Khi phát triển trả giá bằng ô nhiễm

ThienNhien.Net – Trung Quốc mới đây lần đầu thừa nhận sự tồn tại của các “làng ung thư”, những nơi có tỷ lệ người bị ung thư cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước, do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng. Những “làng ung thư” như thế đặt ra vấn đề về sự cân bằng giữa phát triển và chất lượng cuộc sống khi nhiều nước chỉ chú trọng tới tăng trưởng kinh tế, mà quên đi các vấn đề về môi trường.

Hệ lụy của tăng trưởng

Trong một báo cáo mới công bố hồi cuối tháng 2, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc thừa nhận: “Các hóa chất độc hại đã gây ra nhiều tình huống môi trường khẩn cấp có liên quan nạn ô nhiễm nước và không khí. Thậm chí đã xuất hiện một số vấn đề về y tế và xã hội nghiêm trọng, như sự xuất hiện của làng ung thư tại một số địa phương”. Đây là lần đầu giới chức Trung Quốc sử dụng cụm từ “làng ung thư” trong một báo cáo chính thức, dù vấn đề này đã được nói đến nhiều năm qua. Động thái trên diễn ra giữa lúc nhà chức trách Trung Quốc đang phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng lớn của người dân chung quanh vấn đề chất thải, sương mù độc hại và những vấn đề môi trường khác gây ra bởi quá trình phát triển công nghiệp.

Nhiều người tin rằng những vấn đề môi trường ở nước này là hệ quả của việc Bắc Kinh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo chí Trung Quốc thời gian qua vẫn thường bày tỏ quan ngại về tác hại của nền công nghiệp gây ô nhiễm. Thậm chí, tình hình ô nhiễm nghiêm trọng này đã dấy lên làn sóng trong dư luận và truyền thông nước này kêu gọi đánh giá lại tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc và buộc ngừng lưu hành những phương tiện giao thông đã quá hạn sử dụng.

Sông Dương Tử bao quanh bởi các nhà máy gây ô nhiễm môi trường
Sông Dương Tử bị bao quanh bởi các nhà máy gây ô nhiễm môi trường

Theo báo mạng International Business Times, tỷ lệ ung thư ở Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ những năm 90 của thế kỷ trước và trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của đất nước. Các con số thống kê chính thức cho thấy Trung Quốc có khoảng 1.700 tai nạn về ô nhiễm nước hằng năm và có đến 40% con sông của nước này bị ô nhiễm nặng. Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 1 qua, sương mù bao phủ nhiều thành phố và thị trấn ở nước này, ô nhiễm không khí tăng lên mức gây hại cho sức khỏe người dân.

Vào năm 2010, một phóng viên Trung Quốc đã công bố bản đồ về “hơn 100 làng ung thư ở 27 tỉnh” của nước này. Dù vậy, nghiên cứu mới của các học giả và tổ chức môi trường cho rằng số lượng làng ung thư ở Trung Quốc hiện có thể tăng lên đến 400. Nhiều ngôi làng trong số đó nằm gần các nhà máy bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chẳng hạn như làng Đồng Tiến ở thành phố Diêm Thành có 100 người tử vong vì ung thư thực quản và ung thư phổi trong giai đoạn 2001-2006.

“Kẻ sát nhân”

Ô nhiễm môi trường là vấn đề nghiêm trọng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Các vấn đề ô nhiễm đã khiến người dân trên khắp trái đất phải đương đầu với nhiều bệnh dịch có sức tàn phá khủng khiếp. Theo một báo cáo của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD), tới năm 2050, ô nhiễm môi trường sẽ trở thành “kẻ sát nhân” khiến 3,6 triệu người chết yểu mỗi năm.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, những nhà máy xí nghiệp không đạt tiêu chuẩn về khí thải, các phương tiện giao thông cũ kỹ quá hạn sử dụng… là những thủ phạm “đầu độc” người dân sống trên hành tinh này.

Theo các chuyên gia môi trường, việc con người sử dụng ngày càng nhiều hóa chất trong quá trình sản xuất là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra những mối nguy hại nghiêm trọng.

Theo Chương trình môi trường LHQ (UNEP), tổng giá trị của hoá chất được sử dụng trên toàn cầu đã tăng vọt từ 171 tỷ USD năm 1970 lên 4.120 tỷ USD vào năm 2010, tức gần gấp 25 lần. Hiện nay trung bình mỗi năm toàn thế giới sử dụng khoảng 400 triệu tấn hóa chất, tăng 400 lần so với hơn một triệu tấn của những năm 1930.

Đáng lo ngại hơn là hoá chất đang được sử dụng tràn lan trong các ngành sản xuất, song lại không được áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường tương xứng. Chính vì vậy, trung bình mỗi năm, hóa chất và chất thải độc hại đã cướp đi sinh mạng của khoảng 47.000 người và làm hàng triệu người trên thế giới bị nhiễm các loại bệnh cực kỳ nguy hiểm. Cộng đồng dân cư sinh sống tại các nước đang phát triển luôn là nạn nhân chính của các loại hóa chất và chất thải độc hại, bởi trong quá trình lao động sản xuất, họ thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, song lại thiếu phương tiện phòng chống hoặc không có đầy đủ kiến thức về những tính năng độc hại của các loại hóa chất này.

Người dân ở thành phố Tianying trồng cây để cải thiện môi trường sống
Người dân ở thành phố Tianying trồng cây để cải thiện môi trường sống

Đối phó với “sát thủ”

Nhằm đối phó với “sát thủ” ô nhiễm, nhìn về dài hạn, UNEP khuyến nghị chính phủ các nước phải đề ra các chính sách quản lý hóa chất lâu dài, đặc biệt là trong phát triển công nghiệp, không những để ngăn chặn các thiệt hại mà còn để cải thiện việc làm và phát triển công nghệ xanh. Trong khi đó, một trong những giải pháp được OECD đề xuất là chính phủ các nước cũng nên cắt khoản trợ cấp, được sử dụng để giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường từ đốt năng lượng hóa thạch và xả nước thải bừa bãi, bởi đây chính là nguồn khích lệ việc sử dụng thiếu trách nhiệm của con người trước môi trường.

Quay trở lại vấn đề của Trung Quốc, tờ China Daily cho rằng trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh, Trung Quốc phải tìm ra giải pháp để sự phát triển không làm giảm chất lượng cuộc sống thành thị và môi trường. Tờ báo trên đã đề ra một số giải pháp như giảm mật độ nhà cao tầng trong đô thị, trồng thêm nhiều cây trong khu vực dân cư, giảm số lượng xe cơ giới. Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc cũng đang đề ra những chính sách để quốc gia này xanh, sạch hơn. Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư 49 tỷ USD cho “kinh tế xanh”. Đây là mức đầu tư lớn nhất thế giới hiện nay và mức này có thể tăng trong năm tới.

Các nhà chức trách cũng cho biết họ đã đề nghị 58 nhà máy có lượng khí thải cao dừng hoạt động. Các nhà máy phải dừng sản xuất hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng. Chính quyền các thành phố Trung Quốc cũng đã ra lệnh tạm ngưng các công trình xây dựng gây nhiều bụi. Khoảng 30% xe công bị cấm đi lại trên các đường phố ở Bắc Kinh.