Rừng quanh Vườn quốc gia Cát Tiên ngày đêm chảy máu – Bài 2

Những đội quân trộm gỗ

ThienNhien.Net – Trên số trước, chúng tôi đề cập việc vận chuyển gỗ về xuôi ngang qua các chốt, trạm kiểm lâm của một trùm gỗ lậu.

Kỳ này, chúng tôi theo chân các nhóm lâm tặc vào rừng và không khỏi giật mình trước cảnh nhộn nhịp của việc trộm, đưa gỗ ra khỏi rừng.

Công nghệ san phẳng rừng già 

Chỉ hai năm trước, ngay thôn 5, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, người dân có ý định xâm nhập vào rừng lấy gỗ lậu đều phải e dè với tấm bảng “Vùng đệm rừng quốc gia Cát Tiên, cấm vào!” dựng ngay bìa rừng. Vậy mà nay từ bảng cảnh báo đến vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên dài hàng chục cây số đã gần như không còn dấu tích của rừng, chỉ còn lại cỏ, sim, mua và những thực vật vừa mọc lại sau khi rừng bị đốt trụi. Và tất nhiên bảng cảnh báo xưa kia cũng bị đập bỏ…

Nếu trước đây mỗi nhóm thợ rừng thường phải có năm, sáu người với lỉnh kỉnh công cụ như cưa, rìu, trâu kéo… thì nay một nhóm thợ rừng chỉ cần ba người. Với một chiếc cưa máy (cưa lốc), một chiếc cảo được chế ra từ một động cơ xe máy là có thể đốn hạ bất cứ loại cây nào.

Vùng đệm rừng quốc gia Cát Tiên gần như không còn dấu tích của rừng. (Ảnh: DĐ/Pháp luật TP.HCM)
Vùng đệm rừng quốc gia Cát Tiên gần như không còn dấu tích của rừng. (Ảnh: DĐ/Pháp luật TP.HCM)

Anh K’Nhac ở Đạ Huoai cho biết có hàng trăm nhóm thợ rừng chuyên đi khai thác rừng thuê. Mỗi mét khối gỗ bao bì khai thác được, thợ rừng được trả từ 150.000 đến 175.000 đồng. “Sức như tôi, với một cái cưa máy, một ngày tôi có thể san phẳng vài hecta rừng là chuyện không khó” – anh K’Nhac nói.

Sáng 6-2, trong vai lâm tặc săn gỗ sơn huyết, chúng tôi theo anh Tr., một lâm tặc lâu năm, thâm nhập rừng Đạ Huoai. Theo anh Tr., những lâm tặc như anh chỉ tìm và lấy các loại gỗ to, có tên tuổi như sơn huyết, căm xe, dổi, cẩm thị vì các loại gỗ này có giá cao, các “đầu nậu” hay săn mua. Tại một cánh rừng, sau hơn 1 tiếng hạ cây căm xe to hơn hai người ôm, anh Tr. lắc đầu bảo: “Đi tìm cây khác, cây này lõi quá nhỏ”. Đến 11 giờ, sau khi tời bốn khúc căm xe dài gần 2 m, rộng 40 cm2, anh Tr. gọi chúng tôi ăn trưa rồi chằng xe chở gỗ về. Xung quanh, tiếng cưa lốc xẻ gỗ vẫn rền vang, “họ đang tìm những loại gỗ theo đặt hàng của các “đầu nậu” thu mua gỗ lậu” – anh Tr. nói.

Và cũng như những khu rừng khác, chúng tôi bí mật ghi lại hình ảnh gỗ bị lâm tặc đốn hạ bằng cưa máy nhưng không thấy bất cứ sự can thiệp nào của lực lượng bảo vệ rừng.

Ngày 8-4, theo chân anh K’Nhac đi rừng, chúng tôi được dịp chứng kiến cảnh người ta phá rừng nhộn nhịp như chốn không người: Trên đường vào rừng, xe tải, xe ben, xe máy rầm rập vào rừng lấy gỗ. Chúng tôi liên tục tấp vào mõm vực để tránh các xe be chở gỗ lớn ì ạch chạy ngược chiều. “Người đi rừng có luật riêng. Bất kể xe lớn hay nhỏ, cứ xe không là phải tránh xe chở gỗ” – anh K’Nhac nói.

Sau khi vượt qua đoạn đường dài gần 10 km, dọc hai bên đường, tiếng cưa máy gầm rú, tiếng cây đổ ào ào của những đội quân khai thác có mặt ở rừng từ tinh mơ.

230413_CMT_cattien3
Lâm tặc hạ gỗ trong Vườn quốc gia Cát Tiên và đưa gỗ ra khỏi rừng (Ảnh: DĐ/Pháp luật TP.HCM)

230413_CMT_cattien2

Đi sâu vào vùng rừng Đạ Tẻh, chúng tôi gặp rất nhiều nhóm thợ rừng đang trộm gỗ. Theo lý giải của họ: Trước đây người dân lấy gỗ phải trốn kiểm lâm, còn bây giờ hầu hết rừng đã rơi vào tay của một số công ty nên thợ rừng bị xem như kẻ trộm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những thợ rừng “trộm” gỗ này trang bị cưa lốc và họ chỉ chọn những cây gỗ lớn, có giá trị cao như dổi, căm xe, cẩm thị, sơn huyết, gõ, sao… để đốn hạ. Họ là những người dân sống ở hai huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh không có đất đai để canh tác nên họ vào rừng săn gỗ. Anh D. ngụ huyện Đạ Tẻh, chủ một quán cóc bên bìa rừng, cho biết gỗ được đem về giấu trong vườn hoặc ngâm dưới lòng hồ chờ các “đầu nậu” đến thu gom.

