Hiệu quả từ mô hình nuôi cá chép đỏ

ThienNhien.Net – Vốn là một xã miền núi nghèo của tỉnh Phú Thọ, nhưng một vài năm trở lại đây, nhiều gia đình ở làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã giàu lên nhờ việc nuôi cá chép đỏ.

Cá chép đỏ xóa đói, giảm nghèo

Nói về con cá chép đỏ, ông Nguyễn Danh Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Tuy Lộc vui vẻ chia sẻ, cá chép đỏ đã có mặt ở xã gần 30 năm nay, trong đó, thôn Thủy Trầm nuôi nhiều nhất. “Nuôi cá chép đỏ đem lại giá trị kinh tế cao gấp 4 lần so với trồng lúa, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân xã nhà. Chúng tôi đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cá chép đỏ ở địa phương để mở rộng thị trường”, ông Phúc nói.

Người đầu tiên đưa cá chép đỏ về nuôi ở xã Tuy Lộc là ông Trần Đình Sáu ở thôn Thủy Trầm. Năm 1985, ông đến một trại nuôi cá giống ở Hà Nội thì được biết những con cá chép đỏ nuôi ở đây là những con cá có nguồn gốc từ ao cá Bác Hồ nên ông đã mua về nuôi làm cảnh.

Sau đó, ông nhận thấy thị trường ngày càng có nhu cầu lớn về loại cá này nên ông đã tự nhân tạo giống, nuôi với quy mô lớn. Dần dần người dân trong làng và xã đã đẩy mạnh nuôi loại cá này. Từ chỗ chỉ vài ba hộ nuôi đến nay riêng thôn Thủy Trầm đã có hơn 350 hộ tham gia nuôi.

Để có cá chép đỏ phục vụ đúng ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người nuôi cá phải mất nhiều công sức. Đầu tháng 7, người dân bắt đầu cho cá bố mẹ sinh sản. Khi cá sinh nở, người nuôi sẽ thả bèo tây xuống ao để cá bố mẹ đẻ trứng vào rễ bèo. Sau đó, những chùm bèo có trứng cá sẽ được người dân vớt lên đem đi ấp, tránh cá bố mẹ ăn mất trứng.

Trong lúc ấp trứng cần phải tránh gió và thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho trứng cá. Đến khi nhìn thấy trong trứng cá xuất hiện hai mắt cá mầu đen, người dân bắt đầu thả cá xuống ao để nuôi.

Từ ngày 19 tháng Chạp hàng năm, người trong làng lại nhộn nhịp tát ao, bắt cá để phục ngày ông Táo lên trời. Mỗi năm cả làng xuất ra thị trường hàng tấn cá chép đỏ, thu về hàng trăm triệu đồng. Hộ nuôi ít cũng có khoảng 30 cân cá, hộ nuôi nhiều lên đến hàng tạ.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, người dân trong làng đã tận dụng những vùng đất bỏ hoang và những thửa ruộng trồng lúa không hiệu quả để chuyển sang đào ao thả cá cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần.

Từ ngày nuôi cá chép đỏ, đời sống của nhiều người dân trong thôn Thủy Trầm ngày càng khá giả hơn. Nhiều gia đình đã xây được nhà tầng, mua sắm nhiều đồ dùng tiện nghi.


Người dân thôn Thủy Trầm đang thu hoạch cá chép đỏ. (Ảnh Chinhphu.vn)

Giàu lên nhờ nuôi cá chép đỏ

Gia đình ông Hà Công Kỷ ở khu 3 thôn Thủy Trần là một trong những gia đình trong làng đã “đổi đời” từ việc nuôi cá chép đỏ và các loại cá khác. Ông Kỷ tâm sự, quê ông vốn là vùng đất đồi núi, diện tích đất canh tác ít, cả nhà ông có 8 người nhưng chỉ có vài sào ruộng nên việc phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Thấy được giá trị kinh tế cao từ việc nuôi cá chép đỏ và các loại cá khác, ông đã mạnh dạn thuê thêm ruộng đất của các gia đình khác để chuyển sang đào ao thả cá.

Đến nay, diện tích ao nuôi cá của ông là hơn 6 sào Bắc bộ. Mỗi năm, ông bán hàng trăm cân cá chép đỏ ra thị trường. Riêng năm nay, ông đã bán được hơn tạ cá chép đỏ, thu về gần 20 triệu đồng.

Kếp hợp nuôi cá chép đỏ, ông còn nuôi thêm nhiều loại cá khác, đồng thời, ông còn tận dụng diện tích bờ ao để trồng rau
xanh. Nhờ vậy, mỗi năm ông còn thu thêm được hơn 20 triệu đồng từ tiền bán rau và các loại cá khác.

Từ một hộ nghèo, nhờ việc nuôi cá, nhất là cá chép đỏ mà ông đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng sung túc hơn. Không chỉ riêng ông Kỷ mà hàng chục gia đình khác ở thôn Thủy Trầm cũng đã “phất” lên từ con cá chép đỏ.