ven đường khi cách bãi vàng chừng nửa cây số, ngồi trong quán nghe rõ mồn một tiếng máy nghiền đá đang chạy ầm ầm.

Thấy chúng tôi là người lạ, một số người hàng xóm vào quán hỏi đi đâu mà vào đây, tôi nói rằng mình là người của Cục Kiểm lâm, đi xác minh thông tin hổ xuất hiện ở đây để đánh lạc hướng sự chú ý của những “con chim lợn” đang lảng vảng ngoài quán.

Tiếng máy nghiền đất đá vẫn nổ giòn giã, gần một tiếng đồng hồ chờ đợi, tôi vô cùng sốt ruột chờ đoàn công tác của Hoàng Văn Đường tới. Để kéo sự chú ý của những người có mặt trong quán tôi mở máy ảnh cho họ xem những hình ảnh mà tôi chụp khi đi xác minh thông tin hổ xuất hiện.

Khoảng 8h30 phút, tự nhiên thấy tiếng máy nghiền đất đá ngừng hoạt động, tôi hỏi Thạch: Hay bị lộ nên chúng cho ngừng máy? Thạch gật đầu: Có lẽ bị lộ rồi anh ạ…

Tôi vội vã điện cho Bùi Văn Thịnh, anh bảo tôi: Anh chờ một lát, đoàn của anh Đường sắp tới nơi rồi… Hóa ra, để tránh sự theo dõi của “bầy chim lợn” mà các “bưởng” vàng cài cắm suốt dọc đường từ thị trấn Yên Thế vào tận bãi vàng đoàn phải đi lòng vòng qua nhiều con đường để đánh lạc hướng, khả năng đoàn công tác tới gần UBND xã An Phú thì bị phát hiện, chúng vội báo cho nhau.

Dương Văn Thạch không đợi thêm được nữa anh bảo tôi lên thẳng bãi vàng, lúc đó khoảng 9h sáng ngày Chủ nhật 5/5/2013.

Thấy chúng tôi, bãi vàng trở nên náo loạn, theo lệnh “bưởng” vàng những “vàng tặc” vội vã tháo máy nổ, máy nghiền, vác máng đãi, bàn lọc vàng, thùng đựng dầu, xe con cóc chở đất… khiêng vác dụng cụ đào đãi vàng tháo chạy.

Chừng 10 phút sau thì xe của đoàn trưởng Hoàng Văn Đường xuất hiện, những chiến sĩ công an được giao nhiệm vụ đuổi theo các “vàng tặc” đang khiêng máy móc, buộc họ phải vứt máy giữa đường chạy thoát thân. “Vàng tặc” chạy vào các nhà dân gần đó, khiến chó sủa inh ỏi, tôi nhìn ra cánh đồng dưới chân đồi thấy một đoàn “vàng tặc” ngót hai chục người đang men theo các bờ ruộng thoát ra khỏi bãi vàng. Tôi leo lên chiếc lán dựng chỗ cao nhất trên sườn đồi, đây là lán của “bưởng” vàng ăn nghỉ.

Theo thông tin của người dân mà tôi nắm được, có 5 người từ Thái Nguyên sang, một người mặc quần lửng, áo may ô để lộ trên cánh tay những hình xăm nhằng nhịt, có thể đây là “bưởng” trưởng. Anh ta chạy ra phía sau lều như thể giấu vàng, khi thấy tôi đi về phía đó thì một người mặc bộ quần áo màu ghi chạy theo, họ nói với nhau điều gì đó, hai người đứng lại mắt gườm gườm nhìn tôi vẻ mặt dữ tợn.

Khoảng nửa giờ sau, những phụ nữ, trẻ em từ quanh đó kéo nhau lên bãi vàng, mấy người phụ nữ quang quác kể khổ, một người chừng 60 tuổi là chủ bãi đất tay khua khua con dao: Ai thu máy của nhà kia tôi chém để đi tù. Dân Nà Hà mỗi nhà chỉ 11 thước đất ruộng, đói không có gì ăn phải khoét đất kiếm mấy đồng. Đi tù còn có cơm mà ăn, ở nhà thì ăn cháo…

Trong khi đó gần chục thanh niên xúm quanh một chiếc máy nghiền bỏ giữa rừng vầu định cướp đi, một chiến sĩ công an lên tiếng: Chúng tôi đang làm nhiệm vụ cấp trên giao, ai là chủ của chiếc máy này thì cho biết tên, còn những người không phải là chủ máy thì đừng động tay vào máy…

Khoảng nửa giờ sau thì ông Lộc Văn Lương – Chủ tịch UBND xã An Phú xuất hiện. Ông Lương cho biết khu đất đang khai thác vàng trái phép của mấy hộ gia đình, đây là đất vườn rừng. Những người khai thác vàng tới đây khai thác từ tháng 11/2012, xã đã ba lần thông báo buộc họ dỡ lều lán, chấm dứt khai thác vàng trái phép nhưng họ không chịu chuyển đi… Ông Hoàng Văn Đường yêu cầu các lán vàng tự dỡ, nếu đoàn công tác tháo dỡ thì họ phải chịu mọi chi phí, khi đó người ta mới chịu dỡ lán.

Tan hoang cả khu mộ 

Bà Ngô Thị Yên, người khua khua con dao lớn tiếng đe dọa những người trong đoàn công tác, sau khi đã “hạ hỏa”, chỉ mấy gốc cây sơn mới trồng, bảo tôi: Đây là đất của ông bà tôi để lại, mộ các cụ dưới kia. Tôi trồng 500 gốc sơn sau này bán nhựa cho những người dưới Phú Thọ…

Tôi đếm được ba, bốn ngôi mộ nằm giữa những đống đất đỏ loét, bên cạnh đó là những giếng đào vàng sâu hun hút, có giếng đo được 8 mét. Những ụ đất từ các hầm vàng, giếng vàng moi từ lòng đất đổ ngổn ngang quanh những ngôi mộ, mặt đất bị cày nát nham nhở. Nếu không nhìn thấy những chiếc chân hương còn sót lại thì chúng tôi không thể tin nổi đây là khu mộ của những người dân ở đây, mặt đất đã biến dạng khủng khiếp, những chiếc giếng vàng cái được rào sơ sài, cái thì lấp qua loa bằng tàu cọ, chẳng may trâu bò hay người đi qua nỡ sảy chân rơi xuống đó thì mất mạng như chơi.

Tai ương từ bãi vàng sau khi các “bưởng” và “vàng tặc” rút đi chắc chắn sẽ còn gieo rắc xuống mảnh đất này.

Nông nghiệp Việt Nam gửi tới bạn đọc những hình ảnh cuộc truy quét “vàng tặc” ở An Phú (Lục Yên, Yên Bái)

080513_PSA_vang1
Tan hoang bãi vàng
080513_PSA_vang2
Khiêng máy chạy trốn
080513_PSA_vang3
Lán ở của “bưởng” vàng
080513_PSA_vang4
Nước bơm từ dưới suối lên các bể chứa di động để đãi vàng
080513_PSA_vang5
Các chiến sĩ CA bảo vệ tang vật
080513_PSA_vang6
Khiêng máy tịch thu về điểm tập kết
080513_PSA_vang7
Đầu máy nổ và máy nghiền đất đá bị tịch thu
080513_PSA_vang8
Giếng vàng – những chiếc bẫy trong tương lai