Đưa gỗ ra khỏi rừng 

Từ 3 giờ chiều, con đường từ rừng Đạ Tẻh về xã Quốc Oai nhốn nháo cảnh người dân đi canh kiểm lâm cho xe chở gỗ. Nghi chúng tôi là kiểm lâm, những người đi canh đường đã điện thoại cho lâm tặc dừng lại.

Một thanh niên áp sát hỏi chúng tôi bằng giọng lơ lớ của người dân tộc: “Đi đâu?”. Khi biết chúng tôi đi rừng cùng anh K’Nhac, ngay lập tức nhiều người điện thoại cho xe gỗ tiếp tục ra khỏi rừng.

Trên đường các tốp thợ rừng, mỗi tốp khoảng 10 chiếc xe máy trên xe chở các khúc gỗ mà họ đã săn được sau một ngày xới tung rừng già. Tiếng xe máy vượt dốc nẹt pô vang rừng, kéo theo dòng bụi đất đỏ nghi ngút. Các thợ rừng gọi loại xe chở gỗ này là xe “bọ gậy”. Nó là các xe cũ được độ lại máy móc, xoáy nòng, đôn dên, gắn thêm phuộc nhún và hầu hết đều không có giấy tờ. Những xe này có thể dễ dàng theo lâm tặc vượt núi, băng rừng.

Sau các đợt xe máy chở gỗ, khoảng 16 giờ trở đi là thời gian dành cho các loại xe be, xe ben, xe tải chở củi, gỗ bao bì và gỗ be (loại gỗ lớn, dài). Theo một kiểm lâm địa bàn, hầu hết các xe tải, xe ben đều cắt cử người canh đường (canh kiểm lâm), khi nào thấy thật sự an toàn thì mới cho xe ra. Có khi hàng chục xe tải chất gỗ xong đậu lại ở rừng tới rạng sáng, chờ “đặc tình” báo an toàn mới đánh xe về xuôi.

Chỉ vào một đoàn bốn chiếc xe chở gỗ bao bì, anh K’Lu (xã Quốc Oai) cho biết trước đây anh cũng đi chở gỗ thuê như họ, mỗi ster gỗ chở từ rừng ra được trả 250.000 đồng. Tuy nhiên, nghề chở gỗ từ rừng ra bãi quá nguy hiểm, đặc biệt vào mùa mưa, xe dễ trượt ngang từ đỉnh núi xuống vực nên anh đã bỏ nghề, về đi đốn rừng thuê.

Sau một đêm ngủ lại bìa rừng, đến 6 giờ 30 ngày 9-4, tại xã Quốc Oai, chúng tôi dễ dàng ghi lại hình ảnh hàng chục xe cẩu loại lớn đang chở gỗ từ rừng hướng về xuôi. Những xe chở gỗ này có hai biển số với một biển số trắng ở đầu xe và một biển số đỏ ở đuôi xe.

Anh K’Lu nói: “Giờ người ta thuê cả xe biển số đỏ để chở gỗ cho an toàn, ít bị công an hoặc kiểm lâm làm khó”.

Theo tìm hiểu, gỗ lậu được các “đầu nậu” mua lại từ lâm tặc rồi thuê người chở bằng xe máy tập kết ở một địa điểm gần bìa rừng. Chờ đến tối hoặc kiểm lâm về chốt, các chủ gỗ thuê các nhóm vận chuyển gỗ áp tải qua khỏi địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Từ đây, gỗ lậu được sang xe khác vận chuyển về TP.HCM, TP Biên Hòa và các tỉnh lân cận tiêu thụ.

Những thợ rừng, lâm tặc, hay người trộm gỗ (theo cách tự nhìn nhận của họ), cứ ngày đêm chặt hạ cây gỗ lớn, có giá trị trước sự bất lực (hay cố tình bất lực) của lực lượng bảo vệ rừng. Và họ sẽ biến những khu rừng giàu, rừng nguyên sinh thành rừng nghèo kiệt. Bước tiếp theo là Nhà nước sẽ cho các công ty khai thác trắng để trồng cao su theo chủ trương cải tạo rừng nghèo…

Theo một lâm tặc tên T. ở huyện Đạ Tẻh, rừng Đạ Huoai, Đạ Tẻh bị tàn phá bởi ba đối tượng gồm: các công ty được cấp phép khai thác trắng, lâm tặc có tổ chức và những người dân đi trộm gỗ riêng lẻ. Trong gần ba năm qua, hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên, trong đó có rừng phòng hộ xung yếu thuộc hai huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh bị tàn phá vô tội vạ. Thậm chí rừng nằm bao bọc vùng lõi của rừng quốc gia Cát Tiên cũng không còn dấu tích.Ngày 2/2, sau khi vượt hơn 10 km đường rừng, phía sau tấm bảng “Vườn quốc gia Cát Tiên, cấm vào” chúng tôi chứng kiến nhiều lâm tặc đang đốn gỗ. Ngay trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, chúng tôi cũng dễ dàng ghi lại được hình ảnh các loại gỗ lớn lóc thành từng hộp vuông nằm la liệt…

Năm 2009, hàng loạt vụ chặt phá rừng tại nhiều vườn quốc gia đã bị bắt và khởi tố như vụ phá rừng ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh; phá rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Vườn quốc gia Vụ Quang – Hà Tĩnh, phá rừng cướp gỗ ở Phong Nha…

Đầu năm 2010, lâm tặc vào Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa) hạ gần 30 cây gỗ quý có độ tuổi hàng trăm năm như lim, sến, săng lẻ… Đầu năm 2011, cơ quan chức năng phát hiện tình trạng phá rừng diễn ra nghiêm trọng tại Vườn quốc gia Cát Tiên, rừng Cát Lộc (Lâm Đồng)…