Lợi nhuận từ rừng trồng tại Việt Nam vẫn còn thấp

ThienNhien.Net – Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay lợi nhuận thu được từ khai thác rừng không cao do chất lượng, sản lượng bình quân thấp và đa số chủ rừng không tự khai thác, tiêu thụ sản phẩm mà phải qua khâu trung gian thu gom bằng hình thức bán cây đứng.

Khảo sát mới đây của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy với rừng trồng 5-6 năm tuổi, chủ rừng bán được khoảng 40-50 triệu đồng/ha. Số tiền thu được này còn phải đầu tư trồng lại rừng khoảng 15 triệu đồng/ha.

Một số chủ rừng, nhất là ở khu vực có cự ly vận chuyển xa như Tây Nguyên còn không tiêu thụ được sản phẩm hoặc bán với giá rất rẻ. Thậm chí, có trường hợp tiền thu được khi khai thác không đủ để trồng lại rừng.

Dù vậy, hiện người dân và các doanh nghiệp vẫn lựa chọn trồng rừng trên các vùng đất đó vì không thể phát triển các loại cây trồng khác.

Công nhân Công ty Lâm nghiệp Đô Lương (Nghệ An) tổ chức trồng rừng vụ Thu (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)
Công nhân Công ty Lâm nghiệp Đô Lương (Nghệ An) tổ chức trồng rừng vụ Thu (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Hiện nay rừng trồng sản xuất trong nước có trên 2 triệu ha, mỗi năm khai thác khoảng 15 triệu m3 gỗ tròn. Tuy nhiên, do gỗ rừng trồng chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho sản xuất dăm gỗ xuất khẩu (trên 80%) nên giá trị kim ngạch thu được thấp và bấp bênh do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, đối tác nước ngoài.

Để người trồng rừng thoát khỏi tình trạng khó khăn này, tại Hội nghị bàn về giải pháp phát triển bền vững ngành chế biến gỗ, được tổ chức mới đây ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng có các tiêu chí chứng nhận hợp pháp cho gỗ rừng trồng trong nước. Đây là điều cần làm ngay trước yêu cầu của các đối tác nhập khẩu nước ngoài.

Đồng thời, Việt Nam cần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như khai thác, cưa xẻ, vận chuyển, sản xuất ván nhân tạo công nghệ cao. Có như vậy, người trồng rừng mới không còn cảnh “chết đứng” giữa rừng.